Các Hội quán phải phát huy tính tự chủ, tinh thần tự giác

NDO -

Các Hội quán ở Đồng Tháp cần tiếp tục phát huy hiệu quả tinh thần tự chủ, tự giác, tự nguyện hợp tác hỗ trợ nhau làm ăn của người nông dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại buổi gặp gỡ.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Ngày 15/1, tại Đồng Tháp diễn ra buổi gặp gỡ chủ nhiệm các Hội quán trên địa bàn tỉnh nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tham dự.

Đến nay, toàn tỉnh có 115 hội quán, với gần 6.000 thành viên. Các hội quán đa dạng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, chủ thể tham gia với mục tiêu chung là cùng nhau phát triển kinh tế gia đình và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

Mô hình Hội quán là sự tự nguyện tham gia của người dân. Quá trình hoạt động, cấp ủy các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng về tổ chức, hoạt động các Hội quán.

Các Hội quán sinh hoạt định kỳ để triển khai kịp thời đến thành viên các thông tin về chủ trương, định hướng, các nhiệm vụ trọng tâm như: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… 

Đồng Tháp: Các Hội quán phải phát huy tính tự chủ, tinh thần tự giác -0
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa biểu dương các Chủ nhiệm Hội quán tiêu biểu.

Năm 2021, tỉnh có 47 Hội quán tiêu biểu, 52 Hội quán hoạt động tốt. Bên cạnh đó, một số Hội quán chưa xây dựng kế hoạch hoạt động định kỳ; công tác điều hành sinh hoạt định kỳ của ban chủ nhiệm chưa linh hoạt; thiếu tính tương tác giữa các thành viên trong sinh hoạt.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kêu gọi mỗi thành viên hội quán phải “đốt cháy” ngọn lửa khát vọng của mình. Lãnh đạo ở cơ sở, đặc biệt là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là những người gần gũi hội quán, tự nguyện đến sinh hoạt với bà con, cùng tìm ra hướng đi, cách làm ăn với bà con. Có như vậy mới đúng với giá trị của Hội quán là thiết lập cộng đồng dân cư, qua đó tạo sự đoàn kết, chia sẻ với nhau.

“Bản thân người dân, mỗi người có những sáng kiến, sức mạnh. Do đó, nếu Hội quán kết nối những sáng kiến, sức mạnh đó sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Nội dung hoạt động của nhiều Hội quán đã có sự phong phú hơn, đi vào chiều sâu và mở rộng không gian phát triển. “Mô hình Hội quán là hướng đi đúng của Đồng Tháp. Lãnh đạo tỉnh hiện nay và tin là các thế hệ tiếp nối có trách nhiệm để làm sao duy trì, phát triển mô hình này. Bởi quá trình hoạt động, mô hình khẳng định đúng đắn, thông qua sự hưởng ứng rất tích cực của nông dân Đồng Tháp, nhu cầu nguyện vọng của người dân mong muốn tham gia mô hình”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành của tỉnh phải xem chất lượng hoạt động của Hội quán là trách nhiệm của mình. Nếu địa phương nào để Hội quán đã hình thành mà phát triển chưa tốt thì trách nhiệm trước hết là cấp ủy, chính quyền của địa phương đó. 

Bên cạnh đó, đồng chí Lê Quốc Phong cũng cho rằng, sự trợ sức của cấp ủy, chính quyền chỉ mang tính chất tạo thêm động lực, cơ hội, điều kiện, nhưng cái quan trọng còn lại là các thành viên Hội quán phải phát huy tính tự chủ, tinh thần tự giác của mình. Cần tăng cường mở rộng nội dung hoạt động Hội quán, trong đó có mở rộng về hoạt động đời sống, an sinh xã hội, việc làng, việc xóm; tăng cường giao lưu trong một không gian rộng chứ không bó hẹp, chia sẻ những Hội quán cùng ngành nghề. Tăng cường vai trò chủ động của từng thành viên Hội quán để tham gia công việc của Hội quán. Qua đó các thành viên Hội quán thấy vai trò, trách nhiệm để cùng chia sẻ, phát triển.