Công đoàn và bài học chính sách từ thực tiễn

NDO -

Thái độ quyết tâm, kiên trì, trách nhiệm theo đuổi của tổ chức công đoàn trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, liên quan quyền lợi của người lao động thời gian qua cho thấy, những chính sách đi được vào cuộc sống, lan tỏa cả chiều sâu, chiều rộng là những chính sách được lắng nghe trực tiếp từ đối tượng chịu tác động.

Công đoàn tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ lương thực, đồ thiết yếu cho công nhân lao động tại các khu nhà trọ thực hiện cách ly, phong tỏa.
Công đoàn tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ lương thực, đồ thiết yếu cho công nhân lao động tại các khu nhà trọ thực hiện cách ly, phong tỏa.

Kịp thời hỗ trợ người lao động

Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là minh chứng sống động.

Thời gian qua, cả nước có hơn 70 nghìn doanh nghiệp phải dừng hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô, nguồn vốn lớn, 3,1 triệu lao động phải giảm, giãn việc luân phiên do tác động dịch Covid-19. Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ra đời kịp thời trong giai đoạn đầu khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, khi đi vào đời sống gặp nhiều vướng mắc, khó tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Tỷ lệ công nhân, lao động nhận hỗ trợ chỉ đạt tỷ lệ 1,4% khi triển khai thực hiện Nghị quyết 42 là con số đầy trăn trở đối với cán bộ công đoàn. Trước những bất cập này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kịp thời kiến nghị Chính phủ, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sâu sát tại địa phương, lắng nghe ý kiến người lao động. Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  đã trực tiếp xuống Bắc Ninh, Bắc Giang, là hai địa phương thành công cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong khu công nghiệp, bảo vệ công nhân, lao động để lắng nghe tiếng nói từ cơ sở. Kết quả, 7 trong 8 nội dung tổ chức công đoàn kiến nghị được cơ quan chức năng tiếp thu, đưa vào nội dung Nghị quyết 68/NQ-CP.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  tổ chức, các địa phương cam kết tiến độ, chậm nhất chi trả tiền hỗ trợ cho công nhân, lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh vào đầu tháng 8. Riêng các doanh nghiệp được tạo điều kiện cho vay vốn sớm nhất có thể để chi trả lương cho công nhân.

Bài học quý từ thực tiễn -0
 Công nhân lao động trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh được ưu tiên tiêm vaccine.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trên diện rộng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội , Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thống nhất đưa ra hướng dẫn, khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm các điều kiện an toàn chi tiết, cụ thể, với phương châm vừa cách ly, vừa sản xuất, kinh doanh an toàn.

Cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong khu công nghiệp

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, bốn trong năm khu công nghiệp  trên địa bàn Bắc Giang tạm dừng hoạt động, hơn 160 nghìn công nhân phải nghỉ việc. Ngày 25/5, tỉnh Bắc Giang ban hành kế hoạch khôi phục sản xuất hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai vừa sản xuất vừa chống dịch theo phương châm “3 tại chỗ” trong các khu công nghiệp . Đáp ứng được những điều kiện chống dịch, các doanh nghiệp, nhà máy đến nay mới chỉ tổ chức lại sản xuất được từ 20 đến 45% công suất, duy trì đơn hàng lớn, không đứt gãy chuỗi cung ứng.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  tỉnh Bắc Giang Nguyễn Tiến Cơi cho biết: Hiện, tất cả năm khu công nghiệp  đã khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, trước đó, tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện cho gần 40 nghìn công nhân, lao động tỉnh ngoài nơi cư trú, bảo đảm phòng, chống dịch. Do số này chưa quay trở lại Bắc Giang khiến một số doanh nghiệp thiếu nhân lực. Trước thực trạng đó, Trung tâm Dịch vụ - việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  tỉnh Bắc Ninh) tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động tại các huyện, thậm chí về tận xã, thị trấn, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động.

Giám đốc trung tâm Nguyễn Tiến Huế cho biết: Trung tâm đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, tuyển dụng thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội… Đề nghị doanh nghiệp phối hợp tuyển chọn, cung ứng lao động. Chỉ trong thời gian ngắn, trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp  tuyển dụng hàng nghìn lao động. Thời gian tới, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng 40 nghìn lao động. Để công nhân, lao động yên tâm sản xuất, tổ chức công đoàn tỉnh chủ động tìm đoàn viên, người lao động cũ, vận động quay trở lại làm việc. Tham mưu, đề xuất doanh nghiệp đưa ra những chính sách thu hút công nhân, lao động, hỗ trợ thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng/người/tháng. Dù còn khó khăn nhưng những nỗ lực từ chính quyền, nhân dân, người lao động chung tay, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép, góp phần đưa tỉnh Bắc Giang nằm trong tốp đầu thu hút đầu tư FDI 6 tháng đầu năm.

Bài học quý từ thực tiễn -0
 Thưc hiện "3 tại chỗ" cho công nhân ở Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (Bắc Giang).

Khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ra Kết luận số 56 chỉ đạo, từ ngày 26 đến 29/5, tất cả doanh nghiệp, đơn vị xây dựng kế hoạch cắt đứt nguồn lây nhiễm từ khu công nghiệp  ra cộng đồng và ngược lại. Thực hiện phương châm “ba tại chỗ”, số công nhân, lao động đăng ký quay trở lại doanh nghiệp được chia thành hai nhóm. 50% số công nhân, lao động đưa vào nhà máy đợt một được xét nghiệm Covid-19 2 lần. 50% còn lại quản lý chặt tại khu dân cư như đối với các đối tượng F2, dưới sự giám sát chặt chẽ của công đoàn, chủ nhà trọ, lực lượng an ninh, trật tự địa phương. Số công nhân “sạch” này sẽ được luân chuyển, thay số công nhân đã qua 15 ngày sản xuất trong nhà máy. Tháo gỡ khó khăn về chỗ ăn ở cho doanh nghiệp không đủ cơ sở vật chất thực hiện “ba tại chỗ”, tỉnh trưng dụng các trường học, nhà ở xã hội tại địa phương làm khu tập trung. Giao chính quyền địa phương hỗ trợ triển khai lực lượng công tác bảo đảm an toàn ăn ở, sinh hoạt cho người lao động. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 28 với những quy định chặt chẽ, yêu cầu doanh nghiệp bố trí cho công nhân, lao động ăn ba bữa, quy trình khép kín, đưa đón công nhân bằng ô-tô. Đối với các chuyên gia, lao động đến từ các tỉnh, thành phố khác cam kết lộ trình đi lại, xét nghiệm Covid-19 ba ngày/lần. 

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định: Chỉ sau 18 ngày, Bắc Ninh đã cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong khu công nghiệp , sớm hơn sáu ngày so với kế hoạch. Đến nay, địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới nhưng đối tượng công nhân, lao động vẫn được tỉnh ưu tiên, bảo vệ.