Việc lợi dụng “luồng xanh” để chở người từ vùng dịch, vận chuyển hàng lậu, hay để kinh doanh vận tải liên tỉnh đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian gần đây. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 8/8/2021, tại chốt kiểm soát số 7, nút giao IC4, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc địa phận xã Kim Long, huyện Tam Dương, tổ công tác chốt kiểm dịch kiểm tra xe ô-tô tải mang BKS 88C-148.xx có dán giấy nhận diện mã QR code để vào luồng xanh vận tải. Quá trình kiểm tra đã phát hiện thông tin mã QR code không trùng khớp với phương tiện đang lưu thông, có dấu hiệu làm giả. Chủ xe Đường Văn Thức khai nhận: bản thân làm nghề buôn bán gà, thường xuyên ra vào tỉnh Vĩnh Phúc cho nên Thức đã nhờ người cùng thôn làm nghề photocopy in cho ba bản giấy nhận diện phương tiện “luồng xanh” và sử dụng để lưu thông trên đường từ cuối tháng 7 đến nay. Sự việc đã được tổ công tác lập biên bản, chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng bằng phương thức giả mạo, vào khoảng 18 giờ 15 phút ngày 9/8, trong quá trình làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch số 17 thuộc địa phận xã Thái Hòa, huyện Ba Vì (Hà Nội), tổ công tác đã tiến hành dừng và kiểm tra xe ô-tô BKS 29H-435.39 được dán giấy ưu tiên “luồng xanh” di chuyển theo hướng Phú Thọ sang cầu Trung Hà để vào địa phận Hà Nội. Tổ công tác tiến hành kiểm tra trên xe, phát hiện tại hàng ghế phía sau còn chở thêm bốn nam giới đều không có giấy xét nghiệm Covid-19, không có hộ khẩu tại Hà Nội. Trước đó, ngày 1/8, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Tháp cũng bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý vụ việc lái xe Phan Văn B, sinh năm 1976, ngụ ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành lợi dụng phương tiện mang BKS 63K-0719 có “luồng xanh” được chở hàng hóa thiết yếu để vận chuyển 1.740 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu…
Theo Thượng tá Nguyễn Kỳ Hanh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, để hạn chế hành vi lợi dụng “luồng xanh” để vi phạm pháp luật, khi các phương tiện đi qua chốt kiểm soát, bên cạnh việc tạo điều kiện tối đa cho lái xe, lực lượng chức năng vẫn tiến hành quét mã QR code để kiểm tra xác suất thẻ thật, thẻ giả. Trong trường hợp phát hiện xe có dấu hiệu khả nghi, sẽ thông báo cho lực lượng liên ngành để triển khai công tác hậu kiểm, xác định rõ hành vi vi phạm. Đặc biệt, nhằm kịp thời tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật từ quần chúng nhân dân liên quan đến xe “luồng xanh”, tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh đều niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, một số ý kiến cho rằng, ngoài việc xử lý người về các trường hợp vi phạm đồng thời phải xử lý trách nhiệm quản lý phương tiện, đặc biệt với các đơn vị có lái xe đi và đến từ vùng dịch; phải có quy định giao trách nhiệm cụ thể, trực tiếp đối với doanh nghiệp vận tải bởi việc tổ chức quản lý đội ngũ lái xe là của doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện nên phải có trách nhiệm tuyệt đối chấp hành các quy định phòng dịch đối với lái xe và người phục vụ theo xe khi tham gia giao thông.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã có công văn yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý đối với phương tiện vi phạm thẻ nhận diện có mã QR code sau khi phát hiện một số phương tiện sử dụng mã QR code giả để lưu thông qua chốt kiểm soát. Theo đó, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa được cấp thẻ nhận diện tại các chốt kiểm soát và các địa điểm tập kết phương tiện, trung chuyển, giao nhận hàng hóa tại cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất...
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát và địa điểm tập kết phương tiện, trung chuyển để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở Giao thông vận tải các địa phương cũng cần xác định rõ các chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp vận tải chịu trách nhiệm chính trong việc khai báo, đăng ký và thực hiện đúng quy định về việc tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch, không gây ùn tắc giao thông. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hậu kiểm với các doanh nghiệp có phương tiện được cấp thẻ nhận diện phương tiện có mã QR code hoạt động trên “luồng xanh”; thường xuyên kiểm tra lộ trình hoạt động của các phương tiện trên hệ thống cập nhật dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện; nếu vi phạm, ngoài việc xử lý theo quy định sẽ áp dụng biện pháp thu hồi thẻ nhận diện, không gia hạn hoặc từ chối không cấp thẻ nhận diện có mã QR Code hoạt động trên “luồng xanh”.
Theo Luật sư Lã Thị Ánh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), việc cấp thẻ “luồng xanh” ưu tiên có thể đúng đối tượng nhưng lái xe lại không sử dụng đúng mục đích, có thể bị phạt với lỗi ra đường không có lý do chính đáng với mức phạt 3 triệu đồng vì không chở hàng thiết yếu. Trong trường hợp xác định được lái xe sử dụng giấy tờ giả có thể khởi tố hình sự với tội làm giả và sử dụng giấy tờ giả theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).