Cậu học trò khiếm thị giàu nghị lực

NDO - NDĐT- “14 năm qua, với đôi mắt không lành lặn như người bình thường nhưng em đã vượt lên số phận sống hòa nhập cộng đồng, nhiều năm liền liên tục là học sinh giỏi với ước mơ sau này thi đậu Nhạc viện Hà Nội, trở thành thầy giáo dạy nhạc cụ dân tộc.”
Thầy Học dạy em Cường đánh đàn bầu.
Thầy Học dạy em Cường đánh đàn bầu.

Đó là lời nhận xét của thầy Lưu Văn Học, giáo viên dạy môn năng khiếu khi nói về em Nguyễn Công Cường, học sinh lớp 8/A, trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Khu dân cư Hòa Minh, Quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Khát khao con chữ

Năm nay, Cường bước sang tuổi 14, thân thể của em phát triển cao, to như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng duy chỉ có đôi mắt trên gương mặt sáng sủa ấy lại bị dị tật. Mọi vật đặt gần mắt em rất khó để nhận diện màu sắc, phải đặt cách xa đến vài mét mới rõ.

Cường tâm sự: “Khi chưa đầy một tuổi, bố mẹ phát hiện đôi mắt em không bình thường. Đồ đạc giá trị trong nhà, có bao nhiêu bố mẹ đều bán hết cả để đưa em đi chữa trị, nhưng em được các bác sĩ kết luận bị mù bẩm sinh…”

Hàng ngày nghe tiếng bạn bè nô đùa, gọi nhau đi học, Cường khao khát lắm ! Em muốn được cắp sách tới trường. Thương con, thấy con khát khao được học chữ, được vui học hành như bao bạn bè cùng trang lứa, ngày nắng cũng như ngày mưa, bố mẹ Cường thay nhau đưa em đến lớp học chữ nổi Brai tại trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu.

“Lúc mới vào học, em rất khó khăn trong nhận dạng mặt chữ và sinh hoạt với các bạn cùng trang lứa. Qua một thời gian rèn luyện, được thầy cô và các bạn quan tâm, động viên nên em dần viết và đọc được chữ nổi Brai. Cảm giác của em lúc đó như thấy tương lai mình tràn đầy hy vọng. Em biết rằng trong khó khăn càng phải biết vươn mình cố gắng để cha mẹ không buồn vì em.

Ngần 8 năm theo học tại trường, Cường đều đạt danh hiệu học sinh giỏi đứng vị trí đầu lớp khiếm thị, được thầy cô khen tặng vì thành tích nỗ lực không mệt mỏi.

Anh Quân, bố Cường tâm sự: “Nhìn thấy cháu ham học, lại học giỏi gia đình vui lắm. Trước đây, cứ nghĩ sợ cháu không theo kịp lớp, nhìn thấy bạn bè đi học cứ nằng nặc đòi mua sách vở cho bằng được mới thôi!”

Để đôi mắt này tàn nhưng không phế!

Hàng tuần, từ thứ hai đến thứ sáu, Cường được học tập tại lớp chữ nổi Brai. Riêng hai ngày cuối tuần, em cùng bạn bè được thầy giáo Lưu Văn Học dạy môn đàn bầu tại trường.

Cường hào hứng khoe: “Em đam mê học đàn bầu từ nhỏ rồi anh ạ, cứ mỗi lần nghe ai đó đàn là em lại có cảm giác yêu cuộc sống hơn. Năm học lớp 6 nhà trường tổ chức lớp năng khiếu đàn bầu em liền đăng ký để theo học ngay. Em biết mình không thể nhìn rõ nhưng em đã quyết tâm rất nhiều. Đến bây giờ em đã đàn được thành thạo nhiều bài như: Cây đa quán dốc, trống cơm…Tất cả là nhờ sự dạy bảo ân cần của thầy”.

Nói về cậu học trò khiếm thị theo học lớp mình, thầy Học nhận xét: “Cường là một học sinh ngoan, có năng khiếu với đàn bầu, em có khả năng cảm thụ và tiếp thu nhanh khi được chỉ dẫn. Lúc đầu tôi cũng lo vì sợ em không theo kịp lớp nhưng em rất chăm chỉ, đức tính cần cù và nhẫn nại đã giúp em thành công”. Thầy Học cũng cho biết thêm, để dạy các em bị khiếm thị học được nhạc cụ khó rất nhiều so với người bình thường. Ban đầu tôi đọc nốt nhạc còn các em ghi chữ nổi Brai, sau đó các em đọc lại để tôi kiểm tra xem đúng không. Rồi tiếp tục tôi phải cầm tay các em đặt lên đàn đánh từng nốt cho quen dần…

Tâm sự về ước mơ sau này của mình, Cường chia sẻ: “Em đang cố gắng học và đàn thật giỏi để mai này thi đậu Nhạc viện Hà Nội. Em ước mơ trở thành thầy giáo dạy nhạc dân tộc, có điều kiện thuận lợi hơn dạy dỗ những bạn bị khiếm thị thiếu may mắn như em, để đôi mắt này tàn nhưng không phế.”

Chia tay Cường, chúng tôi mong rằng điều ước đó sẽ sớm trở thành hiện thực với cậu học trò giàu nghị lực như em.