Gần 35 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo ở Cao Bằng

Sau 16 năm triển khai, chương trình hỗ trợ phát triển huyện Thông Nông, nay là huyện Hà Quảng (Cao Bằng), đã dành gần 35 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp hơn 15 nghìn người nghèo và cận nghèo ở địa phương.

Người dân huyện Hà Quảng giới thiệu các sản phẩm sinh kế bền vững (Ảnh: AAV/AFV).
Người dân huyện Hà Quảng giới thiệu các sản phẩm sinh kế bền vững (Ảnh: AAV/AFV).

Ngày 7/4, lễ tổng kết và bàn giao chương trình “Hỗ trợ phát triển huyện Thông Nông (nay là huyện Hà Quảng)” (LRP 8) đã diễn ra tại thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Gần 35 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo ở Cao Bằng -0
Chủ tịch Hội đồng quản lý AFV chia sẻ tại chương trình (Ảnh: AAV/AFV). 

Thông tin từ chương trình cho biết, gần 35 tỷ đồng đã được giải ngân, trong tổng số gần 40 tỷ đồng đã cam kết, hỗ trợ trực tiếp hơn 15 nghìn người nghèo và cận nghèo thuộc huyện Hà Quảng - vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng - có cuộc sống tốt hơn.

Bên cạnh đó, tại lễ tổng kết, chương trình cũng tổ chức ngày hội “Giới thiệu đặc sản Thông Nông/Hà Quảng thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hoạt động có sự tham gia của đồng bào từ 11 xã trong huyện, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng, huyện Hà Quảng và các xã tham gia chương trình từ năm 2005 đến nay.

Huyện Thông Nông/Hà Quảng đã có những thay đổi rõ nét. Thí dụ, số hộ nghèo ở huyện đã giảm từ 83% vào năm 2005 xuống còn dưới 21% vào năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người của Hà Quảng đã đạt mức gần 60 triệu đồng/năm/người, so với mức 12 triệu đồng/năm/người vào năm 2005. Quan trọng nhất, người dân và cán bộ ở đây đã chủ động làm giàu, thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận về giảm nghèo và phát triển bền vững.

Qua 16 năm triển khai, LRP 8 đã đóng góp một phần nhỏ vào tiến trình phát triển của huyện Hà Quảng nói riêng và Cao Bằng nói chung. Hoạt động được tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) hỗ trợ từ năm 2005. Và đến năm 2016, Quỹ Hỗ trợ Chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã tham gia đồng tài trợ  nhiều dự án tại địa bàn, bắt đầu từ việc giúp người dân tộc xóa mù chữ, xây dựng mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, chống buôn bán người qua biên giới, giảm bạo lực gia đình. Song song với đó, cũng giúp cán bộ chính quyền thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận với người dân trong công tác giảm nghèo và phát triển ở địa phương.

Các mô hình sinh kế gắn với rừng theo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình đươc AAV và AFV hỗ trợ trong giai đoạn 2014-2018 đã giúp người dân nâng cao thu nhập bền vững, góp phần giữ đất giữ rừng và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Cụ thể, 345 hộ gia đình được nhận rừng, có thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm từ sản phẩm gỗ và đặc sản dưới tán rừng, cải thiện chất lượng của 42,4 ha rừng góp phần phủ xanh đất trống và làm giảm thiên tai về sạt lở đất mỗi khi có mưa bão.

Bà Triệu Thị Kiều Dung, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng chia sẻ, nguồn viện trợ của tổ chức AAV/AFV trước hết góp phần đem lại lợi ích về kinh tế cho địa phương. Đồng thời, hoạt động này cũng tạo điều kiện lựa chọn đa dạng sinh kế, tạo thu nhập, nâng cao năng lực giúp người dân Hà Quảng từng bước thoát nghèo một cách bền vững.