Chung sức vì tương lai của học sinh khó khăn

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi tính mạng của nhiều người tại TP Hồ Chí Minh. Họ vốn là trụ cột, là chỗ dựa thương yêu của những người thân trong gia đình. Nỗi buồn đau đó càng thêm chồng chất với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tương lai của các em cần tiếp tục được thắp sáng bằng chính nghị lực và sự đồng hành, hỗ trợ của xã hội.
 

Đại diện Thành đoàn TP Hồ Chí Minh trao bảo trợ học tập cho hai học sinh ở phường 12, quận 4.
Đại diện Thành đoàn TP Hồ Chí Minh trao bảo trợ học tập cho hai học sinh ở phường 12, quận 4.

Nhằm thắp lên hy vọng và đồng hành các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em học sinh mồ côi cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ trong đại dịch Covid-19, nhiều cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đã chung tay, tiếp sức giúp các em bước vào năm học mới.

Chia sẻ những mất mát

Sáng 17/9, đoàn công tác của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đi thăm và trao quà Trung thu, thiết bị học tập tặng các học sinh là con công nhân lao động tại thành phố Thủ Đức. Tại nhà anh Võ Văn Đức, ngụ số 160, quốc lộ 1A, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, câu chuyện của những người có mặt có lúc bị ngắt quãng vì tiếng nấc của em Võ Quyên Tiền Định, cô con gái thứ hai đang học lớp 10 trong gia đình bốn anh chị em của anh Đức.

Bé Định khóc vì em lo cả bốn anh em sẽ không được đến trường khi năm học mới đã cận kề. Ngồi cạnh con gái, anh Võ Văn Đức kể: Gia đình gặp nhiều khó khăn từ khi dịch bệnh ập đến. Thời điểm sáu người trong nhà đều mắc Covid-19 khiến ai nấy đều hết sức lo lắng. Và rồi, trong đại dịch, người mẹ thân yêu của bốn đứa trẻ đã không qua khỏi. Anh Đức trở thành chỗ dựa duy nhất cho các con nhưng bản thân anh cũng đang điều trị tai biến, công việc buôn bán của gia đình bị tạm dừng mấy tháng nay cho nên khó khăn càng thêm chồng chất.

“Lúc còn sống, tảo tần nuôi con trẻ ăn học, mẹ hy vọng ở bọn trẻ nhiều lắm vì mấy đứa rất ngoan và học giỏi”, anh Đức rưng rưng nói. Nắm lấy tay cô bé học sinh lớp 10 Võ Quyên Tiền Định, chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh động viên, an ủi, trao tặng các món quà đến bốn anh chị em và thông tin, Thành đoàn đã vận động được các nhà hảo tâm để bảo trợ toàn bộ kinh phí học tập cho 2/4 anh chị em để chia sẻ bớt những khó khăn, mất mát cùng gia đình. Chị Thu Hà cho biết: Đơn vị sẽ ghi nhận thông tin để tiếp tục nỗ lực tìm các nguồn hỗ trợ cho hai em còn lại.

Dịch Covid-19 cướp mất người thân yêu duy nhất của cô bé Hoàng Kim (9 tuổi), ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Cha bỏ nhà đi khi em còn nhỏ, nhiều ngày qua, Hoàng Kim sống trong sự bao bọc của dì ruột.

Chị Ngọc Phụng, dì của Hoàng Kim chia sẻ: “Chuyện học hành của cháu Hoàng Kim hiện cũng chưa biết tính như thế nào. Chắc là chờ hết dịch đưa cháu sang quận 8 sống với bà ngoại để cháu tiện học hành”. Hoàng Kim là một trong số hơn 110 học sinh trở thành trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, thậm chí có em mất cả cha mẹ khi đại dịch Covid-19 tràn qua huyện Bình Chánh tính đến ngày 16/9. Hoàng Kim cũng như nhiều em khác đang rất cần sự hỗ trợ, chăm lo của cộng đồng.

Các trường học ở TP Hồ Chí Minh phải tổ chức dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có điều kiện đầy đủ về thiết bị, dụng cụ để học. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giờ Võ Thị Diễm Phượng cho biết: Khảo sát từ đầu năm học cho thấy, toàn huyện có hơn 450 học sinh các cấp gặp khó khăn về thiết bị, phương tiện để học trực tuyến. Thống kê chưa đầy đủ của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có khoảng 40 nghìn học sinh không đủ khả năng trang bị máy tính, máy tính bảng, ti-vi... Trong số đó, khoảng 1.500 học sinh mồ côi (cha hoặc mẹ; cả cha lẫn mẹ mất do mắc Covid-19), trong đó, hơn 490 em học sinh tiểu học, 580 học sinh THCS, số còn lại đang học THPT và giáo dục thường xuyên cần sự hỗ trợ về tâm lý, thiết bị, học phí để bước vào năm học mới.

Nỗ lực gieo mầm tương lai

Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh đã sớm triển khai mô hình “Trao gửi yêu thương” chăm sóc đối tượng trẻ mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19. Chương trình hướng đến việc huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân phát huy truyền thống nghĩa tình, chung tay chăm sóc, giáo dục trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 gây ra.

Mô hình sẽ đồng hành, hỗ trợ học sinh đến khi tốt nghiệp chương trình THPT. Tham gia hoạt động ý nghĩa này, Ban Chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh là đơn vị đầu tiên nhận đỡ đầu 5 học sinh mất cha, mẹ do dịch Covid-19, trong đó, em nhỏ nhất đang chuẩn bị vào lớp 3, em lớn nhất lên lớp 11, có em 13 tuổi mất cả cha và mẹ phải sống một mình.

Thành đoàn - Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh cũng triển khai chương trình chăm lo thiếu nhi. Các đơn vị đã huy động nguồn lực xã hội để trao tặng 1.300 bộ sách giáo khoa, thiết bị học tập, dụng cụ học tập và 50 suất học bổng bảo trợ học tập đến hết cấp THPT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Cũng từ trong tâm dịch, Hội Sinh viên và Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh đã triển khai đội hình tình nguyện “Gia sư áo xanh”. Chương trình hướng đến hỗ trợ học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng qua đời do dịch Covid-19. Đội ngũ tham gia chương trình này là các sinh viên khối ngành sư phạm, tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội; giáo viên năng khiếu, có chuyên môn phù hợp.

Chung sức vì tương lai của học sinh khó khăn -0
Đại diện MTTQ quận Tân Bình trao hỗ trợ cho gia đình một học sinh có người thân mất do dịch Covid-19. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin: Đầu tháng 9, toàn thành phố có tới hơn 75 nghìn học sinh thiếu trang, thiết bị để học trực tuyến. Đến nay, con số này chỉ còn khoảng gần 40 nghìn em. Để tiếp tục hỗ trợ, Sở đã phát động chương trình “Máy tính cho em” gửi đến toàn ngành giáo dục thành phố gồm cán bộ, nhà giáo, người lao động thuộc các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập, ngoài công lập và các đơn vị trực thuộc 22 phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, TP Thủ Đức; các đơn vị trực thuộc Sở;…

Ngoài ra, ngành giáo dục thành phố đã xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục, giáo viên hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong học tập; mạng lưới cộng tác viên có trách nhiệm in phiếu học tập để gửi cho những học sinh không có điều kiện học trực tuyến, học trên truyền hình,… để bảo đảm tất cả các em không bị gián đoạn, ảnh hưởng kết quả trong quá trình học tập.

“ATM Yêu thương” hỗ trợ trẻ mồ côi do Covid-19

Ngày 18/9, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khởi động chương trình “ATM Yêu thương” nhằm bảo trợ trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chương trình kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tạo nguồn lực hỗ trợ một triệu đồng/tháng cho đến khi đủ 18 tuổi đối với thiếu niên, nhi đồng có bố, mẹ mất do dịch Covid-19.

Trước mắt, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ phối hợp Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh lập danh sách, triển khai hỗ trợ trẻ mồ côi do dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh. Ngay khi chương trình được khởi động, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam,

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh đã đăng ký bảo trợ 7 trẻ mồ côi do Covid-19 tại các quận Gò Vấp, Bình Thạnh. Dịp này, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã kêu gọi toàn thể doanh nghiệp hội viên, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm tham gia chương trình “ATM Yêu thương”.