Doanh nghiệp, người lao động đồng bằng sông Cửu Long “đuối sức” vì Covid-19

NDO -

Dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng trăm nghìn công nhân lao động thất nghiệp. Một số doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ” nhưng hiện đã “đuối sức” và không thể cầm cự tiếp nếu dịch không được kiểm soát.

Hàng nghìn doanh nghiệp ở đồng bằng sống Cửu Long “đuối sức” phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh.
Hàng nghìn doanh nghiệp ở đồng bằng sống Cửu Long “đuối sức” phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh.

Công nhân thất nghiệp, sống lây lắt qua ngày

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng hiện vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng nhanh. Đại dịch đã làm tổn hại cả về đời sống, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, trong đó có doanh nghiệp và công nhân lao động.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ, tính đến hết tháng 7/2021, đồng bằng sông Cửu Long có 6.651 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, nhưng cũng có 4.985 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (tạm ngừng hoạt động và giải thể) và 1.796 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp, có hơn 300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động với 23.000 công nhân tạm thời nghỉ việc. Trong khi đó, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, trên địa bàn có tổng số 1.090 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn với 69.893 lao động. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 11.808 lao động của 194 doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” và có đến 896 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động với 58.085 lao động nghỉ việc tạm thời. Đến nay đã có 59 ca mắc Covid-19 liên quan đến doanh nghiệp và khu công nghiệp. Các doanh nghiệp này cũng đã tạm dừng hoạt động.

anh_2_Doanhnghiep-1629164010132.jpg
Tại Cần Thơ có đến 896 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động với 58.085 lao động nghỉ việc tạm thời. 

Tại Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ hiện có nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Rất nhiều công nhân lao động làm việc trong các công ty, nhà máy tại khu công nghiệp này đã bị thất nghiệp, mất thu nhập khiến cuộc sống rất khó khăn. Anh Nguyễn Văn Đoàn, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc hiện đang bị thất nghiệp vì dịch Covid-19. Gia đình anh Đoàn và rất nhiều công nhân khác đang ở nhà trọ gần khu công nghiệp nhưng cuộc sống rất khó khăn suốt thời gian qua vì mất thu nhập, mất việc làm.

“Vợ chồng tôi đều là công nhân phải thuê nhà trọ ở để đi làm, nhưng bị thất nghiệp hơn tháng nay. Tiền lương hằng tháng của vợ chồng tôi chỉ đủ trang trải chi phí cuộc sống hàng ngày, không có tiền để dành vì còn phải nuôi con. Giờ thất nghiệp, không có tiền đi chợ mua thức ăn”, anh Đoàn thổ lộ.

Cùng cảnh thất nghiệp lâm vào túng bấn, anh Nguyễn Phúc Linh, công nhân ở trọ gần Khu công nghiệp Trà Nóc cho hay, vợ chồng anh còn nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Dịch bệnh ập tới, giá cả lương thực, thực phẩm đều tăng nên vợ chồng anh Linh và các con, cùng nhiều gia đình khác ở nhà trọ phải ra đồng ruộng bắt ốc, hái rau dại sống lây lắt qua ngày, cả tháng nay chưa có bữa ăn ngon.

Còn chị Phạm Thị Ngọc cho biết, công ty chị làm việc đã ngừng hoạt động nên gia đình chị bị mất việc, không có lương, cuộc sống lâm vào khốn đốn.

“Tụi em ở khu nhà trọ quá khó khăn, không còn tiền bạc nên không mua được thức ăn cho con cái. Giờ không còn gạo thì ăn mì gói, mà mì cũng không còn nhiều. Dịch bệnh kéo dài, công nhân tụi em không biết sống sao”, chị Ngọc nói như khóc.

Doanh nghiệp không đủ sức chống chịu

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ, doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên sức chống chịu còn yếu. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài lần này đã khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Đặc biệt là liên quan đến chi phí vận chuyển, chi phí cho mô hình “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó, các chính sách, quy định phòng, chống dịch giữa các tỉnh còn chưa đồng bộ, cũng như việc triển khai các gói hỗ trợ chưa hiệu quả”, ông Nguyễn Phương Lam nói.

Theo VCCI Cần Thơ, đối với mô hình “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp hội viên được khảo sát phản ánh còn nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện. “Các doanh nghiệp nhỏ đa số đều phá sản hoặc ngừng hoạt động do không thuộc ngành hàng thiết yếu, không thể duy trì sản xuất. Ngoài ra các doanh nghiệp nhỏ không có điều kiện, hạ tầng để thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, Giám đốc VCCI Cần Thơ nêu vấn đề cần quan tâm.

anh_3_Doanhnghiep-1629164013933.jpg
 Hàng trăm nghìn công nhân lao động bị thất nghiệp, không lương, cuộc sống khó khăn lay lắt ở nhà trọ cần được hỗ trợ để vượt qua đại dịch.

Còn đối với các doanh nghiệp lớn hơn có thể thực hiện mô hình “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất nhưng tình hình vẫn không khả quan, chỉ hoạt động cầm chừng.

“Doanh nghiệp chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất, trong khi chi phí rất cao như: Thực hiện theo quy định bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, chi phí cho “3 tại chỗ”, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển tăng. Hơn nữa công nhân làm việc cũng bị giảm năng suất do tinh thần không ổn định, căng thẳng, áp lực, đảm nhận công việc ở vị trí khác do thiếu hụt lao động”, Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu than thở.

Cũng theo vị giám đốc, các doanh nghiệp biết thua lỗ nhưng vẫn phải duy trì sản xuất vì lo ngại khi gãy chuỗi cung ứng, không đáp ứng được đơn hàng cho khách hàng nước ngoài. Họ sẽ chuyển sang mua của thị trường khác. Sau này, khi hết dịch bệnh thì không tìm lại được khách hàng.

Trong khi đó, ông Đ., Giám đốc một công ty chế biến xuất khẩu thủy sản tại Cần Thơ thẳng thắn thừa nhận, các doanh nghiệp khi thuê đất trong các khu công nghiệp chỉ tính toán diện tích đủ để xây dựng nhà máy, phân xưởng sản xuất, kho lưu trữ hàng hóa.

“Hầu hết các doanh nghiệp đều không đưa phương án xây dựng nhà ở công nhân tại nơi sản xuất vào kế hoạch nên khi có dịch bệnh xảy ra không có chỗ bố trí cho công nhân ăn, ở, ngủ lại nơi làm việc. Hiện nay, thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ là giải pháp tình thế, đối phó thôi chứ không thể kéo dài, vì doanh nghiệp đã “đuối sức” rồi”, ông Đ., chia sẻ.

Theo VCCI Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long còn phản ánh vẫn chưa nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ từ đợt dịch năm trước. Các chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ở mức 0,5-1% quá ít so với ảnh hưởng, thiệt hại của doanh nghiệp. Đặc biệt là tình trạng thiếu vaccine phòng Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đến lượt tiêm chủng, mặc dù nằm trong ngành hàng thiết yếu.

“Trong tình trạng hiện nay, các doanh nghiệp kiến nghị cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19; mô hình “3 tại chỗ” cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Các chính sách về giảm, giãn thuế, giảm lãi suất vay và gia hạn vay để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí vận chuyển, chi phí test Covid-19. Triển khai nhanh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ”, ông Nguyễn Phương Lam nêu kiến nghị.