Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

NDO -

Riêng trong quý III năm nay, hơn 28,2 triệu người chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 về việc làm. Giải pháp hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho nguồn nhân lực sẽ góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”.

Người lao động tại Tổng công ty CP May Nhà Bè (Ảnh minh họa: Minh Ánh).
Người lao động tại Tổng công ty CP May Nhà Bè (Ảnh minh họa: Minh Ánh).

Thị trường lao động “đuối sức” vì Covid-19

Ngày 22/10, Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp (Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực) tổ chức tọa đàm khoa học “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội”.

Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh -0
Tọa đàm tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: GDVT). 

Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến thị trường lao động nước ta trong quý III năm 2021. Tổng cục Thống kê cho biết, vào thời điểm này,  cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… So với quý II, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư từ ngày 27/4/2021 cũng làm sụt giảm nghiêm trọng số người tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây. Số người tham gia lực lượng lao động quý III năm 2021 bị sụt giảm nghiêm trọng.

Nghị quyết số 68/NQ-CP (gọi tắt là Nghị quyết 68)  và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 (gọi tắt là Quyết định 23) của Thủ tướng Chính phủ được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong 12 chính sách hỗ trợ, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động sẽ tác động trực tiếp đến người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn, phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất.

Ngay sau khi Nghị quyết 68 được ban hành,Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã thành lập tổ triển khai thực hiện chính sách nêu trên.

Cơ quan này cũng cử bộ phận thường trực để theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo địa phương, cơ sở triển khai thực hiện, tổ chức 5 hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động.

Tới nay, Bảo hiểm xã hội một số tỉnh, thành phố đã xác nhận đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho 20 đơn vị để xây dựng phương án đào tạo, với gần 1.800 người.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã xuất hiện một số khó khăn. Nguyên nhân chính là do tình hình dịch bệnh thời gian qua diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” nên chưa làm hồ sơ thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo. Tại các địa phương đã quay lại sản xuất, doanh nghiệp tập trung cho sản xuất, trả các đơn hàng tồn đọng nên chưa có điều kiện tham gia. Một số  địa bàn đã khôi phục sản xuất nhưng thiếu lao động do di chuyển giữa các tỉnh khó khăn. Có địa phương khi xem xét hồ sơ còn cứng nhắc, yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thêm các hồ sơ, thủ tục ngoài quy định.

Mới đây nhất, ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp khôi phục thị trường lao động.

Nhà trường, doanh nghiệp cùng vượt khó trong đại dịch

Sắp tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục hỗ trợ các địa phương, cơ sở đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo theo quy định của chính sách hỗ trợ. Cơ quan này cũng làm việc với các hội, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty nhằm xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động.

Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tục đẩy mạnh truyền thông đến các doanh nghiệp về chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động. Đồng thời, cùng Bảo hiểm tỉnh cung cấp danh sách doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thuận lợi trong việc rà soát nhu cầu đào tạo và phối hợp xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đã liên kết, hợp tác để rà soát nhu cầu, xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo.

TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), chia sẻ, ngành giáo dục nghề nghiệp đã lên các phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm khôi phục lại thị trường lao động hậu Covid-19, với hai phương án cụ thể.

Phương án thứ nhất là đưa học sinh - sinh viên trường nghề đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Hiện nay, số lượng học sinh - sinh viên giáo dục nghề nghiệp có khoảng một triệu em. Trong số này, có 500 nghìn học sinh - sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); 500 nghìn học sinh - sinh viên đang thành thạo (đang ở năm cuối của trình độ trung cấp hoặc năm 3 của trình độ cao đẳng). Lực lượng này có thể tham gia vào làm việc tại doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu.

Với riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ, tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp - khu chế xuất như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… có khoảng gần 200 nghìn học sinh - sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp, sẵn sàng tham gia vào quá trình sản xuất.

Ngoài ra, khoảng 80 nghìn học sinh - sinh viên thuộc 8 nhóm ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo như: công nghệ kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện điện tử,  xây dựng… đang có nhu cầu thực tập tốt nghiệp giai đoạn cuối khóa.

Với mô hình thứ nhất, về thực hành thực tập tại doanh nghiệp, học sinh - sinh viên năm cuối là đối tượng đã có kiến thức, kỹ năng nghề, có thể hoàn thành các bài thi tốt nghiệp tại doanh nghiệp, thực hành kiến thức ở nhà trường hoặc doanh nghiệp. Người học có thể trở thành người lao động của doanh nghiệp. Họ cũng là đối tượng giúp ích cho doanh nghiệp vì có thể tham gia vào hoạt động sản xuất được ngay.

Mô hình thứ hai là vừa học vừa làm tại doanh nghiệp. Mô hình này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng, phải sử dụng tới lực lượng lao động ngay, ngành giáo dục nghề nghiệp cũng sẵn sàng cung ứng cho doanh nghiệp. Đối tượng là sinh viên năm đầu, chỉ có kiến thức kỹ năng cơ bản, có thể bố trí vào xen kẽ học lý thuyết tại trường và thực hành - thực tập tại doanh nghiệp. Tần suất thực tập có thể theo từng tuần, từng tháng tại doanh nghiệp, nhằm mục tiêu vừa bảo đảm sản xuất tại doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm việc học.

Phương án thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh - sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để bảo đảm nâng cao tay nghề.

Ông Hùng nhấn mạnh, ưu điểm của hai phương án là có thể huy động đông đảo học sinh - sinh viên giáo dục nghề nghiệp tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh doanh nghiệp cần nguồn nhân lực, cũng như bảo đảm mục tiêu nâng cao tay nghề cho các em.

Cùng với đó, tăng cường kết nối nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh - sinh viên, giáo viên của trường nghề tham gia sản xuất, kinh doanh. Điều này góp phần giúp nhà trường hoàn thành kế hoạch đào tạo trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện này. Qua đó, giúp doanh nghiệp bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. phù hợp các quy định về tổ chức đào tạo.