Hậu Giang nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động hồi hương

NDO -

Thời gian qua, bên cạnh áp lực phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết việc làm cho lực lượng lao động hồi hương, xem đây cũng là trụ cột an sinh quan trọng, góp phần đẩy nhanh việc khôi phục phát triển kinh tế.

Một phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang.
Một phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang.

Với hàng chục nghìn lao động hồi hương, chưa kể số lao động không có hoạt động kinh tế tại địa phương thì đây là áp lực rất lớn của tỉnh trong giải “bài toán” việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện dịch còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Áp lực lo sinh kế

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang: Qua rà soát dữ liệu cung lao động năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 40 nghìn lao động từ 18 đến 35 tuổi không có hoạt động kinh tế, cộng thêm hàng chục nghìn lao động từ các tỉnh, thành phố trở về quê, đây thực sự là áp lực rất lớn cho tỉnh trong việc tạo sinh kế cho lực lượng này.

Ông Huỳnh Hoàng Đệ, Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho biết: Từ đầu tháng 10 đến nay, xã có hàng trăm người dân từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương, trong đó gần 400 người là lao động, còn lại là người già, trẻ em. Là xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống và có tỷ lệ hộ nghèo cao, với số lượng lao động hồi hương như thế này cũng là áp lực với chính quyền địa phương, bởi đa phần những người hồi hương là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

“Do đa số người dân đi làm ăn xa nhiều năm nên nhà cửa hư hỏng. Vì vậy, trong đợt trở về lần này một số người không còn nhà ở, phải ở tạm nhà người thân. Với lại, địa phương cũng không có công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nên việc giải quyết việc làm tại chỗ cũng là vấn đề khó. Giải pháp trước mắt là những người đã hoàn thành thời gian cách ly trở về địa phương, chúng tôi vận động xã hội hóa để hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để giúp đỡ bà con trong lúc khó khăn này”, ông Đệ cho biết thêm.

Còn ở huyện Phụng Hiệp, với hơn 5.000 người dân từ các tỉnh, thành phố trở về cũng đặt ra nhiều nỗi lo trong việc tạo công ăn việc làm và bảo đảm sinh kế cho người dân. Theo ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, để tạo sinh kế, tìm kiếm việc làm cho người lao động hồi hương trong lúc này không phải là chuyện dễ, đòi hỏi cần có giải pháp và sự phối hợp tốt giữa các ban, ngành, đơn vị có liên quan.

Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Vị Thanh cho biết, địa phương có hơn 1.200 lao động từ các tỉnh, thành phố có dịch về quê. Ngoài giải quyết việc làm, giúp lao động hồi hương có nguồn thu nhập, thì vấn đề nhà ở, chuyện học hành của con em người dân hồi hương cũng là chuyện phải quan tâm, để mọi người yên tâm an cư lạc nghiệp…

Cơ hội để phục hồi phát triển kinh tế

Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bên cạnh áp lực của việc hàng chục nghìn lao động hồi hương, nhưng đây cũng được xem là cơ hội giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động, nhất là lao động đã có tay nghề, có kinh nghiệm để khôi phục sản xuất sau thời gian giảm công suất, hoặc tạm ngưng hoạt động. Bởi hiện tại, người lao động cần việc, doanh nghiệp thì đang đà phục hồi sản xuất, nên rất cần lao động, vấn đề làm sao để người lao động và doanh nghiệp gặp nhau.

Do đó, tỉnh cũng đã sớm có chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, địa phương rà soát lại những người từ ngoài tỉnh trở về, tình trạng việc làm như thế nào, độ tuổi lao động, để giới thiệu cho doanh nghiệp. Với những lao động trong độ tuổi nhưng không đi làm tại doanh nghiệp thì phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn để tạo việc làm tại chỗ cho người dân. Song song đó, nắm lại nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, phối hợp Ban Quản lý khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, ngành nghề, mức lương. Từ đó, kết nối người lao động với doanh nghiệp.

Ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang thông tin: Sở đã gửi công văn đến 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có số lượng lao động từ 50 người trở lên đề nghị doanh nghiệp thông tin về nhu cầu tuyển dụng để hỗ trợ giới thiệu lao động cho doanh nghiệp. Qua thông tin phản hồi, bước đầu đã có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, với số lượng hơn 6 nghìn lao động. Các doanh nghiệp cũng đưa ra mức lương phù hợp tùy vào vị trí việc làm và đi kèm với các chế độ phúc lợi, chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể nhằm tăng thu nhập, giảm chi phí cho người lao động, góp phần ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà, không phải tha phương mưu sinh.

Theo ông Bùi Đông Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Jia Zhi (thành phố Vị Thanh), sau thời gian tạm dừng hoạt động, công ty đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số lượng công nhân chỉ có 645 người, trong khi nhu cầu khoảng 1.400 công nhân. Tới đây, công ty dự kiến mở rộng hoạt động, xây thêm nhà xưởng, do đó, cần tuyển 1.500 lao động. “Hiện nay, lao động từ các tỉnh, thành phố trở về tỉnh và các tỉnh lân cận rất nhiều, trong số lao động này có nhiều người đã từng làm trong các công ty, xí nghiệp, nhà máy, cho nên đây sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lao động có tay nghề. Với những lao động chưa có tay nghề được tuyển dụng chúng tôi sẽ hướng dẫn, đào tạo lại. Đặc biệt, công ty ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương và lao động có tay nghề”, ông Thiên khẳng định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương gửi 50 nghìn phiếu thu thập thông tin đến người lao động trong tỉnh và người dân trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố có dịch trong thời gian qua. Trên cơ sở nắm nhu cầu của người dân sẽ có giải pháp cụ thể để hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo nghề hoặc giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện mô hình kinh tế. Nếu người dân có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thì tư vấn thị trường tiềm năng cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho bà con. Song song đó, thông qua các phiên giao dịch việc làm tại trung tâm và ở địa phương, sẽ giúp người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.

Với việc chủ động rà soát, kết nối kịp thời cung-cầu lao động, cũng như đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, sẽ giúp Hậu Giang giảm áp lực, giải quyết được việc làm cho lao động hồi hương, giúp họ lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê nhà, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.