Hà Nội nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19

Hà Nội là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, có mật độ dân số cao. Nguy cơ bùng phát các ổ dịch Covid-19 lớn, nhất là thời điểm mùa du lịch bắt đầu. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn huyện Đông Anh, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt khoanh vùng dập dịch; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân; dừng nhiều hoạt động không thiết yếu… Tuy nhiên, để bảo đảm Hà Nội là địa bàn an toàn, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp sắp tới, cần sự nỗ lực hơn nữa của chính quyền và nhân dân.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phong tỏa, cách ly Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Kim Chung tại Đông Anh. Ảnh: DUY LINH
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phong tỏa, cách ly Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Kim Chung tại Đông Anh. Ảnh: DUY LINH

Chuẩn bị kỹ càng, vào cuộc quyết liệt

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và trong khu vực, ngày 27-4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có Công điện số 03 tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, trong đó nhấn mạnh tất cả các ban, ngành, địa phương đều sẵn sàng với tinh thần cao nhất để ứng phó với dịch bệnh; mọi người dân nâng cao ý thức thực hiện thông điệp 5K. Thành phố hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Hai ngày sau khi ban hành Công điện, Hà Nội phát hiện ca bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Đông Anh là người nhân 2.911 (F1 của người bệnh 2.899, ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Do chuẩn bị kỹ lưỡng, kết hợp với kinh nghiệm chống dịch từ trước, “cỗ máy chống dịch” của thành phố đã vận hành một cách nhịp nhàng, hiệu quả. Ngay trong đêm 29-4, lực lượng chức năng thần tốc truy vết, đến sáng 30-4 đã hoàn thành xác minh 25 đối tượng F1, 96 đối tượng F2. Việc truy vết thành công sớm đã hạn chế tối đa số hộ dân phải phong tỏa. Kiểm tra công tác phòng dịch trên địa bàn huyện Đông Anh trong sáng 30-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải chỉ ra được vùng cần cách ly để bảo đảm an toàn. Tránh khoanh vùng quá rộng ảnh hưởng đến đời sống người dân. Những vùng đã an toàn thì phải sớm đưa đời sống người dân về bình thường. Đây cũng là phương châm chống dịch của Hà Nội trong giai đoạn này.

Hà Nội nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 -0
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại khu cách ly khách sạn Lake Side. Ảnh: DUY LINH 

Tình hình diễn biến dịch bệnh có nhiều phức tạp, trên địa bàn liên tiếp phát sinh những ca bệnh mới, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao khi người dân trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các Công điện số 04, số 05, số 06 tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Thành phố tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, cửa hàng trò chơi điện tử từ 0 giờ 30-4. Từ 17 giờ ngày 3-5, các khu di tích, cơ sở tôn giáo dừng đón khách; dừng hoạt động các quán ăn, uống đường phố, nhà hàng bán đồ ăn uống trong nhà phải thực hiện giãn theo quy định… Thành phố yêu cầu người dân đi từ các tỉnh về phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Ngày 3-5, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản cho học sinh Hà Nội tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến từ 4-5. Ngày 4-5, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu tạm dừng hoạt động tại rạp chiếu phim, cơ sở massage, spa, gym, sân vận động từ 0 giờ ngày 5-5.

Cùng với đó, lực lượng chức năng ở các địa phương tích cực vào cuộc truy vết, điều tra dịch tễ, phong tỏa khu vực có các ca bệnh mới phát hiện trên địa bàn. Điển hình như người bệnh 2.985 ở chung cư mi- ni ngõ 86, đường Phú Kiều, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm; ca bệnh ở chung cư Viễn Đông Star (số 1, phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), ca bệnh ở số 94 phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng)... Trong đó, nhiều ca bệnh có lộ trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều đối tượng, nhưng nhìn chung, lực lượng chức năng đã không bỏ lỡ “giờ vàng” sau khi xác định ca bệnh.

Tập trung tối đa nguồn lực để ngăn chặn dịch

Hà Nội nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 -0
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: DUY LINH 

TP Hà Nội đã từng bước tăng cấp độ phòng, chống dịch bệnh căn cứ vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Từ chiều 3-5, nhiều hàng quán bắt đầu đóng cửa theo chỉ đạo của Công điện số 06 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Những “phố cà phê” như Nguyễn Hữu Huân, Triệu Việt Vương… không còn cảnh ngồi tụ tập uống cà phê trên hè phố. Vỉa hè các tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm); Kim Mã, Liễu Giai, Giảng Võ (quận Ba Đình); Ngô Gia Tự, Ngọc Lâm (quận Long Biên); Nguyễn Khang, Vũ Phạm Hàm, Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy)… thông thoáng, vắng bóng các quán trà đá, hàng rong, quà vặt… Các tuyến phố chính ở khu vực các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng… đều thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh, không còn cảnh bán hàng ăn uống trên đường phố. Tại các khu vực công cộng như công viên, bờ hồ…, không còn cảnh tụ tập đông người, phần lớn người dân đã chấp hành nghiêm việc thực hiện đeo khẩu trang.

Để có được kết quả này, lực lượng chức năng đã kiên trì thực hiện các biện pháp tuyên truyền, kết hợp xử lý những vi phạm. Đại diện lãnh đạo quận Nam Từ Liêm cho biết, từ ngày 1-5 đến nay, các lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra, xử phạt 69 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch với số tiền 114 triệu đồng; phạt 231 đối tượng không đeo khẩu trang với số tiền 395 triệu đồng. Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, cho biết, từ ngày 30-4 đến 5-5, Công an quận cùng các lực lượng chức năng đã xử phạt 134 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Tổng số tiền phạt là 319 triệu đồng. Tính đến ngày 5-5, huyện Thường Tín đã phối hợp xử phạt 40 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền là 75 triệu đồng. Tại huyện Đông Anh, nơi có ca bệnh đầu tiên của Hà Nội trong đợt này, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Tám cho biết, huyện đã dừng hoạt động 117 hàng quán vỉa hè, giải tỏa 13 quán nước vỉa hè vi phạm; xử phạt 45 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền 87 triệu đồng;  vận động người dân dừng, hoãn 50 đám cưới, thu gọn quy mô 41 đám cưới...

Trong những ngày qua, Hà Nội cũng tích cực rà soát, kiểm tra các đối tượng nhập cảnh trái phép. Đại diện quận Nam Từ Liêm thông tin, vừa qua, các lực lượng chức năng quận rà soát, đã phát hiện 46 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, thuê nhà tại chung cư Glorence, số 28 phố Trần Hữu Dực. Hiện Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai đối tượng người Việt Nam, một đối tượng người Trung Quốc về hành vi Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép. Tối 4-5, Công an quận Hà Đông đã tiếp tục phát hiện 12 đối tượng người nước ngoài cư trú trái phép tại tòa A chung cư Samsora. Tất cả các đối tượng đều được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tập trung và chờ xử lý.

Mặc dù đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhưng tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Chiều 5-5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đi kiểm tra công tác phong tỏa, cách ly Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại xã Kim Chung tại Đông Anh, BV dã chiến Mê Linh và một số điểm chống dịch khác trên địa bàn. BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 đã phát hiện 14 trường hợp dương tính, gồm hai nhân viên y tế, bốn người nhà, tám bệnh nhân điều trị bệnh khác trong viện. Để thực hiện công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế thống nhất với TP Hà Nội thực hiện phong tỏa BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 từ ngày 5-5; rà soát toàn bộ danh sách những người ra viện cách đây mười ngày để truy vết. Để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh, thành phố bố trí các bệnh viện của Hà Nội để khám và tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân dương tính, cũng như các ca nghi ngờ; thành lập bốn chốt bên ngoài để kiểm soát hỗ trợ, cung cấp nhu yếu phẩm cho bệnh viện trong khoảng thời gian cách ly. Ngay trong chiều 5-5, TP Hà Nội đã tiếp tế đợt đầu gồm hai nghìn quả trứng, 100 thùng mì ăn liền và 50 thùng sữa đặc cho cán bộ, người lao động, người nhà, bệnh nhân thực hiện cách ly y tế tại BV.

Hà Nội nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 -0
Nhân viên y tế phun khử khuẩn các phương tiện ra vào khu vực phong tỏa, cách ly Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Kim Chung tại Đông Anh. Ảnh: DUY LINH 

Đối với công tác phòng, chống dịch trong cộng đồng, nếu tại các tuyến phố chính, các hộ kinh doanh chấp hành quy định phòng, chống dịch khá nghiêm túc, thì tại nhiều tuyến phố nhỏ, hay trong ngõ, vẫn còn nhiều hàng quán vỉa hè hoạt động khá công khai. Điển hình như một số hàng quán ở ngõ 67 phố Nguyễn Văn Cừ, ngõ 66 phố Ngọc Lâm (quận Long Biên); phố Vũ Thạnh, phố Trần Huy Liệu… quận Đống Đa; phố Phủ Doãn, phố Bảo Khánh (quận Hoàn Kiếm)… Để bảo đảm công tác phòng dịch, lực lượng chức năng cần tích cực hơn nữa trong tuyên truyền, kết hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với việc cách ly tập trung, cho dù đến nay, các khách sạn ở Hà Nội đã thực hiện cách ly an toàn hơn 43 nghìn lượt người, chưa xảy ra lây chéo và lây lan ra ngoài cộng đồng, tuy nhiên, việc bàn giao người hoàn thành cách ly đối với những người ở địa bàn ngoài Hà Nội đang gặp khó khăn, thành phố không nắm rõ công tác quản lý sau thời gian cách ly tập trung. Vì thế, cần có cơ chế bàn giao, phối hợp để quản lý sau cách ly tập trung tốt hơn, bảo đảm không lây bệnh ra cộng đồng.

Tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các đoàn kiểm tra của thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện công tác phòng, chống dịch kết hợp với kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các địa phương, đơn vị. Giao Ban cán sự đảng UBND thành phố bố trí nguồn ngân sách, MTTQ thành phố xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai việc mua và tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho người dân Thủ đô, nhanh chóng khống chế dịch bệnh, tiếp thực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2021.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư