Chấn thương sọ não do tai nạn liên quan đồ uống có cồn vẫn ở mức cao

NDO -

Trong vòng 3 tháng, 150 trường hợp bị chấn thương sọ não nặng do tai nạn giao thông đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì có tới một nửa trong số đó dương tính với nồng độ cồn.

Ảnh minh họa: Hiện trường vụ tai nạn khiến 5 người tử vong, tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, ngày 22/9. (Ảnh: NGỌC LONG)
Ảnh minh họa: Hiện trường vụ tai nạn khiến 5 người tử vong, tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, ngày 22/9. (Ảnh: NGỌC LONG)

Thông tin trên được PGS, TS bác sĩ Nguyễn Đức Chính, cố vấn chuyên khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn và chăm sóc vết thương bệnh nhân của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đưa ra tại Hội nghị An toàn giao thông quốc gia Việt Nam 2021, sáng 3/12.

Nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Đức Chính và tập thể tác giả Bệnh viện Việt Đức được thực hiện trong khoảng thời gia từ 31/12/2020 đến 31/3/2021, tại Khoa Khám bệnh cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, với những người từ 15 tuổi trở lên.

Theo nghiên cứu, trong vòng ba tháng, nhóm tác giả ghi nhận có 150 trường hợp chấn thương sọ não nặng do tai nạn giao thông đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Trong đó, chủ yếu là những người từ 21 đến 60 tuổi và hầu hết là nam giới.

Cụ thể, nhóm tuổi từ 6-20 tuổi chiếm 16,7%; nhóm tuổi từ 21-60 tuổi chiếm 64%; nhóm tuổi hơn 60 tuổi chiếm 19,3%. Về giới tính, nam giới chiếm 86,7%; nữ giới chiếm 13,3%.

Phương tiện giao thông liên quan các vụ tai nạn gây chấn thương sọ não chủ yếu là xe máy với chủ yếu là mô-tô, xe máy với 4.612 phương tiện so với 957 ô-tô và 23 xe đạp điện.

Thời điểm thường xảy ra tai nạn là vào khung giờ từ 22 đến 6 giờ sáng hôm sau.

Cũng theo nghiên cứu, trong số 150 trường hợp chấn thương sọ não nặng có 60 trường hợp phải phẫu thuật ngay khi cấp cứu (chiếm 40%); 38 trường hợp nặng xin về và 1 trường hợp tử vong (chiếm tổng cộng 26%), tức là trung bình cứ 4 người chấn thương sọ não thì một bệnh nhân không còn cơ hội sống mặc dù đã đến tới tuyến trung ương và ngay ở ngoài phòng khám đã không giải quyết được, phải xin về.

Đáng chú ý, có tới 75  trường hợp trong số 150 trường hợp chấn thương sọ não kể trên dương tính với nồng độ cồn, chủ yếu trong độ tuổi từ 21-60 tuổi (chiếm 80%) và là nam giới (chiếm 96%).

Theo PSG, TS Nguyễn Đức Chính, các trường hợp nghiên cứu điển hình chấn thương sọ não và nạn nhân có lạm dụng nồng độ vẫn là con số để chúng ta đáng suy nghĩ và đưa ra những hướng phù hợp trong thời gian tiếp theo để có thể đẩy mạnh chương trình an toàn giao thông, liên quan nồng độ cồn trong máu nói riêng và đặc biệt là các biện pháp an toàn đối với người tham gia giao thông.

“Tôi nghĩ, cần tăng cường tuyên truyền tới các đối tượng cao như lao động tự do, công nhân, những ngành nghề khác hay tập trung vào nam giới, đây là những nạn nhân chiếm chủ yếu trong nghiên cứu về chấn thương sọ não liên quan nồng độ cồn kể trên. Mặt khác, cần tăng cường giám sát việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông trong thời gian tới và nghiêm túc xử phạt đối với những người phạm luật để làm sao chương trình an toàn giao thông của chúng ta có hiệu quả”, PSG, TS Nguyễn Đức Chính khuyến nghị.