Chính sách đúng, dân nghèo hưởng lợi

Phú Yên là một tỉnh thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2011 chiếm hơn 19,46%; năm 2015 giảm còn 7,72% và ước đến cuối năm 2020 giảm xuống 2,54%. Đáng chú ý, có hàng chục nghìn hộ dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Để có được thành quả đó, ngoài các chính sách chung của Trung ương, tỉnh Phú Yên đã có nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động sát, đúng với từng giai đoạn, từng vùng, miền cụ thể.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa trao đổi với hộ nghèo vay vốn tại xã Krông Pa.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa trao đổi với hộ nghèo vay vốn tại xã Krông Pa.

Đổi thay ở Krông Pa

Krông Pa là xã miền núi đặc biệt khó khăn, giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Toàn xã có 867 hộ dân, hơn 4.000 nhân khẩu, với hai phần ba dân số là người dân tộc Ê Đê. Trước đây chủ yếu phát rừng làm rẫy, đại bộ phận người dân luôn sống trong cảnh thiếu ăn, nghèo khó. Giai đoạn 2011 - 2015, toàn xã có 421 hộ nghèo với 2.041 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 57,2%. Trước thực trạng khó khăn đó, UBND xã Krông Pa thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Chủ tịch UBND xã Krông Pa Lê Văn Diễu cho biết: Toàn xã có 867 hộ dân, trong khi đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp có tới 2.137,38 ha/4.247,76 ha diện tích đất tự nhiên. Phần lớn hộ nghèo có đất, nhưng thiếu vốn sản xuất, do vậy giải pháp tìm nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất là vấn đề quan trọng. Hằng năm thông qua các tổ chức đoàn thể: nông dân, phụ nữ, thanh niên, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sơn Hòa đã cho hàng trăm lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất. Năm 2020, bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, NHCSXH huyện Sơn Hòa đã thực hiện cho vay 579 lượt hộ, tổng vốn giải ngân 6,825 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ toàn xã hơn 20 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, học tập của học sinh, sinh viên, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ông Lê Trọng Khoan, Giám đốc NHCSXH huyện cho biết, nguồn vốn cho vay đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Trên đường vào buôn Học, xã Krông Pa, chúng tôi được chị Kso H PRới, Chi hội trưởng phụ nữ buôn, kiêm tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, giới thiệu đến thăm gia đình vợ chồng chị HVing HĐiếp và anh Ma Hà. Chị HVing HĐiếp kể, khi cha mẹ cho ra ở riêng, hai vợ chồng rất khó khăn, là diện hộ nghèo. Năm 2012 thông qua hội phụ nữ nhận vốn ủy thác của NHCSXH, vợ chồng chị được vay 15 triệu đồng từ nguồn vay hộ nghèo mua hai con bò sinh sản; ba năm sau trả hết nợ, gia đình tiếp tục được vay 25 triệu đồng diện hộ cận nghèo. Số bò sinh sản được nhiều lên, gia đình chị bán trả được nợ cũ năm 2019 và tiếp tục được xét vay 50 triệu đồng diện hộ mới thoát nghèo. Nhìn đàn bò 12 con lớn, nhỏ trong chuồng đang ăn cỏ, HVing HĐiếp rất vui: “Mình không nghĩ mới gần 10 năm giờ đã có nhà ở, con cái được ăn uống, học hành đầy đủ như thế này! Nhờ Nhà nước cho vay vốn, làm đường giao thông, làm công trình thủy lợi cho bà con làm lúa nước, giờ chỉ ai làm biếng, không làm ăn mới nghèo đói thôi…”.

Bà Rơ Ô H Nhoen, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Krông Pa cho biết, ngoài việc hỗ trợ vốn vay đầu tư cho sản xuất, nuôi bò, xã Krông Pa đã và đang triển khai nhiều dự án như: Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; khuyến nông - lâm - phát triển sản xuất; hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt; công tác dạy nghề cho người nghèo, người dân tộc thiểu số. Năm 2014, Nhà nước đầu tư trạm bơm điện buôn Lé đặt tại xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, thực hiện dự án san ủi cánh đồng lúa nước và chỉ đạo địa phương vận động các hộ dân tự nguyện dồn điền đổi thửa, chia đều lại đất để trồng cây lúa nước hai vụ. UBND xã Krông Pa phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tích cực vận động bà con nhân dân trồng cây lúa nước. Đến nay đã có hơn 200 hộ dân trồng lúa nước, với diện tích gần 100 ha. Vụ hè thu này đang bắt đầu thu hoạch, năng suất bình quân đạt hơn 68 tạ/ha. Chủ tịch UBND xã Krông Pa Lê Văn Diễu khẳng định: “Cây lúa nước đã thật sự làm thay đổi tập quán canh tác của bà con. Có lúa, ăn không lo đói, bà con nuôi thêm con bò, trồng cây mía bán có thu nhập cao. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2015 - 2020 giảm bình quân 4%/năm, cuộc sống người dân Krông Pa đã thật sự đổi khác.

Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát các chính sách của từng ngành; đồng thời trình HĐND tỉnh phê duyệt một số quy định về thực hiện các chính sách liên quan đến giảm nghèo bền vững. Như Nghị quyết về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết về Quy định chính sách hỗ trợ các thôn, buôn hoàn thành Chương trình 135 ở các xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao không thuộc diện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo không có đất ở trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020. Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”.

Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Hồ Văn Thục, đơn vị đã triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách đến 605 thôn (buôn, khu phố) của 110 xã (phường, thị trấn) trên toàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn vay tại các huyện miền núi, vùng nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển… Dư nợ đến 30-6-2020 là hơn 3.000 tỷ đồng, với hơn 87.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, chiếm 33,33% tổng số hộ toàn tỉnh. Qua 5 năm thực hiện chương trình (giai đoạn 2016 - 2020), nguồn vốn tín dụng chính sách đã cho vay, góp phần giúp gần 26.000 hộ dân vay vốn thoát nghèo.

Bên ngôi nhà sàn khá kiên cố, thoáng mát ven đường, bà HVing HTrấc tâm sự, trước kia gia đình còn nghèo, chỉ nuôi được vài con bò cỏ (bò giống địa phương), được hội phụ nữ đứng ra tín chấp, gia đình được vay ba đợt với tổng nguồn vốn 80 triệu đồng. Nguồn vốn này được gia đình bà HVing HTrấc đầu tư nuôi bò, bằng cách chuyển đổi mua giống bò lai thay bò cỏ có giá trị cao hơn. Đến nay gia đình đã có đàn bò lai trị giá hơn 100 triệu đồng. Bà HVing HTrấc tâm sự, nhà có vài héc-ta đất rẫy trồng mì, bốn sào lúa nước và nhờ vốn vay mua đàn bò làm tài sản xoay xở vốn làm ăn, cho nên bây giờ gia đình đã có của ăn của để...

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Võ Văn Binh, công tác giảm nghèo của tỉnh tuy đạt hiệu quả cao, nhưng vẫn còn một số hạn chế như: Phát triển công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp cho các xã nghèo chưa được chỉ đạo triển khai quyết liệt; còn tình trạng trông chờ, ỷ lại chính sách của Nhà nước; chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ; chất lượng rà soát, tích hợp chính sách còn thấp, chưa khắc phục được sự phức tạp, phân tán, chồng chéo của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giảm nghèo; chưa có sự tương thích giữa việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều với việc điều chỉnh chính sách phù hợp để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên đề ra các giải pháp như: Tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm bản thân, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo ổn định sinh kế, phát triển sản xuất, tạo việc làm để tăng thu nhập. Nâng cao vai trò của các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tiết kiệm và vay vốn trong thực hiện việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo với doanh nghiệp. Tiếp tục quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là kết nối mạng thông tin đến các vùng nông thôn của tỉnh. Tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: giáo dục và đào tạo; bảo hiểm y tế; khám, chữa bệnh; nhà ở và các chương trình, dự án về nước sinh hoạt, xây dựng chuồng trại chăn nuôi và nhà tiêu hợp vệ sinh...