Giúp nữ ứng viên thành công trong kỳ bầu cử 2016

NDO -

NDĐT - Trong kỳ bầu cử năm 2016, Việt Nam cần tăng số lượng nữ ứng viên tham gia ứng cử để đạt tỷ lệ tối thiểu 35% đại diện nữ trong các cơ quan dân cử. Từ định hướng này, một chương trình trực tuyến sáng tạo, miễn phí nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nữ ứng viên đã ra đời.

Ảnh: UNDP.
Ảnh: UNDP.

Hướng tới các nữ ứng viên

Chiều 18-9, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức lễ ra mắt chương trình bồi dưỡng trực tuyến "Sẵn sàng để thành công".

Đây là khoá bồi dưỡng trực tuyến đầu tiên do dự án Lãnh đạo nữ của Bộ Ngoại giao và UNDP xây dựng dành riêng cho tất cả phụ nữ có nguyện vọng trở thành ứng viên trong kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) ở Việt Nam trong kỳ bầu cử năm 2016. Người học có thể truy cập và tham gia học tại địa chỉ www.sansangdethanhcong.com.

Giúp nữ ứng viên thành công trong kỳ bầu cử 2016 ảnh 1

Đại diện các cơ quan nhấn nút khai trương chương trình "Sẵn sàng để thành công" (Ảnh: Ngân Anh).

Thực trạng về đại diện nữ trong các cơ quan dân cử ở Việt Nam cho thấy, trong lĩnh vực chính trị và quản trị công, tỷ lệ đại diện nữ, đặc biệt là tỷ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí lãnh đạo cao nhất có sự thay đổi qua các thời kỳ. Ở cấp cao nhất, trong suốt hai thập kỷ qua, luôn có Phó Chủ tịch nước là nữ. Năm 2013, số lượng nữ trong Bộ Chính trị tăng từ một lên hai thành viên.

Ở Quốc hội, số lượng đại biểu nữ biến động mạnh kể từ năm 1946. Trong giai đoạn từ năm 1975-1976, số lượng đại biểu nữ đạt mức cao nhất là 32% (khoá IV), và giảm xuống còn 24,4% trong năm 2011 (khoá XIII).

Việt Nam đứng thứ năm trong khu vực Đông - Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, sau Đông Timor, Philippines, Singapore và Lào. Theo xếp hạng tháng 5 năm 2015 của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Việt Nam xếp thứ 49.

Còn ở cấp địa phương, số đại biểu nữ trong HĐND các cấp dao động từ 24 đến 27% và xu hướng ngày càng tăng trong ba khoá gần đây.

Hiện nay, chỉ có hơn 24% đại biểu dân cử đương nhiệm trên cả nước là nữ giới. Việt Nam cần tăng số lượng nữ giới sẵn sàng và tự tin tham gia ứng cử để có thể đạt được tối thiểu là 35% đại điện nữ trong các cơ quan dân cử theo mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Với định hướng hỗ trợ bảo đảm sự đại diện ngang bằng của hai giới trong các cơ quan dân cử ở nước ta, "Sẵn sàng để thành công" được thiết kế nhằm nâng cao sự tự tin của các nữ ứng viên qua cung cấp một lộ trình để tham gia ứng cử hiệu quả hơn. Các nữ ứng viên sẽ nắm được các kiến thức cơ bản về hệ thống chính trị Việt Nam, quy trình đề cử ứng viên cho kỳ bầu cử, cũng như vai trò của các cơ quan liên quan trong quá trình lựa chọn ứng viên và bầu cử...

Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận xét, những rào cản ảnh hưởng đến thành công của các nữ ứng viên trong thời gian qua có thể kể tới thời gian, khoảng cách địa lý, tài chính… Chương trình bồi dưỡng trực tuyến được xây dựng nhằm phá bỏ những trở ngại này.

Bà Pratibha Mehta cũng cho rằng, để chuẩn bị đầy đủ cho kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp năm 2016, cần tập trung nhiều nguồn lực để nâng cao năng lực, nhưng dù vậy cũng không thể bồi dưỡng tất cả các ứng viên nữ tiềm năng trên cả nước thông qua các lớp tập huấn trực tiếp. Với việc sử dụng công nghệ số, nhiệm vụ này trở nên khả thi.

Dự án có sự tham gia giảng dạy của lãnh đạo cấp cao, từ Quốc hội, Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Dân tộc, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách và phụ nữ tham chính.

Chương trình "Sẵn sàng để thành công" đi vào hoạt động đúng thời điểm Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử trong năm 2016. Đồng thời, được ra mắt chỉ một tuần trước khi lãnh đạo thế giới thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), công cụ này nhất quán với Mục tiêu Phát triển Bền vững thứ năm (SDG5) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Cụ thể là, mục tiêu bảo đảm sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và cơ hội lãnh đạo bình đẳng của phụ nữ ở tất cả các cấp trong đời sống chính trị, kinh tế và khu vực công.

Vì mục tiêu 35% nữ đại biểu

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà cho biết, với hơn 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động toàn xã hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất rất cần có đại diện là phụ nữ để phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của giới này. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp hiện nay chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ. Điều đó khiến việc hoạch định kế hoạch, chính sách ít có tiếng nói đại diện của phụ nữ, dẫn đến thực hiện bình đẳng giới về mọi mặt chưa đạt như kết quả mong muốn. Nếu là nữ đại biểu Quốc hội và HĐND, các chị sẽ trực tiếp tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, phản ánh tiếng nói, nhu cầu của phụ nữ.

Đại diện của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao và UNDP trong xây dựng dự án này và mong nhiều ứng viên tiềm năng tham gia chương trình đào tạo trực tuyến. Thông qua đó, chị em sẽ có thêm nhiều hiểu biết về hệ thống chính trị, quy trình bầu cử... Khi đó, họ trở nên tự tin hơn và có thể trở thành những người lãnh đạo, chính trị gia giỏi.

Bà Hoà hy vọng có những hợp tác chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt trong hỗ trợ các nữ ứng cử viên trong kỳ bầu cử năm 2016 để góp phần đạt mục tiêu 35% nữ đại biểu, thực hiện mục tiêu phát triển xã hội, bình đẳng giới nói chung cũng như bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng.

Cố vấn kỹ thuật cấp cao của dự án Lãnh đạo nữ giữa Bộ Ngoại giao và UNDP Jean Munro cho hay, chương trình gồm tám học phần. Cụ thể là: Tại sao phụ nữ có thể trở thành những nhà lãnh đạo giỏi ; Phụ nữ và sự tham gia vào hệ thống chính trị ở Việt Nam; Hệ thống chính trị của Việt Nam, Quốc hội và HĐND; Quy trình ứng cử; Các bước xây dựng chương trình hành động; Chuẩnbị cho hội nghị tiếp xúc cử tri và kỹ năng trình bày chương trình hành động; Cách thức làm việc với truyền thông; Kỹ năng vận động và đàm phán chính trị.

Chương trình không thu phí, có thể truy cập trực tuyến hoặc tải về sử dụng trong điều kiện không có internet ở bất cứ thời điểm nào. Học viên được khuyến khích dành một giờ mỗi ngày trong hai tháng liên tục để theo dõi các bài giảng, nghiên cứu tài liệu, làm các câu hỏi trắc nghiệm về bài tập. Khi hoàn thành khoá học, người tham gia sẽ được cấp giấy chứng nhận của UNDP và TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Chương trình khuyến khích sự tương tác tích cực giữa các học viên và đội ngũ tư vấn chuyên môn thông qua loạt câu hỏi trắc nghiệm, bài tập, diễn đàn trao đổi.

*Trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội khoá 13, có 122 đại biểu nữ, chiếm 24,4%. Theo Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), vào 1-1-2014, Việt Nam xếp thứ 74 thế giới về số lượng nữ giới đương nhiệm ở vị trí Bộ trưởng. Trong số 22 Bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ, hiện có hai nữ Bộ trưởng là Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội.