Chuẩn bị nguồn lực ứng phó dịch gia tăng

Trước tình hình dịch bệnh gia tăng nhanh, Bình Dương đang huy động nguồn lực trong và ngoài tỉnh, sự hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ngành, nhằm thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống Covid-19. 

Các đội lấy mẫu cơ động xét nghiệm nhanh cho người dân Bình Dương.
Các đội lấy mẫu cơ động xét nghiệm nhanh cho người dân Bình Dương.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính từ đợt dịch thứ tư (ngày 27/4) đến nay, tại Bình Dương có gần 4.500 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng; 12 người chết liên quan Covid-19 và yếu tố bệnh nền. Hiện tất cả chín đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh đều có ca mắc Covid-19; 52 doanh nghiệp tại tỉnh có ca bệnh được phát hiện.

Từ ngày 14/6 đến nay dịch đã xuất hiện những ca dương tính tại nhiều công ty kế cận với các khu nhà trọ đông công nhân lưu trú; những ca bệnh này được phát hiện tập trung trong chủ yếu ở 46 ổ dịch/chuỗi lây nhiễm, hiện đã có bốn ổ dịch được kiểm soát. Trong 42 ổ dịch chưa kiểm soát, có 20 ổ dịch trong tỉnh, 10 ổ dịch lây lan thứ phát có nguồn lây từ TP Hồ Chí Minh và các ổ dịch còn lại chưa rõ nguồn lây được phát hiện qua xét nghiệm nhanh tại các cơ sở y tế. 

Chuẩn bị nguồn lực ứng phó dịch gia tăng -0
Khu vực phong tỏa ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN 

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết, hiện tỉnh có 88 cơ sở cách ly y tế tập trung, trước đợt dịch thứ tư bùng phát, khả năng đáp ứng là 4.000 giường, hiện tỉnh đang nâng lên 50 nghìn giường và tiếp tục mở rộng lên 100 nghìn giường khi cần thiết. Về năng lực xét nghiệm, toàn tỉnh có 12 máy RT-PCR với năng lực xét nghiệm 8.000 mẫu đơn/ngày; đang thực hiện xã hội hóa xét nghiệm để nâng năng lực lên 100 đến 300 nghìn mẫu gộp/ngày. Tỉnh đã thành lập tổ điều phối điều tra truy vết, khoanh vùng, quy trình lấy mẫu xét nghiệm nhanh phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm thực hiện hết số mẫu và trả kết quả trong 24 giờ…  

Mặc dù đã giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh nhưng với tốc độ lây lan vẫn nhanh, ngành y tế Bình Dương dự báo, trong hai tuần tới sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc mới, tổng số ca bệnh có thể lên đến khoảng 10 nghìn trường hợp. Với dự báo này thì ngành y tế tỉnh có thể đáp ứng được một số công tác, như: Năng lực lấy mẫu và xét nghiệm với 600 đội lấy mẫu bảo đảm lấy mẫu nhanh; cách ly tập trung đang triển khai nâng lên 50 nghìn giường và sẽ mở rộng lên 100 nghìn giường; năng lực điều trị, tỉnh hiện có 11 cơ sở trên địa bàn hiện đáp ứng với khoảng 4.500 giường bệnh, hiện đang khẩn trương nâng lên 10 nghìn giường. Về vật tư y tế, sinh phẩm, test xét nghiệm, tỉnh hiện còn 57.500 test nhanh kháng nguyên và 50 nghìn test PCR do Bộ Y tế mới chi viện. 

Để chuẩn bị nguồn lực ứng phó số ca bệnh gia tăng trong thời gian tới, Bình Dương đã thành lập 600 đội lấy mẫu cơ động với 176 nghìn mẫu/ngày và đã huy động toàn bộ lực lượng y tế, kể cả các cơ sở y tế tư nhân, các trường đào tạo y khoa, sinh viên từ các trường y khoa… hỗ trợ phòng, chống dịch. Trong khi đó, Bộ Y tế đã chi viện cho Bình Dương ba đoàn với 667 người, Viện Y học dự phòng quân đội chi viện 10 đội xét nghiệm, một số chuyên gia của Bộ Y tế để hỗ trợ tỉnh bảo đảm lấy mẫu nhanh có trọng tâm, trọng điểm nhằm khoanh vùng dập dịch nhanh. Tỉnh cũng thành lập tổ điều phối điều tra truy vết, khoanh vùng, quy trình lấy mẫu xét nghiệm nhanh phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm thực hiện hết số mẫu và trả kết quả nhanh. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Tỉnh đã tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh trong vòng 14 ngày theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; bố trí 65 chốt kiểm soát trọng điểm ở các cửa ngõ tỉnh, trên các tuyến đường lưu thông huyết mạch ra, vào Bình Dương và các huyện, thị, thành phố trên các tuyến đường tỉnh. Đồng thời, Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan Trung ương hỗ trợ chi viện thêm cho tỉnh 200 bác sĩ, 250 điều dưỡng, hỗ trợ 50 máy thở và máy ECMO; hỗ trợ cán bộ, kỹ thuật; hỗ trợ 100 đến 200 nghìn test nhanh kháng nguyên và 20 nghìn test xét nghiệm RT-PCR.