Doanh nghiệp vận tải tiếp tục xin “lùi, hoãn” thời hạn lắp camera trên xe

NDO -

Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2020), trước ngày 1-7-2021, xe chở khách trên chín chỗ và xe đầu kéo sơmi rơmoóc bắt buộc phải lắp camera giám sát trong xe. Như vậy, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là hạn chót, song các Hiệp hội vận tải và doanh nghiệp vận tải sau nhiều lần kiến nghị vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn, dù Bộ Giao thông vận tải nhiều lần đốc thúc.

Doanh nghiệp vận tải tiếp tục xin “lùi, hoãn” thời hạn lắp camera trên xe

Liên tục xin hoãn

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, trước ngày 1-7-2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến.

Đại diện Công ty Xe khách Sài Gòn (Saigon Bus) cho biết, ngay từ năm 2015, gần 500 xe bus và xe hợp đồng của doanh nghiệp đã được lắp camera giám sát. Sau hơn năm năm, kết quả mang lại rất tích cực cho hoạt động của doanh nghiệp.

Công ty đầu tư trung tâm giám sát online, không phải lo về hành vi mất an toàn trên đường hay lái, phụ xe có thái độ không đúng mực với hành khách. Lắp đặt camea giám sát trên xe kinh doanh vận tải sẽ giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ, hành khách được bảo đảm quyền lợi, Nhà nước cũng làm tốt việc hậu kiểm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tự giác chấp hành của một số doanh nghiệp vận tải, đa số chủ doanh nghiệp vẫn chần chừ trong việc lắp đặt thiết bị camera giám sát, nguyên nhân chính do các đơn vị đang ngóng chờ các kiến nghị lùi thời gian xử phạt.

Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng nêu lý do đang rất khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nếu cộng các khoản chi phí lắp đặt camera khoảng 5-6 triệu đồng/xe, chi phí đội lên cho doanh nghiệp khá lớn. Các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước lùi lại thời hạn xử phạt để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn.

Khẳng định về chủ trương lắp camera hành trình là đúng, các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải đều đồng tình, đồng thời xác định trước hay sau vẫn phải lắp theo quy định, tuy nhiên, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng), doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất lớn để lắp camera giám sát theo đúng lộ trình của Bộ Giao thông vận tải sẽ khiến khó khăn thêm chồng chất giữa đại dịch Covid-19.

“Do đó, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần lùi thời hạn lắp đặt và triển khai để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hệ thống, nguồn lực cũng như vượt qua khó khăn ở giai đoạn hiện tại,” ông Hải đề xuất.

Đầu tháng 6 vừa qua, Hiệp hội vận tải TP Hải Phòng và Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện lắp camera, để Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị kỹ hơn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thời điểm thực hiện cho khả thi do việc trang bị, lắp camera nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động tự đầu tư, trang bị, nay nếu phải thay đổi sẽ rất lãng phí, nhất là hai năm gần đây, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp kiệt quệ.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, các đơn vị trong ngành vận tải đang kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho phép lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lắp camera theo quy định của Nghị định 10 đến hết năm 2022; lùi thời hạn lắp camera đến cuối tháng 7-2023 để chuẩn bị kỹ càng và đạt hiệu quả.

Về giá cả lắp đặt, trên thị trường, giá thiết bị lắp camera góc rộng lắp cho mọi loại xe dao động khoảng 4-5,5 triệu đồng (đã bao gồm trọn gói simcard và máy chủ đầu năm). Các năm tiếp theo, doanh nghiệp chỉ cần trả trọn gói mỗi xe 100 nghìn đồng/tháng để duy trì phí dịch vụ đường truyền và máy chủ.

Doanh nghiệp vận tải tiếp tục xin “lùi, hoãn” thời hạn lắp camera trên xe -0

Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải yêu cầu bổ sung các tính năng riêng như lắp thêm mắt camera, lắp cảm biến đo nhiên liệu, sử dụng ổ cứng lưu trữ,... giá thành thiết bị sẽ nhích lên khoảng 6-7 triệu đồng/thiết bị.

Sớm muộn cũng phải lắp

Lường trước các đơn vị vận tải sẽ chờ sát “giờ G” để triển khai lắp đặt, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều công văn tuyên truyền, “đốc thúc” phải nghiêm chỉnh chấp hành lắp đặt đúng thời hạn. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp cung ứng camera đã nhập vật tư hàng hoá theo đúng lộ trình để cung cấp kiph thời. Nếu lùi thời hạn lắp đặt, các doanh nghiệp cung ứng camera sẽ đứng trước nguy cơ phá sản, gây lãng phí xã hội nghiêm trọng.

Là đơn vị cung cấp thiết bị, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Công ty cổ phần HC cho hay, nhiều doanh nghiệp vận tải đã có kế hoạch, chuẩn bị kinh phí lắp camera nhưng vẫn ở trạng thái nghe nghóng động thái của cơ quan quản lý nhà nước trước kiến nghị lùi thời hạn lắp đặt của doanh nghiệp. Việc lùi thời hạn sẽ gỡ khó phần nào cho doanh nghiệp vận tải nhưng cũng đẩy nhiều doanh nghiệp cung ứng thiết bị camera đến bờ vực phá sản vì họ đã sản xuất và nhập số lượng lớn thiết bị vật tư hàng hóa.

Mới đây, trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về đề nghị lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lắp camera đến hết năm 2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không đồng thuận và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải vẫn triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn quy định.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, quy định lắp đặt camera giám sát trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm an toàn giao thông.

“Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cần tiếp tục tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện theo đúng lộ trình quy định. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19", lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Khi lắp camera giám sát, doanh nghiệp và cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm soát được trạng thái của lái xe như nghe điện thoại, cũng như các hành vi mất an toàn giao thông khác. Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, camera là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch từ xa, nhắc nhở từ lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang sẽ góp sức cùng xã hội đẩy lùi đại dịch. Khi có camera, cũng rất thuận lợi cho việc truy vết nếu không may trên xe có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.

Vừa qua, nhờ sự hỗ trợ công nghệ, một doanh nghiệp Việt đã cung cấp miễn phí phần mềm kết nối liên thông với camera để tự động phát hiện ngay và cảnh báo cho chủ xe chính xác việc không đeo khẩu trang trên xe để thay sức người.

Đề cập đến các băn khoăn của đơn vị vận tải trong việc lựa chọn thiết bị do chưa có quy chuẩn, tính bảo mật, chất lượng hình ảnh của camera, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, sẽ không có quy chuẩn cho camera bởi thiết bị này rất phổ thông và đã theo chuẩn quốc tế. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ yêu cầu chuẩn đầu ra bảo đảm giảm chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vận tải truyền hình ảnh chuẩn theo đầu ra này sẽ tiếp nhận dữ liệu và xác nhận.

Một số doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị, nên chăng chỉ lắp những phương tiện lưu thông trên đường trước, còn lùi thời hạn lắp đối với những xe đang bị ngừng hoạt động do dịch. Điều này sẽ bảo đảm được các yêu cầu như lắp đúng thời hạn, giảm gánh nặng cho đơn vị vận tải và nhà cung cấp camera đồng thời chung sức đẩy lùi dịch Covid-19 khi dễ dàng kiểm soát người không đeo khẩu trang trên xe, truy vết và dập dịch nhanh chóng.

Những xe kinh doanh vận tải đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 10-20% thì chi phí đầu tư sẽ thấp. Giả sử một doanh nghiệp có 100 xe, do ảnh hưởng dịch, chỉ có 10 xe hoạt động, thì trước ngày 1-7-2021, doanh nghiệp chỉ phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng thay vì 500 triệu nên khá "dễ thở”. Những nhà cung ứng camera tuy bị ảnh hưởng lớn vì hàng hóa chậm lưu thông, nhưng ít nhất vẫn có thể cầm cự được để chờ đợi doanh nghiệp vận tải lắp đặt trong thời gian tới.