Bố trí 3.000 tỷ đồng bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia

NDO -

Ngày 5/1, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ký Quyết định số 2218/QĐ-BGTVT phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022, với tổng kinh phí 3.000 tỷ đồng.

Kinh phí bảo trì đường sắt năm 2022 có tổng là 3.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa)
Kinh phí bảo trì đường sắt năm 2022 có tổng là 3.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Mức kinh phí này tăng khoảng 200 tỷ đồng so năm 2021; trong đó phần lớn dành chi cho nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên (gần 2.700 tỷ đồng); chi cho nhiệm vụ sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2 và sửa chữa đột xuất 260 tỷ đồng; chi phí dự phòng chưa phân bổ 45,8 tỷ đồng.

Bộ trưởng Giao thông vận tải ủy quyền Cục trưởng Đường sắt Việt Nam sử dụng con dấu của Bộ, thay mặt Bộ trưởng ký hợp đồng đặt hàng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; thời gian ủy quyền từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 28/2/2023 và ký hồ sơ quyết toán kinh phí, thanh lý hợp đồng đặt hàng bảo trì kế cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với khối lượng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; số liệu chính xác của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho Bộ; chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định hiện hành, bảo đảm việc bảo trì thường xuyên, liên tục nhằm giữ an toàn giao thông đường sắt, an toàn chạy tàu.

Hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư là tài sản công, bao gồm cả đất gắn với tài sản quốc gia, được chia thành 2 loại: tài sản quốc gia trực tiếp liên quan chạy tàu và tài sản quốc gia không trực tiếp liên quan chạy tàu.

Toàn bộ hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 địa phương trên cả nước, có tổng chiều dài 3.143 km do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được giao trực tiếp quản lý bảo trì, khai thác, sử dụng, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, an toàn, nhưng không được sở hữu hay định đoạt khối tài sản này. Việc bảo trì, đầu tư phát triển khối tài sản này đều do ngân sách nhà nước chi trả.