Cung đường Tây Bắc

Trải nghiệm những cung đường Tây Bắc luôn là hành trình hấp dẫn người đam mê du lịch khám phá, bởi độ hiểm trở nhưng lãng mạng qua điệp trùng xanh thẫm của đại ngàn, trong tiếng rì rào của suối thác. Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang như bức tranh của tạo hóa với sự chuyển biến phong phú các gam mầu chỉ có bởi tự nhiên. Dù là ai, dù tới từ đâu, khi đặt chân lên vùng đất này đều không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp hoang sơ, mà hùng vĩ, đầy cuốn hút.

Ruộng bậc thang ở Xín Vàng, huyện Bắc Yên (Sơn La) mùa nước đổ. Ảnh: TÙNG LÊ
Ruộng bậc thang ở Xín Vàng, huyện Bắc Yên (Sơn La) mùa nước đổ. Ảnh: TÙNG LÊ

“Săn” mây trên đỉnh Tà Xùa

Tây Bắc nổi tiếng với những cung đường như dải lụa uốn lượn giữa núi cao, vực sâu. Qua Phú Thọ lên Bắc Yên, ngang Mường La (Sơn La), sang Mù Cang Chải (Yên Bái), độ hiểm trở tăng dần theo độ cao.

Điểm dừng đầu tiên được chọn là đỉnh núi Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La), nơi được ví như thiên đường mây vùng Tây Bắc. Trung tâm xã Tà Xùa cách thị trấn Bắc Yên chỉ hơn chục cây số, nhưng chỉ vừa rời phố thị chưa được bao xa, cảm giác đã lạc vào nơi hoàn toàn khác biệt, khi di chuyển trên đường núi trong biển mây mù. Hơn 10 giờ sáng, lớp mây dày đặc bao quanh khiến tầm quan sát không xa hơn đầu xe là mấy. Đứng trên đỉnh Tà Xùa, với độ cao gần 2.000 m so mực nước biển, thu vào tầm mắt là bao la hùng vĩ của núi rừng. Nếu may mắn gặp ngày thời tiết thuận, mây kéo về bao quanh sườn núi, xếp tầng, xếp lớp tạo khung cảnh như chốn thiên đường. Ngắm bình minh lên trên đỉnh Tà Xùa là cảm giác khó quên. Thời tiết trên núi rất thất thường, thoắt nắng, thoắt mưa, nên không phải lúc nào cũng đón được những khoảnh khắc tuyệt diệu ấy của thiên nhiên.

Kinh nghiệm “săn mây” được nhiều “phượt thủ” chia sẻ, cần theo dõi kỹ thời tiết để dự đoán thời gian cho khả năng có mây đẹp nhất. Theo đó, thời tiết lý tưởng nhất là mới mưa phùn, nền nhiệt độ chênh lệch giữa ban đêm và ban ngày, độ ẩm phù hợp, và tốt nhất vẫn cần có nắng thì mây mới thật sự lung linh. Và điều quan trọng, muốn chiêm ngưỡng bình minh Tà Xùa thì không thể tới đây sau 5 giờ sáng. Dù đã tính toán thời gian, nghe ngóng tiết trời, sẵn sàng mang vác các thiết bị tác nghiệp, nhưng chúng tôi vẫn vuột mất cơ hội, vì một cơn mưa lớn đến không đúng lúc. Anh Mùa A Vừ, đầu bếp tại homestay Trà Mây động viên: Chuyện bình thường thôi, bởi không biết bao nhiêu tay máy chuyên nghiệp và nghiệp dư đã ăn chực, nằm chờ ở đây bao ngày, lên đây bao chuyến chỉ để “chộp” được những khoảnh khắc đôi khi chỉ tính bằng giây…

Từ Tà Xùa đi Hang Chú, qua Làng Chiếu, Xím Vàng là cung đường không kém phần hấp dẫn với những điểm quan sát lý tưởng. Thời gian này ruộng bậc thang vào mùa đổ nước. Những thửa ruộng xếp hình, xếp khối được đổ nước từ bậc cao xuống bậc thấp, dưới ánh mặt trời như được tráng một lớp gương soi. Một trong những điểm đến mà ai lên Tà Xùa cũng muốn chinh phục đó là “sống lưng khủng long” ở phía Háng Đồng. Con đường gồ ghề, nhỏ hẹp và lầy lội sau mưa đã kéo tốc độ xe về dưới 15 km/giờ, nhưng cũng không thể vượt qua được gần 20 m đường vì sụt lún tới phần nửa bánh xe. Và chúng tôi lại trễ hẹn với “sống lưng khủng long” một lần nữa.

Cung đường Tây Bắc ảnh 1

Ruộng bậc thang ở bản Lìm Mông, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: LÊ TÙNG

Bức tranh của tạo hóa

Muốn được mãn nhãn với danh thắng ruộng bậc thang mà không qua Mù Cang Chải thì chưa thể thấu hết được vẻ độc đáo của vùng đất này. Mù Cang Chải nổi tiếng với Dế Xu Phình, Chế Cu Nha và La Pán Tẩn. Bản Dế Xu Phình nằm cheo leo theo sườn núi rợp mát rừng thông. Những triền núi đẹp tựa tranh vẽ. Ruộng bậc thang không chỉ là biểu tượng của sự kiến tạo tuyệt vời về kỹ thuật canh tác ở địa bàn núi dốc và thiếu nguồn nước mà còn thể hiện khả năng tạo hình tự nhiên một cách hoàn hảo. Theo tiếng Mông, Mù Cang Chải nghĩa là “làng cây khô”.

Để thích nghi và sinh tồn ở “làng cây khô”, không biết tự thuở nào, người dân đã sáng tạo hình thức canh tác độc đáo và nghệ thuật đến vậy. Họ bám rừng, bám bản, bám núi mà sinh sôi. Những đứa trẻ ở Dế Xu Phình hồn nhiên lớn giữa non cao với những trò chơi con trẻ kiểu mang cần đi câu ve, nhặt sỏi thi nhau ném qua khe suối… nhưng nụ cười luôn bừng sáng những gương mặt lem luốc khi khách đến cho quà. Và không thể không tới mâm xôi ở La Pán Tẩn, không thể bỏ qua Chế Cu Nha, hay bản Lìm Mông, Lìm Thái, xã Cao Phạ, để thưởng thức tận cùng cảm xúc được hòa với thiên nhiên.

Vượt qua đèo Khau Phạ, một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam, là sang vùng lúa đặc sản Tú Lệ. Chúng tôi chọn điểm dừng cuối trong ngày là homestay ngay dưới chân đèo Khau Phạ, hướng ra thung lũng lúa. Ngôi nhà sàn của người Thái khang trang vừa được đưa vào khai thác du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng. Chủ nhà cho biết, du lịch cộng đồng ở đây đã hình thành khá lâu, rải rác ở các bản có vị trí đẹp, để du khách khám phá văn hóa bản địa, ruộng bậc thang, thung lũng Tú Lệ… Có những thời điểm khách lưu trú đông, một số gia đình cùng liên kết nhằm bảo đảm chất lượng cũng như giá cả phục vụ.

Theo kế hoạch mới đây của UBND Mù Cang Chải, nhằm tôn vinh danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, quảng bá hình ảnh địa phương, từ nay đến hết năm 2018, huyện sẽ tổ chức lễ hội danh thắng quốc gia Mù Cang Chải 2018, festival Dù lượn bay trên mùa vàng tại đỉnh đèo Khau Phạ; hội thi khèn Mông, chọi dê; thi cấy lúa nhanh, cày bừa giỏi… tổ chức các tua du lịch cộng đồng cho du khách trải nghiệm văn hóa Thái, Mông cùng bà con trên ruộng bậc thang. Các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện đang nỗ lực hoàn thiện khâu cuối cùng để tổ chức Triển lãm nghệ thuật cảnh quan Mây pha lê trên đồi mâm xôi ở La Pán Tẩn vào ngày 19-5 tới. Kỳ vọng của Ban tổ chức là tạo ra một khung cảnh “thơ mộng”, giúp khách tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp kết hợp giữa đám mây nhân tạo và cảnh quan tự nhiên. Tuy nhiên “Mục sở thị” tại hiện trường, chúng tôi không khỏi lo lắng về sự “sáng tạo” quá đà, sẽ tác động tới cảnh quan một trong những khu vực ruộng bậc thang đẹp nhất vùng Tây Bắc.

Cung đường Tây Bắc còn thường xuyên đem tới những cung bậc cảm xúc. Nếu thiên nhiên hùng vĩ dọc theo tuyến đường cho cảm nhận mộng mơ, phiêu lưu, kỳ thú, thì cũng có những điểm khiến niềm vui, sự sảng khoái như chùng lại. Thời gian dịch trôi nhưng khó có thể mà tránh khỏi cảm giác băn khoăn, day dứt khi ngang những vùng lũ đã quét qua. Đến với Mường La, Mù Cang Chải là đến với tâm điểm của trận lũ quét kinh hoàng hồi cuối năm 2017. Dư chấn về sức mạnh của thiên nhiên vẫn để lại trên vùng đất tan hoang và in rõ trong hồi ức của người dân bản. Con suối Nặm Păm bao năm hiền hòa uốn quanh các bản làng của thị trấn Ít Ong, xã Nặm Păm, huyện Mường La, nay chỉ còn là một bãi trống khổng lồ lốc nhốc đá tảng.

Nhớ lại cái đêm lũ bất ngờ ập tới, cuốn phăng tất cả những gì trên đường đi của nó, chị Quàng Thị Phanh, bản Hốc, xã Nặm Păm chưa thôi xót xa. Chị mất hai người họ hàng và người hàng xóm. Đang đêm nghe âm thanh từ thượng nguồn đổ về ầm ầm như núi lở, bừng dậy thì chỉ thấy đất đá và nước cuộn đục ngầu… Bản Hốc đã mất hơn 50 ngôi nhà, bằng hơn nửa số ngôi nhà trong bản. Xã Nặm Păm có 11 bản, bản nào cũng ảnh hưởng, nhưng bản Hốc thiệt hại nặng nhất. Tỉnh lộ 109 đoạn qua Nặm Păm bị xóa sổ hoàn toàn. Khó khăn chung của người dân trong bản hiện nay là thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm. Hơn hai giờ vượt qua gần chục cây số đường, vừa đi vừa chờ xe ủi san lấp cũng chưa thể thấy hết vất vả, mất mát của người dân nơi đây…

Cuộc sống của người dân sau hơn nửa năm lũ quét qua giờ đang ổn định. Bản người dân tộc La Ha ở xã Nặm Păm đã được di chuyển lên nơi ở mới an toàn hơn. Với sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương, người dân Tây Bắc thời gian qua đã nỗ lực làm đường giao thông, quy hoạch dân cư, kè bờ chống sạt lở; hỗ trợ xây dựng phòng học, phòng ở bán trú, nhà ăn, góp phần bảo đảm điều kiện cho trẻ em đến trường học tập. Con Suối Nặm Păm sẽ được khơi dòng tránh khu vực dân cư…

Tây Bắc dường như càng đẹp và quyến rũ hơn, bởi không chỉ những cung đường quanh co bất tận, quang cảnh thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ... lưu vào tâm trí. Đó còn là sự hấp dẫn bình yên của cuộc sống hằng ngày ở Tây Bắc đơn sơ nhưng chan chứa tình người, hay từ nụ cười hồn hậu của bà con đồng bào dân tộc dù cuộc sống còn nghèo khó, nhưng vẫn nỗ lực bám đất, bám rừng, giữ từng cột mốc biên cương của Tổ quốc...