“Cái nôi” của phong trào Đồng khởi chuyển mình

NDO -

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi về lại “Cái nôi của phong trào Đồng khởi” - xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, chứng kiến bao đổi thay của vùng đất từng bị “bom cày, đạn xới” ngày nào. Xã Định Thủy nói riêng và huyện Mỏ Cày Nam nói chung đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, phát triển nông nghiệp bền vững.

Hợp tác xã nông nghiệp Định Thủy giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.
Hợp tác xã nông nghiệp Định Thủy giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.

Ngày 17/1/1960, tiếng súng diệt tên Đội Tý, Chỉ huy Tổng đoàn dân vệ ác ôn tại xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) nổ ra, mở màn cho cuộc Đồng khởi lịch sử. Cuộc Đồng khởi ở xã Định Thủy thắng lợi đã lan rộng ra các xã Bình Khánh, Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày Nam ngày nay), sau đó lan ra toàn tỉnh Bến Tre và cả miền nam…  

Từ ký ức hào hùng

Khi đó, Đảng bộ tỉnh Bến Tre chỉ có 18 chi bộ với 162 đảng viên đã vượt qua khó khăn, mạnh dạn phát động phong trào Đồng khởi giành thắng lợi vang dội. 

Đại tá Phan Văn Thậm, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre, nhân chứng lịch sử trong phong trào Đồng khởi, kể lại: “Ngày 17/1/1960, được sự chỉ đạo của cấp trên, tôi tham gia phong trào Đồng khởi ngay công sở đóng tại ấp Thanh Thủy (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày) đã nhanh chóng chiếm đóng công sở, kêu gọi tiểu đội dân vệ đầu hàng, thu 12 khẩu súng. Đêm 17/1/1960, hàng nghìn đồng bào trương băng cờ, đốt đuốc mít-tinh mừng thắng lợi. Ta tổ chức các đội vũ trang hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy ở 2 xã Phước Hiệp và Bình Khánh. Từ đó, các đơn vị vũ trang tập trung của huyện và tỉnh ra đời. Đây là vốn quý, là kinh nghiệm sáng tạo vô giá đầu tiên trong phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre”.

Cuộc Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre thắng lợi đã đi vào lịch sử như ngọn cờ đầu chuyển cách mạng miền nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của cách mạng miền nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Sau ngày miền nam giải phóng, đất nước thống nhất, do chiến tranh tàn phá, xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam) đối mặt với nghèo khó, kinh tế kém phát triển. Nguyên Chủ tịch UBND xã Định Thủy Trịnh Minh Nhựt, kể lại: “Định Thủy hứng chịu rất nhiều bom đạn trong kháng chiến, người dân phải tản cư để lánh nạn. Sau ngày hòa bình, bà con mới trở về xây dựng lại nhà cửa, phát triển kinh tế”. 

Đến “vươn mình” phát triển

Những năm gần đây, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX), trên địa bàn xã Định Thuỷ có bước phát triển khá mạnh. Hiện, HTX nông nghiệp Định Thủy có 137 thành viên, sản xuất 500 ha dừa, trong đó có 144 ha dừa hữu cơ. HTX thu mua dừa của xã viên rồi gia công cơm dừa cung ứng cho công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ dừa; phần vỏ sản xuất mụn dừa, chỉ xơ dừa. 

Giám đốc HTX nông nghiệp Định Thủy Trần Văn Đạt cho biết, HTX thành lập năm 2019 và được Liên minh HTX Trung ương hỗ trợ máy đánh chỉ xơ dừa trị giá 500 triệu đồng để tách lấy mụn dừa cung ứng cho các cơ sở làm cây giống, phân bón và phần chỉ cung ứng cho các cơ sở sản xuất lưới, thảm chỉ xơ dừa. Trung bình mỗi ngày HTX tiêu thụ khoảng 14 nghìn trái dừa, tạo việc làm cho 70 lao động tại địa phương.

Ông Trần Văn Luông, ngụ ấp Định Nhơn, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, có cuộc sống ổn định với nghề trồng dừa. Ông là thành viên của HTX nông nghiệp Định Thủy trồng dừa hữu cơ ký hợp đồng bao tiêu đầu vào, đầu ra với doanh nghiệp nên việc làm ăn rất ổn định. 

Ông Luông cho biết: “Gia đình tôi canh tác 1 ha dừa, trung bình mỗi tháng thu hoạch khoảng 1.200 trái có công ty bao tiêu nên giá lúc nào cũng cao hơn thị trường từ 5 đến 10 nghìn đồng/chục (12 trái). Bây giờ lộ giao thông nông thôn phát triển, xe chạy tới tận nhà vận chuyển nông sản rất thuận tiện, người dân làm ăn ngày càng khấm khá”.

Từ nghèo khó, nay xã Định Thủy đã xây dựng thành công xã nông thôn mới và là xã nông thôn mới nâng cao duy nhất hiện nay của huyện Mỏ Cày Nam. Bí thư Đảng ủy xã Định Thủy Nguyễn Văn Rồi cho biết, những năm gần đây, kinh tế của địa phương có bước phát triển khá. Hiện, toàn xã có 159 cơ sở chuyên gia công các mặt hàng dừa giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động; thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển. Toàn xã có 9 tổ hợp tác, 2 HTX có hợp đồng đầu vào, đầu ra đối với các sản phẩm nông nghiệp. Thế mạnh kinh tế nông nghiệp của xã từ cây dừa với gần 1.200 ha, trong đó có 144 ha dừa hữu cơ. Nghị quyết của Đảng ủy xã Định Thủy xác định đến năm 2023 sẽ hoàn thành các chỉ tiêu để công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025 sẽ đạt 200 ha dừa hữu cơ.

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường chia sẻ, xã Định Thủy nói riêng và huyện Mỏ Cày Nam nói chung đang có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện, nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả. Mô hình liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từng bước được hình thành và đang phát triển. Sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc được tập trung thực hiện, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, chú trọng sản phẩm sạch. Toàn huyện có 60 tổ hợp tác, 16 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, 8 HTX hoạt động bước đầu có hiệu quả, có liên kết với doanh nghiệp; có 20 tổ hợp tác và 2 HTX được cấp giấy chứng nhận VietGap”.

Xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Hiện, toàn huyện có 7/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó xã Định Thủy đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến năm 2025, đô thị thị trấn Mỏ Cày và khu vực mở rộng phấn đấu đạt hơn 70% tiêu chuẩn đô thị loại III; thành lập thị xã Mỏ Cày và 6 phường trực thuộc. Định hướng đến năm 2030 thành lập thành phố Mỏ Cày trở thành đô thị mang bản sắc của vùng đất xứ dừa anh hùng.