Điểm tựa cho trẻ mồ côi vì Covid-19

Dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của hơn 23 nghìn người Việt Nam. Tại các tỉnh vùng Tây Nam Bộ có hàng nghìn người mắc bệnh đã không qua khỏi. Thật đau xót, khi rất nhiều trẻ em đã mất cha hoặc mẹ, nhiều em mất cả cha lẫn mẹ phải sống côi cút nhờ vào sự đùm bọc của người thân, tình thương của xã hội.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long thăm và trao máy tính bảng tặng trẻ mồ côi vì Covid-19 ở huyện Vũng Liêm. Ảnh: BÁ DŨNG
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long thăm và trao máy tính bảng tặng trẻ mồ côi vì Covid-19 ở huyện Vũng Liêm. Ảnh: BÁ DŨNG

"Còn cha còn mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây. Ðàn đứt dây còn xoay còn nối. Cha mẹ mất rồi con phải mồ côi…", những câu hát ru đầy xa xót này gần đây lại văng vẳng ở miền Tây Nam Bộ.

Những mảnh đời côi cút

Chúng tôi đến xã Tân Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), nơi mà cách đây không lâu dịch Covid-19 đã bùng phát dữ dội. Rất nhiều người đã bị vi-rút SARS-CoV-2 tấn công, nhiều người sức khỏe yếu, có bệnh nền đã không chống chọi lại đã ra đi vĩnh viễn. Trong số những gia đình mất người thân, nỗi đau của ông Nguyễn Văn Nệ là quá lớn. Người vợ và đứa con gái thương yêu của ông đã mãi mãi xa lìa gia đình, để lại hai đứa cháu thơ dại.

Nén đau thương, bởi cuộc sống vẫn tiếp nối ông Nệ xúc động nói: "Tôi phải vững vàng, vì còn là chỗ dựa cho hai cháu thơ dại". Ông Nệ cho biết thêm: "Xem trực tiếp chương trình lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì Covid-19 trên đài truyền hình quốc gia, tôi thấy chương trình rất ý nghĩa, rất cảm động. Cảm ơn Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Qua chương trình, tôi và gia đình đã vơi đi phần nào buồn đau, có thêm sức mạnh, nghị lực để cố gắng nuôi dạy hai cháu nên người". Còn với gia đình chị Trần Thị Tuyết Phương, ngụ xã Hòa Phú, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của người chồng, người cha của hai đứa con nhỏ. "Gia đình có bốn người đều nhiễm Covid-19, nhưng tôi và hai con may mắn qua khỏi. Chồng tôi do những tháng ngày lao lực để lo cuộc sống gia đình nên sức khỏe suy yếu, vì vậy mà không chống chọi lại dịch bệnh đã trở nặng và qua đời", chị Phương ngập ngừng. Cuộc sống thì vẫn tiếp diễn nên chị Phương chịu đựng, cố nén đau thương để làm chỗ dựa cho hai con hướng đến tương lai.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hồng và chồng là anh Lê Anh Qui, ngụ huyện Châu Thành (An Giang) cùng rời quê lên tỉnh Bình Dương làm thuê. Anh Qui lái xe tải thuê cho các công ty, chị Hồng làm công theo thời vụ, thu nhập của hai người chỉ đủ cho cuộc sống bốn người (hai đứa con sinh đôi mới lên 8 tuổi). Thế rồi, dịch Covid-19 bùng phát, anh Qui nhiễm bệnh và qua đời. Doanh nghiệp nơi chị Hồng làm công ngừng hoạt động, chị và hai con phải quay về quê, nhưng hiện chị vẫn chưa tìm được kế sinh nhai. Còn trường hợp hai anh em B.P.L. (10 tuổi) và B.N.N. (5 tuổi), ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình (Ðồng Tháp) cũng có hoàn cảnh thật đáng thương. Trước đây, hai em sống với cha mẹ ở Bình Dương, nhưng cha mẹ lục đục trong hôn nhân, hai em phải về sống với ông ngoại. Cha mẹ sau đó ly hôn, cha bỏ đi, mẹ nhiễm Covid-19 qua đời. Ông ngoại đã hết tuổi lao động sống nhờ vào tiền làm thuê của người cậu. Tương lai của hai cháu thật quá mờ mịt…

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 38 người dân địa phương, khiến 24 đứa trẻ rơi vào cảnh mồ côi. Bên cạnh những mất mát về mặt tinh thần, các cháu hiện đối diện với những khó khăn về vật chất. Nhiều trường hợp đang sống nương tựa ông, bà nhưng tuổi cao, không còn sức lao động. Trong khi đó, tại An Giang đã có 294 người chết vì dịch Covid-19, có 85 đứa trẻ rơi vào cảnh mồ côi, có hai trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 35 trẻ mồ côi cha, 48 trẻ mồ côi mẹ. Tại tỉnh Ðồng Tháp, địa phương cũng bị dịch Covid-19 hoành hành khá nặng, đã có 246 người chết, 120 trường hợp trẻ em mồ côi. Tất cả những gia đình này đều đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Chung tay chăm lo trẻ mồ côi

Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các tỉnh trong vùng Tây Nam Bộ đã rất quan tâm hỗ trợ cho người dân, huy động xã hội hóa để chăm lo các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là trẻ em. Tại Vĩnh Long, Hội đồng Ðội Trung ương và Nhãn hàng Kun-Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) tổ chức bảo trợ theo mô hình "Kết nối và phát triển". Những trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 ngoài số tiền hỗ trợ ba triệu đồng/tháng, các cháu còn được hỗ trợ tham gia những khóa học trực tuyến về giáo dục kỹ năng, ngoại ngữ để phát triển năng lực bản thân. Các cháu còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế và các hoạt động rèn luyện thể chất…

Anh Nguyễn Anh Quân, Phó Trưởng Ban Công tác thiếu nhi Trung ương Ðoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Ðội Trung ương nói: "Chúng tôi mong muốn mang đến cho các em những tình cảm, sự sẻ chia và đồng hành cùng các em trên con đường biến ước mơ thành hiện thực. Mục tiêu của chương trình là giúp các em ổn định cuộc sống, ổn định tâm lý để tiếp tục học tập…". Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm chia sẻ: "Nghĩa cử cao đẹp của các nhà hảo tâm dành cho các cháu đã góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người yếu thế, đặc biệt là trẻ mồ côi trong hoàn cảnh khó khăn này. Chính quyền, các đoàn thể cần phối hợp tốt với nhà trường trong hỗ trợ, giúp đỡ gia đình và các cháu, phải xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên".

Tỉnh Ðồng Tháp cũng đã thực hiện nhiều chế độ hỗ trợ cho nhóm đối tượng trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. Ðến nay, đã có 43 trẻ được ngân sách của tỉnh chi hỗ trợ 1,75 triệu đồng/trẻ; có 18 trẻ được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa và bảo trợ trẻ em, mỗi trẻ một triệu đồng; 100 trẻ được nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ năm triệu đồng/trẻ và bảy trường hợp trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19 được hỗ trợ một triệu đồng/trẻ. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí cấp huyện, xã và nguồn vận động từ cơ quan Tỉnh đoàn, các tổ chức hội, đoàn thể cấp huyện đã chi hỗ trợ tiền mặt, quà, gạo và nhu yếu phẩm... cho trẻ em mồ côi do Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Thúy Lam, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Ðồng Tháp cho biết: "Trước tình cảnh các em mất đi những người thân yêu nhất của mình, Tỉnh đoàn Ðồng Tháp đã triển khai mô hình "Người em của Ðoàn" phối hợp với kế hoạch của Ban Bí thư Trung ương Ðoàn về việc tổ chức chương trình "Nối vòng tay thương", với mục tiêu phấn đấu tất cả trẻ em mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ đến 18 tuổi tại cấp tỉnh, huyện và xã".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước chia sẻ: "Tỉnh rất quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của các trẻ mất cha, mất mẹ do bị nhiễm Covid-19, trong đó chúng tôi lo lắng nhất là việc học tập của các cháu. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành có kế hoạch hỗ trợ lâu dài cho các cháu, không để các cháu bỏ học…".

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh Tô Thị Thu Hồng cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do mồ côi cha, hoặc mẹ vì Covid-19. "Thật xót xa vì trong số các trẻ mồ côi, người thân còn lại cũng đã mất việc làm do bị nhiễm Covi-19, nên không có thu nhập, thậm chí có trường hợp không có nhà ở. UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, chăm lo cho trẻ… Riêng ngành lao động-thương binh và xã hội sẽ tham mưu, thực hiện thật tốt nhiệm vụ này. Chúng tôi hy vọng sự hỗ trợ của chính quyền và xã hội là động lực để các cháu vượt qua nỗi đau mất mát người thân, phấn đấu có một cuộc sống tốt hơn, một tương lai sáng sủa hơn", bà Tô Thị Thu Hồng hứa và hy vọng. 

NHÓM PVTT ÐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG