Bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động sau đại dịch (Tiếp theo và hết)(*)

Bài 2: Tạo động lực phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội

Nhân lực, trong đó có công nhân, lao động là nhân tố, động lực quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thời gian qua, các gói an sinh xã hội từ Chính phủ, tổ chức công đoàn đã kịp thời góp phần hỗ trợ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch đến đời sống công nhân, lao động. Tuy nhiên, để vực dậy mạnh mẽ đời sống, việc làm, thu nhập của lực lượng lao động đang ngày đêm tạo ra  hơn 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội, cần có giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá trong các chính sách, chế độ từ các cấp, ngành.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng với các gói cứu trợ của Chính phủ do Viện Công nhân và Công đoàn tiến hành cho thấy, 60% người lao động bày tỏ hài lòng với việc tiếp nhận, thụ hưởng, nhận gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Nhiều khoản hỗ trợ dành cho F0, F1, F2 được chi trả nhanh, nhất là khoản kinh phí hỗ trợ của Nhà nước về tiền ăn đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1), mức 80.000 đồng/người/ngày, với 78,4% số người được nhận, mức độ hài lòng đạt 90% số người được hỏi.

Tiếp đó là khoản chi cho người lao động ngừng việc từ 14 ngày trở lên với mức 1 triệu đồng/người, có 70,6% được nhận, đạt 71,8% hài lòng; kinh phí hỗ trợ  người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên đạt 58,6% hài lòng.

Còn phức tạp, rườm rà

Bên cạnh đó, hai  khoản hỗ trợ bị đánh giá thấp là chi cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động số tiền 3,71 triệu đồng/người, chỉ đạt 33,3%  số người được nhận; việc chi tiền hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch có thẻ hành nghề đạt tỷ lệ 0% được nhận. Theo phản ánh của đông đảo công nhân, lao động, thủ tục nhận các gói hỗ trợ còn phức tạp, rườm rà, không tạo điều kiện tối đa để các nhóm được hỗ trợ được hưởng nhanh, sớm. Hồ sơ cũng khó bảo đảm hoàn chỉnh, khó xin được xác nhận chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.

Về việc tiếp nhận và thụ hưởng các gói  cứu trợ của tổ chức Công đoàn Việt Nam,  khoản kinh phí hiệu quả, được nhiều người lao động  ghi nhận nhất, là hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động thực hiện “ba tại chỗ” tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, mức 1 triệu đồng/người, với 82% công nhân lao động được nhận. Tiếp đến là đối với nhóm đoàn viên, người lao động thuộc diện F1, có đóng kinh phí công đoàn phải cách ly y tế, khoản hỗ trợ ít được ghi nhận nhất là hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía nam.

Ðánh giá chung, các gói hỗ trợ nhắm trúng và đúng các đối tượng gặp nhiều khó khăn trong đại dịch, mức độ bao phủ gói hỗ trợ lớn, tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế như các gói chưa hỗ trợ được đối tượng lao động phi chính thức, lao động có mối quan hệ lao động nhưng không bị ràng buộc bởi hợp đồng; nguồn lực còn hạn chế, chủ yếu chi từ kết dư quỹ công đoàn khiến cho các mức chi chưa cao.

Mới đây nhất, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được đánh giá là rất cần thiết, được công nhân, lao động ngoại tỉnh hết sức phấn khởi, đón chờ. Theo đó, thời gian triển khai chính sách từ ngày 1/4 đến hết 15/8/2022. Tuy nhiên, đến nay đã cuối tháng 4/2022, nhiều địa phương vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai, công nhân vẫn chưa được hướng dẫn làm các thủ tục để thụ hưởng gói hỗ trợ.

Trước tình hình đó, một số địa phương  áp dụng cách làm sáng tạo, gỡ khó. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai, Nguyễn Sơn Hùng cho biết, nhằm hỗ trợ cho công nhân lao động thuê trọ trên địa bàn, tỉnh Ðồng Nai đã chi số tiền hơn 120 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 402 nghìn người. Ðây là chính sách riêng của tỉnh Ðồng Nai. Theo đó, mỗi người thuê trọ được hỗ trợ 300 nghìn đồng, được lấy từ nguồn ngân sách địa phương. Ðối với gói chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện đang được các cơ quan chức năng tỉnh Ðồng Nai triển khai thực hiện để sớm hỗ trợ đúng đối tượng. Bên cạnh đó, nhằm giữ chân và tạo điều kiện cho người lao động sớm ổn định chỗ ở, một số doanh nghiệp lớn đã ứng sớm tiền hỗ trợ cho đối tượng, sẽ tiến hành làm thủ tục nhận sau.

Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về số giờ làm thêm trong một năm, một tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch  Covid-19 và phục  hồi, phát triển kinh tế-xã hội được đánh giá là hợp lý, được đông đảo người lao động đồng tình. Tuy nhiên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (thành phố Hồ Chí Minh) Lưu Kim Hồng đề nghị Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương cần xem xét tính tiền thêm giờ lũy tiến. Thí dụ, 45 giờ đầu tăng ca tăng 1,5 lương, từ giờ 41 đến 60 tăng 1,7 lương. Khi lương tối thiểu vùng tăng theo kịp mức sống tối thiểu thì sẽ giảm tăng ca để người lao động có thời gian phục hồi sức khỏe, tái tạo sức lao động…

Câu chuyện an cư lạc nghiệp

Câu chuyện an cư lạc nghiệp cho công nhân, lao động, nhất là công nhân lao động nhập cư là câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết. Bài học từ thực tiễn thiếu hụt lao động sau dịch Covid-19 là phép thử để các cấp, các ngành, địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục khẳng định việc ổn định chỗ ở cho công nhân ngoại tỉnh là giải pháp giữ chân họ lâu dài.

Theo thống kê, 61% công nhân lao động di cư vào thành phố Hồ Chí Minh phải thuê trọ. Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, với những nhóm lao động phổ thông, lao động di cư, tiền lương thấp, gần như không có tích lũy chỉ cầm cự được một, hai tháng đầu chi phí nhà trọ, tiền thuê nhà. Sau đó hết tiền, họ không được chủ trọ thông cảm, buộc phải rời nhà ra ngoài đường, trú ngụ tạm bợ ở những nơi công cộng khi không thể về quê, hoặc phải tìm mọi cách về quê.  Tỉnh Ðồng Nai có hơn một triệu công nhân lao động đang sản xuất trong các khu công nghiệp, tỉnh cần khoảng 200 nghìn căn hộ đạt tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu an cư của công nhân lao động.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ðồng Nai Quản Minh Cường, đây là bài toán nan giải, không thể làm được trong ngày một ngày hai. Giai đoạn tới, định hướng phát triển công nghiệp tỉnh Ðồng Nai là sẽ ưu tiên chọn ngành nghề sử dụng ít lao động, áp dụng nhiều kinh tế tri thức, không nhất thiết phải tăng về dân số, mà phải tăng hàm lượng về khoa học-công nghệ, chất xám. Ðối với vấn đề nhà ở cho công nhân, đầu tháng 4 vừa qua, Tỉnh ủy Ðồng Nai đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề giai đoạn 2021-2025, theo đó, sẽ đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng xây dựng tối thiểu 2.500 căn nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động. Hằng năm, mỗi huyện, thành phố có khu công nghiệp xây dựng từ hai đến ba dự án nhà ở xã hội. 

Trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, để phục hồi và phát triển kinh tế theo chủ chương của Ðảng, Nhà nước, các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng, bên cạnh các chính sách, gói hỗ trợ, các chính sách tài khóa, rất cần các giải pháp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, trực tiếp là chăm lo, hỗ trợ công nhân, lao động. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết thật thuận lợi những chính sách trực tiếp hỗ trợ người lao động đã được ban hành như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, chi trả các chế độ, quyền lợi cho người lao động liên quan đến Covid-19…

Việc 100% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận thông qua đề xuất phương án tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7 tới để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định, dù chưa đạt kỳ vọng, nhưng đã thể hiện sự cam kết cùng chia sẻ với người lao động để vượt qua khó khăn hậu dịch Covid-19. Ðồng thời, Nhà nước cần có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đời sống nhân dân và công nhân, lao động; xây dựng và thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi nghề nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nhân lực thiếu hụt sau đại dịch.

Ðể tăng cường các giải pháp hỗ trợ công nhân, người lao động nhanh chóng ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương cũng như đất nước, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn và hoạt động công đoàn; chỉ đạo, phối hợp dự báo những khó khăn của công nhân, công đoàn để có hỗ trợ cụ thể về cơ chế, chính sách, nhất là liên quan quá trình Việt Nam thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tổ chức đại diện người lao động ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; thường xuyên rà soát nắm bắt tình hình tổ chức, hoạt động của các thế lực phản động, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động trong công nhân lao động; quan tâm phối hợp xử lý ngay từ đầu tranh chấp lao động trong doanh nghiệp... 

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Ðình Khang đề nghị, về lâu dài, Nhà nước cần xây dựng, thực thi pháp luật về lao động phù hợp, thể hiện sự tiến bộ, ưu việt của thể chế nhà nước ta. Việc tăng giờ làm thêm theo Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ là giải pháp tình huống, tạm thời.

Chính phủ và các địa phương cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và có giải pháp triển khai quyết liệt, hiệu quả các chính sách bảo đảm ổn định việc làm, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Việc quan tâm chăm lo ổn định việc làm, đời sống vật chất, tinh thần sẽ giúp công nhân, lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, gắn bó với địa phương nơi làm việc, lao động với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, năng suất cao, chất lượng tốt. Ðó chính là động lực rất quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những biện pháp  kiểm soát sự tăng giá các mặt hàng thiết yếu, bất động sản để không kéo theo sự tăng giá của các dịch vụ khác ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người lao động. Chính phủ cần giao các bộ, ngành phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các địa phương nghiên cứu thực tế, khách quan, toàn diện việc làm, đời sống của người lao động tại các khu công nghiệp để đề xuất các chính sách dài hạn cho đối tượng lao động nhập cư, không chỉ bảo đảm nguồn nhân lực hiện tại mà còn chăm lo nguồn nhân lực cho tương lai.

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 25/4/2022.