Nợ phí dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La:

Bao giờ được giải quyết?

Ngày 12-10-2013, trên trang 8 Báo Nhân Dân đã đăng bài "18 nhà máy thủy điện nhỏ ở Sơn La nợ đọng phí dịch vụ môi trường rừng". Sau tám tháng, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục, số tiền các đơn vị nợ đọng tiếp tục tăng lên, điều đó có nghĩa người dân đang bị "quỵt" tiền quản lý, bảo vệ rừng. Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NÐ-CP của Chính phủ, các nhà máy thủy điện (NMTÐ) phải chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) để bảo vệ rừng, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ; góp phần điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện. Theo đó, các NMTÐ phải chi trả là 20 đồng/kWh điện thương phẩm, ủy thác qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để thanh toán cho chủ rừng.

Ðến tháng 10-2013, số tiền nợ đọng của 18 NMTÐ ở tỉnh Sơn La là 35,626 tỷ đồng. Sau khi bài báo phản ánh, có duy nhất một đơn vị là NMTÐ Nậm Công 3 (thuộc Lilama 10 làm chủ đầu tư) nộp 122 triệu đồng tiền DVMTR.

Theo Quyết định số 1855/QÐ-UBND ngày 27-8-2013 của UBND tỉnh Sơn La, trên địa bàn tỉnh có 25 đơn vị phải thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền DVMTR. Tuy nhiên chỉ có ba đơn vị, gồm: NMTÐ Sơn La, Hòa Bình và Công ty cấp nước Sơn La là thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền DVMTR. Cho đến thời điểm này, còn lại 22 NMTÐ vừa và nhỏ đều trong tình trạng né tránh, hoặc cố tình không nộp, làm cho số tiền nợ đọng lên tới 38,849 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Sơn La Lê Mạnh Thắng thì đó mới là số tiền nợ đọng đến tháng 6-2013. Thực tế đến nay, tiền nợ đọng của các NMTÐ vừa và nhỏ ở Sơn La phải xấp xỉ con số 50 tỷ đồng.

Trong số 22 NMTÐ vừa và nhỏ nợ đọng tiền DVMTR thì có đến chín NMTÐ né tránh, không chịu làm việc với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Sơn La. Số đơn vị còn lại mặc dù có làm việc hoặc ký hợp đồng ủy thác với Quỹ, nhưng lấy nhiều lý do để không nộp tiền. Ðặc biệt, từ khi có Nghị định 99/2010/NÐ-CP thì nhiều NMTÐ chưa nộp một đồng nào, gồm: NMTÐ Nậm La còn nợ 5,848 tỷ đồng, Nậm Sọi nợ 1,330 tỷ đồng, Nậm Công 1 và 2 nợ 3,467 tỷ đồng, Nậm Công 4 nợ 1,922 tỷ đồng, Nậm Chim 1 nợ 3,877 tỷ đồng, Suối Sập 3 nợ 2,442 tỷ đồng,... Riêng NMTÐ Suối Sập 2 nợ đọng lên tới 4,599 tỷ đồng, vừa qua mới nộp 400 triệu đồng, chưa tới 10% số nợ.

Bắt đầu từ năm 2013, Cục Ðiều tiết Ðiện lực (thuộc Bộ Công thương) đã có quyết định ban hành Biểu giá chi phí tránh được, theo đó giá mua điện của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam tính cả tiền phí DVMTR. Nhưng các NMTÐ vẫn tiếp tục nợ đọng không thực hiện nghĩa vụ chi trả số tiền này. Có ý kiến cho rằng, trước thời điểm năm 2013, giá mua điện chưa tính đủ phí này dẫn đến các NMTÐ "chây ỳ" không nộp. Tuy nhiên, theo Nghị định 99/2010/NÐ-CP xác định tiền chi trả DVMTR thì các NMTÐ có công suất từ 30 MW trở xuống không thuộc đối tượng được miễn giảm. Vì vậy, các NMTÐ vừa và nhỏ ở Sơn La không có lý do gì để tiếp tục từ chối không thực hiện nghĩa vụ nêu trên.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh có công văn nhắc nhở, yêu cầu các NMTÐ thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền DVMTR, nhưng đến nay vẫn không chuyển biến. Tại cuộc họp ngày 16-5, UBND tỉnh Sơn La bàn triển khai việc trồng bù lại rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có ý kiến nhắc nhở các đơn vị này nộp tiền nợ đọng, nhưng xem ra không "tác dụng". Ðược biết, các đơn vị này chỉ không dám chây ỳ hoặc nợ đọng lâu tiền thuế, bởi chế tài xử phạt có thể là truy tố hình sự, còn thực hiện nộp tiền DVMTR chỉ là xử lý hành chính, chưa đủ sức răn đe, đây chính là mấu chốt dẫn đến tình trạng trên.

Ngày 23-5 vừa qua, Vụ Pháp chế (Tổng cục Lâm nghiệp) có đoàn công tác nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi chính sách đối với việc thực hiện chi trả tiền DVMTR. Nhưng các ý kiến nêu ra vẫn còn chung chung, chưa có chế tài đủ mạnh buộc các NMTÐ thực hiện nghiêm Nghị định của Chính phủ.

Ðể bảo đảm nguồn quỹ cho việc chi trả DVMTR đối với các chủ rừng, xem ra cần những biện pháp mạnh hơn, coi đây quan trọng như thực hiện nghĩa vụ thuế. Các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành biểu giá tính đúng, tính đủ tiền trong giá mua bán điện, bởi vậy Quỹ bảo vệ và phát triển rừng T.Ư cần phối hợp làm việc với Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam có biện pháp buộc các NMTÐ vừa và nhỏ thực hiện tốt quy định pháp luật của Nhà nước.

Hiện nay đang có tình trạng các NMTÐ, đơn vị có nghĩa vụ chi trả tiền DVMTR "không sợ" văn bản pháp luật, quy định của Nhà nước bằng quyết định dừng việc mua điện. Nếu việc tuyên truyền, nhắc nhở không có tác dụng thì biện pháp cuối cùng đối với các đơn vị này có thể là dừng việc mua điện!