Cần đầu tư dài hạn trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em

NDO -

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất rõ đối với sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên. Nhân dịp UNICEF công bố báo cáo Tình hình Trẻ em thế giới 2021 với chủ đề: Thúc đẩy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, ngày 5/10, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, bà Rana Flowers đã chia sẻ về vấn đề này.

Bà Rana Flowers tham dự cuộc họp Câu lạc bộ làm cha mẹ ở Kon Tum, năm 2020.
Bà Rana Flowers tham dự cuộc họp Câu lạc bộ làm cha mẹ ở Kon Tum, năm 2020.

Phóng viên: Bà có nhận xét như thế nào về sức khỏe tâm thần của trẻ em bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19?

Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, bà Rana Flowers: Những rủi ro và thách thức đối với sức khỏe tâm thần, thực ra đã xuất hiện trước khi có đại dịch Covid-19. Cũng giống như vấn đề bạo lực gia đình, đại dịch đã làm cho các vấn đề về sức khỏe tâm thần trở nên rõ ràng hơn, khiến chúng ta quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần và suy nghĩ làm thế nào để chăm sóc sức khỏe tâm thần tốt hơn. Đại dịch cũng khiến nhiều người trong chúng ta, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt và trải qua những thách thức nghiêm trọng hơn so trước đây.

Đồng thời, đại dịch cũng làm cho chúng ta thấy rõ, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng sâu sắc bởi thế giới chung quanh. Đó không chỉ về những gì đang xảy ra trong tâm trí của một người, sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh sống, những trải nghiệm với cha mẹ và người chăm sóc, sự kết nối với bạn bè.

Một năm rưỡi vật lộn với đại dịch Covid-19, cho thấy rõ những tác động của đại dịch đối với sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên nhưng có thể cần phải có thêm nhiều năm nữa, chúng ta mới có được một bức tranh hoàn chỉnh về số người bị ảnh hưởng.

Với biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển liên quan đại dịch, 18 tháng qua là những ngày tháng dài dằng dặc, đặc biệt là đối với trẻ em. Khi mà ngày này qua ngày khác, các em bị cách xa bạn bè, xa cách với những người thân yêu, và thậm chí có thể bị mắc kẹt ở nhà với một kẻ bạo lực thì những tác động đối với sức khỏe tâm thân là tương đối lớn.  Tại Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới, chúng ta đang chứng kiến nhiều trẻ em cảm thấy sợ hãi, cô đơn, lo lắng cho tương lai của mình.

Ngay cả trước khi có Covid-19, các nghiên cứu của UNICEF cũng chỉ ra rằng, những thách thức đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em đang gia tăng. Kỳ vọng cao, áp lực từ gia đình và nhà trường, xung đột giữa cha mẹ, các tập quán xã hội, bao gồm cả việc kết hôn sớm, thường đặt trẻ em gái vào thế bất lợi và tăng tiếp xúc với internet cũng là những yếu tố nguy cơ về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội tiềm ẩn. Những điều này có thể dẫn đến sự cô lập xã hội, lo lắng, buồn bã, trầm cảm, cảm giác tuyệt vọng và, trong một số trường hợp dẫn đến tự tử.

Phóng viên: Theo bà, cha mẹ có thể làm gì để giúp con cái có sức khỏe tâm thần tối ưu?

Bà Rana Flowers: Cha mẹ cũng như những người chăm sóc trẻ cũng phải chịu rất nhiều áp lực do tác động của đại dịch Covid-19 và là những người đầu tiên cần hỗ trợ.

Điều đầu tiên là cần giúp cho cha mẹ và người chăm sóc hiểu biết về sức khỏe tâm thần, nhận biết được đâu là các biểu hiện cần quan tâm, cha mẹ cần phải làm gì để bảo đảm trạng thái sức khỏe mạnh khỏe, vui vẻ cho trẻ.

Thứ hai, cha mẹ quan tâm lắng nghe con mình nhiều hơn. Đôi khi cha mẹ nên tạm gác lại công việc, tập trung vào con cái, ăn bữa tối cùng con mà không bị sao nhãng bởi điện thoại di động, lắng nghe con mà không phán xét. Đây là những điều nhỏ bé vô cùng quan trọng trong nhịp sống hiện nay, hãy dành thời gian lắng nghe con mình để kịp thời nhận ra các biểu hiện mà trẻ cần sự hỗ trợ.

Thứ ba, chúng ta có thể tạo ra không gian cho trẻ em và thanh thiếu niên kết nối, khi điều kiện cho phép, để các em có thể giao lưu kết nối với những người chung quanh, tham gia vào các hoạt động, để các em cảm thấy bản thân hữu ích, có giá trị, được ghi nhận với những đóng góp của mình. Khi cuộc sống trở lại bình thường sau dịch, các cha mẹ cũng nên chú trọng đến các hoạt động khác ngoài thời gian học tập vì sức ép từ phía cha mẹ đối với học tập của con cái cũng hình thành một phần các vấn đề sức khỏe tâm thần...

Phóng viên: Vậy UNICEF có khuyến nghị gì đối với các gia đình và Chính phủ?

Bà Rana Flowers: Chính phủ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của người dân, giúp bảo vệ người dân tốt hơn và tạo ra một thế hệ vững mạnh cho tương lai của Việt Nam.

UNICEF cũng đưa ra khuyến nghị, Chính phủ cần tăng đầu tư vào các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chưa thành niên, trong đó xác định các hỗ trợ cần thiết cho cha mẹ, tăng cường kỹ năng làm cha mẹ, nuôi dạy con cái. Trong chiến lược này, cần bảo đảm ngân sách đầu tư cho vấn đề sức khỏe tâm thần, không chỉ dừng lại ở góc độ “y tế” mà còn phải bảo đảm cả góc độ giáo dục và bảo trợ xã hội.

Nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe tâm thần mạnh khỏe của trẻ. Chúng ta cần bảo đảm nhà trường là môi trường an toàn, không bạo lực và không xâm hại. Các giáo viên cần được tập huấn về sức khỏe tâm thần, các yếu tố nguy cơ và biểu hiện. Cần có cán bộ tham vấn làm việc trong trường học để khi trẻ em có các vấn đề lo lắng, các em có thể tìm đến cán bộ tham vấn để chia sẻ.

Ở Việt Nam, hiện nay chưa có nhiều đội ngũ chuyên gia tâm thần, chuyên gia tâm lý trẻ em và người chưa thành niên, và nhân viên công tác xã hội. Chính phủ cần rà soát và xem xét, trong tiến trình cải cách hành chính, có thêm nhân viên công tác xã hội ở cộng đồng, giúp xác định những trẻ em có nguy cơ để hỗ trợ kịp thời...

Chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông về sức khỏe tâm thần theo hướng tích cực, là một trạng thái khỏe mạnh, tích cực mà chúng ta hướng đến.

Cảm ơn những chia sẻ của bà!

Tại Việt Nam, một cuộc điều tra dịch tễ học thực hiện vào năm 2017 trên số dân đại diện tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, khoảng 12% trẻ em có các vấn đề về sức khỏe tâm thần thấy trước đại dịch Covid-19, có nghĩa là hơn 3 triệu trẻ em cần được hỗ trợ về tâm lý xã hội và cần được tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Theo nghiên cứu này, các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở trẻ em Việt Nam bao gồm lo lắng, trầm cảm, cô đơn hoặc có các biểu hiện như tăng động và thiếu tập trung. Theo báo cáo, tỷ lệ tự tử ở người trẻ tuổi ở Việt Nam vẫn còn thấp so ước tính toàn cầu.