Điểm tựa cho người lao động gặp khó khăn

Gần hai tháng qua, bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình tổ chức thực hiện nhanh, chính xác chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo chủ trương của Chính phủ.

Hơn 181 nghìn lao động ở Thái Bình đã được nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Hơn 181 nghìn lao động ở Thái Bình đã được nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Trong tháng 11 vừa qua, chị Vũ Thị Thoa, sinh năm 1978, trú tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) đã nhận được số tiền hỗ trợ 1,8 triệu đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình chi trả sau hơn hai năm ở nhà chăm con. Chị Thoa có thời gian làm cho Công ty Đại Phát chuyên cung cấp khí công nghiệp trong thành phố, nhưng rồi gánh nặng gia đình níu chân, khi một mình phải chăm bẵm năm người con, trong đó đứa nhỏ nhất mới hơn hai tuổi, cho nên chị đành nghỉ việc. Chị cho biết, sau khi nắm được thông tin về gói hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chị đã đến bộ phận một cửa thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình kê khai theo quy định và sau vài ngày đã nhận được kinh phí hỗ trợ theo diện đối tượng dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (bảo lưu).

Đang làm việc tại Công ty may xuất khẩu Poong Shin Vina, Khu công nghiệp Phúc Khánh (thành phố Thái Bình), chị Hà Thị Ngọc Bích, trú tại xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) nhận được số tiền hỗ trợ hơn 3 triệu đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chuyển vào tài khoản cá nhân. Chị quê gốc ở tỉnh Quảng Nam, lấy chồng và về Thái Bình sinh sống. Hơn 10 năm làm việc tại đây, thu nhập cũng tạm ổn, nhưng dịch bệnh bùng phát trong hai năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những lao động phổ thông như chị. Gói hỗ trợ chị được nhận không lớn, nhưng trong thời điểm khó khăn hiện nay, đó là món quà rất ý nghĩa. Bà Nguyễn Diệu Thúy, đại diện Công ty Poong Shin Vina cho biết: Trong tháng 11, đơn vị đã nhận được số tiền giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp hơn 52 triệu đồng và 637 lao động đang làm việc đã nhận hỗ trợ bằng tiền 182 triệu đồng. Mọi thủ tục kê khai, xác minh, thẩm định và chi trả diễn ra nhanh, thuận lợi.

Ông Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình cho biết: Đến hết ngày 6/10, đơn vị đã hoàn thành xong việc rà soát, đối chiếu và gửi bản Thông báo xuống cho các đơn vị sử dụng lao động để được biết về nội dung chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như thông báo số tiền dự kiến của người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022). Tổng số đơn vị đã rà soát được giảm mức đóng là 2.628 đơn vị, tương ứng khoảng 166.997 lao động, số tiền dự kiến giảm 12 tháng là 87,2 tỷ đồng.

Mặc dù thời gian thực hiện chi trả khá gấp, nhưng toàn ngành chủ trương thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức giao dịch hồ sơ để triển khai các chính sách hỗ trợ theo sự lựa chọn của người thụ hưởng, giúp người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất. Đối tượng người lao động thuộc doanh nghiệp quản lý thì doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm trong việc xác định đối tượng nhận hỗ trợ sau đó gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội để làm cơ sở giải quyết. Đối với trường hợp đã dừng tham gia thì cá nhân người đó sẽ gửi xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định.

Ông Phạm Quốc Thái, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình chia sẻ: Gần hai tháng qua, tất cả cán bộ, nhân viên tranh thủ làm ngày, làm đêm để giải ngân kịp thời gói hỗ trợ của Chính phủ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Các bộ phận như Phòng Quản lý thu, Phòng Chế độ hay như Phòng Công nghệ thông tin làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật và thường đến 21, 22 giờ mới trở về nhà. Thái Bình có khoảng 170 nghìn lao động đang làm việc, chưa kể số bảo lưu chủ yếu từ tỉnh ngoài về. Các bộ phận chuyên môn trong đơn vị phải rà soát chính xác quá trình người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian qua, vào các buổi sáng, bộ phận "một cửa" tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình có rất đông người lao động thuộc diện bảo lưu đến giao dịch, nhưng nhìn chung việc giải quyết chế độ được triển khai nhịp nhàng. Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động hướng dẫn người lao động cài đặt ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID) để họ truy cập tự kiểm tra, theo dõi quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp và hưởng hỗ trợ một cách khách quan, chính xác. Hiện nay, tỉnh Thái Bình đã cơ bản hoàn thành gói hỗ trợ cho các đơn vị sử dụng lao động, còn người lao động đang làm tại doanh nghiệp chưa được nhận hỗ trợ sau ngày 30/11 thì nộp hồ sơ như đối tượng bảo lưu để cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết, thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 20/12/2021. Phương châm của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình là rút ngắn tối đa thời gian cho người được thụ hưởng, bảo đảm đúng, đủ góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội theo chủ trương của Chính phủ.