Gói hỗ trợ đào tạo lại lao động mới giải ngân hơn 17 tỷ đồng

Tới 30/6/2022, thời hạn nộp hồ sơ của gói hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng nghề cho lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ hết. Qua hơn 10 tháng triển khai, tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ ở mức thấp, mới được hơn 17 tỷ đồng.

Đào tạo nghề điện tử - điện lạnh tại Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Ảnh minh họa: HTTC).
Đào tạo nghề điện tử - điện lạnh tại Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Ảnh minh họa: HTTC).

Gói hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ có mục tiêu đào tạo lại 1 triệu lao động. Tổng kinh phí của gói hỗ trợ ước tính là 4.500 tỷ đồng, trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thời hạn nhận hồ sơ chỉ còn hơn 1 tháng nữa, nhưng quá trình triển khai trong thực tế rất chậm.

Đây là thông tin từ hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ”. Chương trình do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 18/5.

Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp, TS Trương Anh Dũng, cho biết, tới nay, các địa phương mới tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, hoặc xin hướng dẫn của 200 doanh nghiệp. Trong đó, mới có 60 doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đào tạo lại cho hơn 30 nghìn lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của 14 địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho 36 doanh nghiệp đào tạo lại gần 9.000 người lao động, tổng kinh phí dự kiến trên 54 tỷ đồng.

Bà Bùi Thị Kim Loan, Phó Trưởng ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thông tin thêm, tính tới ngày 17/5, mới có bảo hiểm xã hội của 12 tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ đề nghị chi hỗ trợ của 31 doanh nghiệp được địa phương phê duyệt. Thực tế, cơ quan bảo hiểm xã hội mới giải ngân được 17,1 tỷ đồng để đào tạo lại cho 4.000 người lao động.

Bà Loan cho hay, quá trình triển khai ghi nhận một số phát sinh, như danh sách người lao động được phê duyệt khác danh sách thực tế được đào tạo, một số người lao động nghỉ việc nên doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ, mất nhiều thời gian.

TS Trương Anh Dũng chia sẻ, tỷ lệ giải ngân trên rất thấp so với kinh phí dự kiến ban đầu của gói hỗ trợ (khoảng 4.500 tỷ đồng), dù Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, với hơn 30 hội nghị. “Doanh nghiệp đều nói chính sách này rất cần và thiết thực, nhưng thực tế triển khai lại chậm. Quan điểm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là khẩn trương thực hiện theo đúng hạn, sau đó mới tính tới đề xuất cấp thẩm quyền gia hạn chính sách”, ông Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cũng đồng ý về tình trạng giải ngân chính sách trên rất chậm. Theo đại diện doanh nghiệp, hồ sơ đề nghị hỗ trợ còn ít có nhiều lý do. Thí dụ như giai đoạn này phải tập trung sản xuất bù giai đoạn giãn, dừng hoạt động; doanh nghiệp đang thiếu lao động cho sản xuất; có doanh nghiệp ngại thanh kiểm tra của cơ quan chức năng sau khi nhận hỗ trợ...

Từ đó, ông Thân đề xuất kéo dài thời gian áp dụng chính sách tới hết năm 2023, bỏ quy định doanh nghiệp phải chứng minh phương án duy trì việc làm, vì người lao động nhảy việc doanh nghiệp cũng không thể giữ lại.

Nguồn kinh phí 4.500 tỷ đồng được dành hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nằm trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Nghị quyết 68.

Theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.

Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động mỗi tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa sáu tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề, hoặc từng khóa học.

Thời điểm người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Thời gian triển khai từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2022.