Đà Nẵng ra mắt mô hình dịch vụ một cửa trợ giúp người bị bạo lực

NDO -

Ngày 23/6, tại thành phố Đà Nẵng, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp Trung Tâm Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Khoa Học Về Giới-Gia đình-Phụ Nữ và Vị Thành Niên (CSAGA) tổ chức Lễ khai trương Ngôi nhà Ánh dương hỗ trợ người bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.

Đại biểu bấm nút khởi động Ngôi nhà Ánh dương Đà Nẵng.
Đại biểu bấm nút khởi động Ngôi nhà Ánh dương Đà Nẵng.

Theo đó, Trung tâm Dịch vụ một cửa với tên gọi “Ngôi nhà Ánh dương” sẽ cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tổng hợp cho phụ nữ và trẻ em gái đang gặp phải và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.

Trung tâm cung cấp các dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nhà tạm lánh, bảo vệ từ công an, dịch vụ pháp lý, tư pháp và chuyển tuyến.

Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh dương đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm, trong đó người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm được bảo vệ, đồng thời bảo đảm quyền riêng tư và bí mật.

Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy khoảng 62,9% phụ nữ Việt Nam đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực trong cuộc đời.

Đà Nẵng ra mắt mô hình dịch vụ một cửa trợ giúp người bị bạo lực -0
Trao tặng 250 bộ đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ tại Ngôi nhà Ánh dương Đà Nẵng.

Hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ các dịch vụ công, và một nửa trong số đó chưa bao giờ chia sẻ câu chuyện của mình với bất cứ ai. Bạo lực trên cơ sở giới gây thiệt hại cho Việt Nam ước tính khoảng 1,81% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018, đây là một con số khá đáng kể. 

Vì vậy, mô hình một cửa này giúp cho những người bị bạo lực có thêm sự tiếp cận dịch vụ tốt hơn, thiết yếu hơn, có thể tiếp cận 24/7 qua đường dây nóng 024 33335599.

Theo đó, khi nhận được cuộc gọi cần hỗ trợ, cán bộ trực tổng đài tại Đà Nẵng sẽ tiếp nhận trường hợp, thực hiện hỗ trợ khẩn cấp và cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu, như: đưa người bị hại vào nhà tránh, cấp cứu, giải cứu. Các dịch vụ thiết yếu như: tư vấn tâm lý, nâng cao nhận thức, hỗ trợ pháp lý, kết nối nguồn lực để hỗ trợ giải quyết sự việc cũng nhanh chóng được triển khai. Sau đó, Trung tâm cũng thực hiện các thủ tục kết nối chuyển tuyến hoặc sang dịch vụ chuyên biệt và xây dựng thực hiện kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng cho người bị bạo lực.

Đây là ngôi nhà thứ 4 được thực hiện sau Quảng Ninh, Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh. Đường dây nóng của mỗi Trung tâm tại Quảng Ninh và Thanh Hóa nhận được hơn 1.000 cuộc gọi/tháng, con số này đã vượt quá khả năng ban đầu. Dự kiến, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng tại 4 tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Đắk Lắk, Bạc Liêu, An Giang.