Hàng trăm m3 gỗ bị mục nát do chậm xử lý, trách nhiệm thuộc về ai?

NDO -

NDĐT - Hơn 1.000 m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII được trục vớt lên từ lòng hồ Ea Súp Hạ từ năm 2012, nhưng UBND huyện Ea Súp và các ngành chức năng của tỉnh Đác Lắc chậm xử lý. Đồng thời, công tác quản lý, bảo quản không tốt để gỗ phơi nắng, phơi mưa nhiều năm trời làm hư hỏng, mục nát và mất mát với số lượng lớn. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa tìm ra giải pháp để xử lý số gỗ này và trách nhiệm thuộc về tố chức, cá nhân nào vẫn chưa được xác định, gây bức xúc dư luận ở địa phương.

Do không bán được và không bảo quản tốt, hàng trăm m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII trục vớt từ lòng hồ Ea Súp Hạ nằm phơi mưa, phơi nắng nhiều năm nay và ngày càng bị hư hỏng, mục nát.
Do không bán được và không bảo quản tốt, hàng trăm m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII trục vớt từ lòng hồ Ea Súp Hạ nằm phơi mưa, phơi nắng nhiều năm nay và ngày càng bị hư hỏng, mục nát.

Ngày 7-9, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ea Súp, tỉnh Đác Lắc Hoàng Thế Nghị cho biết, UBND huyện Ea Súp vừa có báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát số 6 của HĐND huyện do ông làm Trưởng đoàn về việc trục vớt, quán lý và bán đấu giá gỗ lòng hồ Ea Súp Hạ với khối lượng hơn 1.000 m3. Theo đó, trong số hơn 1.000m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII trục vớt được từ lòng hồ Ea Súp Hạ giờ chỉ còn khoảng hơn 100m3 gỗ, số lại còn do mất mát, hư hỏng, mục nát, gây thất thoát tài sản công.

Theo ông Hoàng Thế Nghị, nguyên nhân một khối lượng lớn gỗ bị mất mát, hư hỏng và mục nát là do các ngành chức năng chậm giải quyết, không có phương pháp bảo quản, làm thất thoát tài sản công... Vì vậy, trên cơ sở kiểm tra thực tế, đoàn giám sát của HĐND huyện đã có báo cáo số 37 yêu cầu kiểm điểm, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra mất mát, hao hụt số lượng gỗ rất lớn nói trên.

Hàng trăm m3 gỗ bị mục nát do chậm xử lý, trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 1

Nhiều lóng gỗ bị mục nát.

Theo hồ sơ vụ việc, năm 2011 Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Phước Lợi ở thôn 7, thị trấn Ea Súp có tờ trình UBND huyện xin trục vớt, tận thu gỗ cành ngọn còn sót lại ở hồ Ea Súp Hạ, thị trấn Ea Súp và được UBND huyện Ea Súp đồng ý. Tổng khối lượng được trục vớt là hơn 1.000 m3 gỗ, từ nhóm II đến nhóm VIII, với tổng giá trị tài sản gần 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp phải một số vướng mắc nên từ đó đến nay, hơn 1.000 m3 gỗ trên vẫn không bán được và cũng không được quản lý, bảo quản đúng quy định, để gỗ nằm phơi nắng phơi mưa dẫn đến mục nát, hư hỏng gần hết, làm thất thoát tài sản công, nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Theo hồ sơ chúng tôi có được, sau khi DNTN Phước Lợi trục vớt được hơn 1.000 m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII, ngày 20-7-2012, UBND huyện Ea Súp đã ban hành Công văn số 682/UBND-NN&PTNT về việc giao trách nhiệm phối hợp, bảo quản lâm sản đã trục vớt trong lòng hồ Ea Súp Hạ cho UBND thị trấn Ea Súp, toàn bộ số gỗ được tập kết tại DNTN Phước Lợi tại thôn 7, thị trấn Ea Súp.

Mãi đến ngày 1-8-2018, UBND huyện Ea Súp mới ban hành Tờ trình số 151/TTr-UBND gửi Sở Tài chính tỉnh Đác Lắc đề nghị xác định giá trị tài sản và xử lý đối với tài sản là gỗ trục vớt dưới lòng hồ Ea Súp Hạ. Ngày 11-9-2018, Sở Tài chính tiến hành đánh giá chất lượng và xác định giá khởi điểm bán thanh lý tài sản là gỗ trục vớt lòng hồ Ea Súp Hạ.

Ngày 23-11-2018, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh Đác Lắc ban hành Quyết định số 3188/QĐ-UBND về việc phê duyệt lại giá khởi điểm bán thanh lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân là gỗ trục vớt dưới lòng hồ Ea Súp Hạ. Thực hiện quyết định này của UBND tỉnh, UBND huyện Ea Súp đã chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện ban hành Công văn 124/KHTC-QLNS ngày 27-11-2018 gửi Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh về thông báo bán đấu giá tài sản theo Quyết định 3188 của UBND tỉnh. Ngày 28-12-2018, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh đã ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ea Súp. Tuy nhiên, ngày 13-2-2019, UBND huyện nhận được Công văn số 72/TTĐG của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh về việc xử lý tài sản đấu giá không thành.

Để xử lý tài sản theo quy định, UBND huyện Ea Súp chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tiếp tục bán đấu giá tài sản lần hai với số gỗ trên. Ngày 22-2-2019, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện ban hành Công văn số 12/TCKH-QLNS đề nghị tiếp tục bán đấu giá tài sản lần hai theo Quyết định 3188 của UBND tỉnh. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh đã ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện. Nhưng đến ngày 13-3-2019, UBND huyện Ea Súp nhận được Công văn số 146/TTĐG của Trung tâm dịch vụ đấu giá tỉnh về việc xử lý đấu giá tài sản không thành lần hai.

Đến tháng 5-2019, ông Nguyễn Phi Khanh, Giám đốc DNTN Phước Lợi có đơn thư kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc đề nghị xử lý số gỗ nói trên sau nhiều lần bán đấu giá không thành. Xử lý đơn kiến nghị của ông Nguyễn Phi Khanh, UBND tỉnh Đác Lắc ban hành Công văn 4062/UBND-NN&MT giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Ea Súp giải quyết đơn thư của doanh nghiệp. Nhưng theo báo cáo của UBND huyện Ea Súp, đến nay, huyện vẫn đang chờ đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về làm việc tại huyện.

Chính sự chậm trễ này và công tác quản lý, bảo quản số gỗ nêu trên của UBND thị trấn Ea Súp không tốt đã khiến hàng trăm m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII bị hư hỏng, mục nát và mất mát, làm thất thoát tài sản công.

Theo lãnh đạo UBND huyện Ea Súp, hiện nay việc tổ chức kiểm đếm, xác định lại số lượng và chất lượng số gỗ nêu trên gặp nhiều khó khăn, do tài sản không còn nguyên trạng, đa phần bị mục nát… Vậy trách nhiệm để thất thoát số lượng lớn tài sản công này thuộc về tổ chức, cá nhân nào? Dư luận đang chờ câu trả lời từ phía các ngành chức năng của tỉnh Đác Lắc.