Giải quyết nhiều việc khó từ công tác đối thoại

Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác đối thoại với nhân dân, coi đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng nhằm  giải quyết nhiều việc khó, tạo đồng thuận từ cơ sở.

Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo phường Ðội Cấn (Ba Ðình) với MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn. (Ảnh Hà Thu)
Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo phường Ðội Cấn (Ba Ðình) với MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn. (Ảnh Hà Thu)

Ðầu tháng 11/2021, quận Hoàng Mai tiến hành giải phóng mặt bằng diện tích đất thuộc sở hữu của 13 hộ dân tổ 30, phường Ðịnh Công, nằm trong phạm vi dự án xây dựng đường vành đai 2,5 đoạn Ðầm Hồng-quốc lộ 1A. Trước đó, do còn những ý kiến chưa đồng thuận với các phương án đền bù và không bàn giao mặt bằng cho dự án, nên UBND quận đã phải ra quyết định cưỡng chế.

Gỡ khó nhờ đối thoại

Song song với việc chuẩn bị lực lượng, thiết bị để thực hiện cưỡng chế, lãnh đạo quận Hoàng Mai và phường Ðịnh Công tiếp tục đối thoại với các hộ dân để vận động, thuyết phục, tháo gỡ khó khăn. Kết quả là cả 13 hộ đã đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng, không phải tiến hành cưỡng chế. Cũng với cách làm như vậy, công tác giải phóng mặt bằng dự án đường 2,5 tại quận Hoàng Mai gần như đã hoàn tất, chỉ còn vướng mắc tại số ít hộ dân. “Nếu không kiên trì đối thoại, không làm tốt công tác tuyên truyền vận động, sẽ khó mà giải quyết được những vướng mắc, khó nhận được sự đồng thuận của người dân”, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu nói.

Xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh từng có thời gian nằm trong diện “theo dõi” của thành phố khi người dân không đồng thuận với dự án mở rộng Nghĩa trang Thanh Tước. Có những lúc tình hình căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng”. Nắm bắt tình hình, lãnh đạo huyện và xã đã vào cuộc giải quyết. Bí thư, Chủ tịch UBND huyện trực tiếp đối thoại với đông đảo người dân để tìm hướng giải quyết. Hội nghị kéo dài từ đầu giờ chiều đến tối và trên cơ sở tập hợp ý kiến người dân, huyện Mê Linh đã đề xuất dừng dự án. Sau khi được thành phố chấp thuận, tình hình tại Thanh Lâm đã ổn định trở lại. Bí thư Ðảng ủy xã Lê Anh Thưởng cho biết: “Ðúng là nhờ đối thoại nên sự việc đã được “dập lửa” kịp thời và từ cuối năm 2019 đến nay, tất cả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đều hoàn thành tốt”.

Ðây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc được các cấp, các ngành của Hà Nội giải quyết trong 5 năm qua, sau khi thực hiện Quyết định số 2200-QÐ/TU, ngày 25/5/2017 của Thành ủy Hà Nội ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Ðây cũng được đánh giá là giải pháp sáng tạo, đột phá, đi đầu cả nước của thành phố trong thực hiện Quyết định 218-QÐ/TW  ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, Trịnh Huy Thành cho biết, Quyết định số 2200 thật sự là “chìa khóa” quan trọng để giải quyết, cởi gỡ rất nhiều vướng mắc từ cơ sở. Theo quy chế, việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hằng năm, tiến hành thường xuyên qua các hội nghị tiếp xúc cử tri và tổ chức đột xuất theo yêu cầu thực tiễn công tác đặt ra. Ðặc biệt, quy chế quy định rõ thời hạn thực hiện những nhiệm vụ sau mỗi cuộc tiếp xúc, đối thoại. Theo đó, chậm nhất là 10 ngày làm việc, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải có thông báo ý kiến kết luận đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của nhân dân (trừ những nội dung đã được làm rõ tại hội nghị).

Tạo đồng thuận từ cơ sở

Từ quy chế rất cụ thể này, các cấp, các ngành của thành phố đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai. Từ người đứng đầu như bí thư thành ủy, chủ tịch UBND thành phố đến các đồng chí lãnh đạo thành phố gương mẫu thực hiện. Từ năm 2017 đến nay, đồng chí Bí thư Thành ủy đã tổ chức đối thoại với đại biểu Mặt trận Tổ quốc, đại biểu nông dân, đại biểu phụ nữ, đại biểu đoàn viên, thanh niên; thành phố đã tổ chức 14 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Thành ủy với cán bộ, đoàn viên, đại biểu trí thức tiêu biểu và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; cấp quận, huyện đã định kỳ tổ chức 208 hội nghị; cấp xã, phường, thị trấn đã tổ chức 2.955 hội nghị. Ở cấp huyện, đã có 46.474 lượt người tham gia hội nghị đối thoại định kỳ với 8.567 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị, 8.430 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời theo quy định (chiếm 98,4%); cấp xã có 280.343 lượt người tham gia với 42.386 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị, trong đó 97% các ý kiến được tiếp thu, trả lời.

Các ý kiến đối thoại tập trung về công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, quản lý trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý an toàn thực phẩm, xây dựng đô thị văn minh, cải cách hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Các nội dung kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân, nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương, đều đã được tiếp thu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện tiếp xúc, đối thoại định kỳ, cấp ủy, chính quyền còn kịp thời tổ chức tiếp xúc, đối thoại đột xuất với những vấn đề dân sinh bức xúc đang được quan tâm về đất đai, trật tự xây dựng, việc triển khai các dự án đầu tư, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn... Trong 5 năm qua, các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã tổ chức hơn 2.800 hội nghị tiếp xúc, đối thoại đột xuất với hơn 130.000 lượt người dân tham gia với hàng chục nghìn ý kiến và hầu hết được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, ổn định tình hình từ cơ sở.

Nhờ đó, số lượng khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố đã giảm rõ rệt (năm 2017, thành phố đã tiếp nhận 7.214 đơn khiếu nại và 5.146 đơn tố cáo; đến năm 2021, thành phố tiếp nhận và xử lý 446 đơn khiếu nại, 254 đơn tố cáo và 1.748 đơn kiến nghị, phản ánh, nặc danh). “Ðối thoại, giải quyết ngay từ cơ sở đã giúp cho công tác quản lý, điều hành “nhàn” hơn rất nhiều. Có ngày tiếp dân, dù huyện đã thông báo rộng rãi đến nhân dân, nhưng cũng không có ai đến khiếu nại, tố cáo”, Bí thư Huyện ủy Ðông Anh, Lê Trung Kiên chia sẻ.

Từ những kết quả này, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đối thoại theo hướng thực chất, hiệu quả hơn. Thành phố cũng xây dựng các cơ chế phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội nắm tình hình, phản ánh nguyện vọng của nhân dân; tập hợp những kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; thực hiện giám sát việc thực hiện các kết luận sau hội nghị, giải quyết kịp thời những nội dung góp ý, phản ánh, kiến nghị của nhân dân để tạo đồng thuận từ cơ sở, làm tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.