Bảo đảm thông suốt công việc trong thời gian giãn cách

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ khi thực hiện giãn cách xã hội đến nay, TP Hà Nội đã liên tục có những chỉ đạo nhằm siết chặt kỷ luật giãn cách xã hội, tận dụng tối đa “thời gian vàng” để đẩy lùi dịch bệnh. Từ quy định 50% số công chức làm việc tại trụ sở, thành phố đã yêu cầu người lao động chỉ đến công sở trong trường hợp thật sự cần thiết. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô chủ động bố trí cán bộ, công chức làm việc trực tuyến, duy trì kỷ luật công vụ, bảo đảm công việc được vận hành bình thường, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân.

Việc chi trả hỗ trợ các đối tượng chính sách được UBND phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm) thực hiện theo các khung giờ để bảo đảm an toàn phòng dịch. Ảnh: PHẠM ĐÔNG
Việc chi trả hỗ trợ các đối tượng chính sách được UBND phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm) thực hiện theo các khung giờ để bảo đảm an toàn phòng dịch. Ảnh: PHẠM ĐÔNG

Giãn cách nhưng không ngừng trệ

TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đúng vào thời điểm các trường tiểu học và THCS trên địa bàn đang triển khai tuyển sinh đầu cấp. Trước thực tế ấy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19; ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch, bảo đảm chất lượng công việc. Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Chung cho biết, Sở đã công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin liên quan dịch Covid-19; “kích hoạt” chế độ làm việc trực tuyến. Trong thời điểm này, việc giao ban giữa Sở với các đơn vị, giữa cơ quan quản lý với các trường học được tăng cường để không gián đoạn việc hoàn thành nhiệm vụ năm học cũ, chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022.

Tại Trường tiểu học Ngọc Khánh (quận Ba Đình), ban giám hiệu bám sát chỉ đạo của ngành giáo dục để có những điều chỉnh kịp thời. Chị Phạm Thị Huệ, thành viên Ban Tuyển sinh nhà trường cho biết: “Trường đã điều chỉnh hình thức tuyển sinh với tất cả công đoạn đều thực hiện trực tuyến; hướng dẫn cụ thể cho cha mẹ học sinh, để các công việc được thực hiện “từ xa” mà vẫn hiệu quả. Đến 18 giờ ngày 28/7, nhà trường đã hoàn thành việc lập danh sách học sinh đã đăng ký vào trường”.

Để bảo đảm các lĩnh vực của đời sống vận hành ổn định, các cơ quan hành chính của các quận, huyện, thị xã đã chủ động lên phương án làm việc, phân công nhân lực trong điều kiện phòng, chống dịch, mà vẫn giải quyết kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, nhất là tại bộ phận một cửa. Với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm công tác chống dịch, những ngày này, phần lớn cán bộ, công chức phường Thạch Bàn, quận Long Biên đều xuống bám địa bàn. Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Các cán bộ phường trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn, đôn đốc các địa bàn trong công tác phòng, chống dịch. Trường hợp có người mất, người dân không phải lên phường làm thủ tục mà sẽ có đại diện các tổ dân phố đứng ra lo. Phường đã triển khai mô hình Tổ dân phố an toàn Covid tại 16 tổ dân phố. Mỗi ngày có khoảng 150 thành viên tham gia các chốt trực và kiểm tra tới tận ngõ, xóm. Phường đã thiết lập nhóm zalo để trao đổi thông tin với các tổ dân phố, các chốt trực, cho nên những vấn đề phát sinh khi chống dịch đều nhanh chóng được giải quyết”.

Tại quận Hai Bà Trưng, người dân được hướng dẫn nộp các thủ tục hành chính trực tuyến chủ yếu về tư pháp, qua dịch vụ công trực tuyến. Những thủ tục hành chính có tính cấp thiết như khai tử có yếu tố nước ngoài, khám, chữa bệnh… vẫn được công chức quận giải quyết theo cách thức bảo đảm giãn cách, kết hợp tuyên truyền về phòng, chống dịch cho người dân. Tại UBND phường Kim Mã, quận Ba Đình, phát huy kinh nghiệm từ đợt giãn cách trước, phường đã chia thành hai bộ phận, xây dựng phương án trụ sở dự phòng sẵn sàng ứng phó nếu có tình huống xảy ra.  

Chung sức cùng Hà Nội chống dịch

Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô cũng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội. Là một trong những đơn vị đóng trên địa bàn quận Ba Đình, Ban Tổ chức T.Ư đã yêu cầu các vụ, đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng phương án làm việc trực tuyến, chỉ những cán bộ, công chức, người lao động có công việc cần thiết mới làm việc tại cơ quan. Đồng thời yêu cầu hạn chế tối đa việc tiếp xúc trong và ngoài cơ quan, chỉ sắp xếp, bố trí các cuộc họp thật sự cần thiết và giảm tối đa số lượng người tham dự. Thứ sáu hằng tuần, các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức T.Ư đều tiến hành phun khử khuẩn, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Tại trụ sở Tổng cục Thuế (quận Hai Bà Trưng), Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Đức Huy cho biết: Từ ngày 24/7, Tổng cục Thuế đã dừng tất cả cuộc họp. Trong trường hợp cần thiết thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến. Trong tuần giãn cách thứ hai, tiếp tục giảm số cán bộ, công chức làm việc tại trụ sở còn khoảng 20%. Lãnh đạo và cán bộ trực hằng ngày tại trụ sở cơ quan để xử lý các công việc cấp bách, tài liệu mật, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh. Phần lớn cán bộ, công chức của Tổng cục làm việc tại nhà và tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến qua internet, email, điện thoại trong chỉ đạo, điều hành, trao đổi, giải quyết thủ tục hành chính. Tổng Cục thuế đã yêu cầu cán bộ, nhân viên, người lao động không ra khỏi Hà Nội khi chưa được sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị và phát giấy đi đường đối với những cán bộ, công chức khi phải lưu thông thực thi nhiệm vụ.

Trong không khí khẩn trương ‘‘chống dịch như chống giặc’’, các cơ quan đơn vị từ Trung ương tới địa phương trên địa bàn Thủ đô đang vừa siết chặt kỷ luật giãn cách xã hội, vừa nỗ lực bảo đảm thông suốt công việc. Nhìn chung, với sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, sự sáng tạo trong triển khai ở nhiều địa phương và sự chung sức của các cơ quan Trung ương trên địa bàn, đến nay hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội tại TP Hà Nội vẫn cơ bản được vận hành ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.

Bảo đảm thông suốt công việc trong thời gian giãn cách -0
 Kiểm tra thân nhiệt đối với người dân đến làm việc tại trụ sở UBND phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm). Ảnh: PHẠM ĐÔNG