Bất an với xe tự chế chở hàng

Ngày 8/5 vừa qua, xe buýt đang chở theo nhiều hành khách di chuyển trên đường Nguyễn Trãi, hướng từ quận Thanh Xuân đi quận Hà Đông (Hà Nội), xảy ra va chạm với xe ba bánh tự chế chở nhiều thanh sắt dài chạy ngược chiều.

Chiếc xe tự chế chở sắt đã đâm thủng kính xe bus sáng 8/5.
Chiếc xe tự chế chở sắt đã đâm thủng kính xe bus sáng 8/5.

Cú va chạm khiến hàng chục thanh sắt dài khoảng 10 m xuyên qua kính chắn gió, đâm thẳng vào ghế lái của xe buýt. Lái xe buýt đã may mắn thoát khỏi cabin nên không bị thương, lái xe ba bánh tự chế chở sắt bị thương nhẹ. Vụ việc khiến hành khách trên xe buýt rất hoảng sợ. Liên quan xe tự chế, cách đây bốn năm xảy ra hai vụ tai nạn chết người liên tiếp do những xe chở vật liệu sắc nhọn, cồng kềnh trên đường. Các cơ quan chức năng cũng kiên quyết xử lý tình trạng chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm nhưng chưa triệt để. Hiện nay, trên một số tuyến đường Thủ đô như:

Đại lộ Thăng Long, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng; quanh khu vực có nhiều công trình đang xây dựng hay tại các quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm... luôn xuất hiện các loại xe chở cồng kềnh. Hàng hóa được chở rất đa dạng, từ thực phẩm, chăn chiếu, quần áo đến đồ dùng trong gia đình (bàn, ghế, ti-vi, tủ lạnh…) đến chậu hoa cây cảnh, khung cửa, sắt thép, tôn, kính. Điều đáng nói là phần lớn phương tiện chở hàng khá cũ, không bảo đảm an toàn lại bị “cơi nới” quá mức để chở được nhiều hàng.

Anh Trần Văn Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết: Mỗi khi đi ngoài đường thấy những chiếc xe này, anh đều phải cố gắng né ra hoặc chuyển sang hướng đi khác vì cảm thấy nguy hiểm. Nhiều xe máy chở hàng phần lớn đều đã cũ nát, đèn vỡ, không xi-nhan, khung xe tàn tạ chỉ được “độ” lại sơ sài... nhưng lại chở hàng cồng kềnh, thậm chí cả thanh sắt thép, tôn… dài hơn 2 m được buộc để ngang xe không có bọc, đầu nhọn nhô ra ngoài rất nguy hiểm. Còn ông Trần Văn Hưng, phố Đê La Thành, là người chứng kiến nhiều tình huống rủi ro, nguy hiểm từ các phương tiện tự chế chở hàng quá khổ phóng nhanh, vượt ẩu, chia sẻ “chỉ được một thời gian giãn cách do dịch bệnh, đến nay các loại xe chở hàng cồng kềnh… lại xuất hiện nhiều, nhất là tại tuyến phố Đê La Thành, nơi buôn bán, cho thuê nhiều loại sắt thép xây dựng”.

Việc chở hàng hóa kích thước lớn, quá mức cho phép đã khiến khả năng quan sát đường của lái xe và những người tham gia giao thông chung quanh bị hạn chế. Người điều khiển phương tiện chở hàng rất dễ bị mất lái, khó xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trên đường, dẫn đến tai nạn cho chính bản thân và những người khác. Hiện nay pháp luật đã có chế tài xử lý đối với hành vi này. Theo đó, tại Điểm k, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng đối với người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định… điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác. Trường hợp thực hiện hành vi nêu trên mà gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên một số người vẫn xem thường và bất chấp vi phạm.

Liên quan vấn đề này, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1370/UBND-TH gửi Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải; UBND các quận, huyện, thị xã  về công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa; giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị đối với người, phương tiện tham gia giao thông; xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật đối với xe thô sơ, xe 3 bánh, xe tự chế hoạt động trên địa bàn thành phố gây mất trật tự, an toàn giao thông. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các phương tiện vận tải tự chế; phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định...