An sinh bền vững cho người lao động

Do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhiều người lao động cư trú tại TP Hồ Chí Minh quyết định rời thành phố trở về quê sau nhiều năm gắn bó, không chỉ khiến thành phố thiếu hụt lực lượng lao động mà còn đặt ra bài toán: cần có những giải pháp an sinh bền vững để giữ chân họ lâu dài.

Khu lưu trú công nhân Sadeco tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Ðình Thịnh
Khu lưu trú công nhân Sadeco tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Ðình Thịnh

Mưu sinh ở TP Hồ Chí Minh gần 10 năm, chuyến về quê của cả gia đình anh Nguyễn Ðình Chiến, quê Kiên Giang là một chuyến hồi hương đặc biệt. Ðó là chuyến đi anh cùng vợ con không hề mong muốn nhưng ở vào tình thế không còn sự lựa chọn nào khác. Ở trọ tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Ðức, vợ chồng anh mua một chiếc xe đẩy mở một quán cơm kết hợp bán cà-phê cóc tại một góc đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 thuộc trung tâm thành phố. Chiếc xe này mang lại nguồn thu nhập chính nuôi bốn người gồm vợ chồng anh và hai đứa con. Con trai đầu nghỉ học theo phụ bố mẹ mấy năm nay, hết giờ thì về đón đứa thứ hai đang học lớp 6. Dịch ập đến từ cuối tháng 4, qua mấy lần giãn cách ở mức độ khác nhau, đến ngày 9/7, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì quán cơm của anh ngừng hoạt động.

Mất nguồn thu nhập chính, gia đình anh Nguyễn Ðình Chiến hằng ngày quanh quẩn trong căn phòng trọ. Số tiền tích lũy cho bao nhiêu dự định tương lai cứ cạn dần. Ðến cuối tháng 7, anh quyết định cả nhà về quê ngoại ở Bình Ðịnh bằng xe máy. Hành trình về quê kéo dài 17 tiếng đồng hồ qua 600 km cũng kết thúc an toàn. Anh Chiến mừng vì đã về tới nhà an toàn trong tâm dịch nhưng cũng lo lắng những ngày tới gánh nặng tài chính sẽ đè nặng dù biết về quê anh sẽ không đứt bữa.

Anh Nguyễn Quân, Giám đốc một công ty xây dựng tại Gò Vấp cho biết: "Khi thành phố thực hiện giãn cách đồng nghĩa số lượng kỹ sư, thợ làm việc cũng thất nghiệp. Ðể "giữ chân" người lao động, tôi chấp nhận bỏ tiền túi để nuôi thợ suốt mấy tháng liền. Tất nhiên, tôi không thể kham nổi việc nuôi tất cả nhưng sau dịch, khi các công trình hoạt động trở lại, việc đi tìm thợ sẽ là một vấn đề lớn".

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính từ tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 có 292.000 người từ TP Hồ Chí Minh về quê. Riêng trong ba ngày đầu tiên (từ ngày 1 đến 3/10), thời điểm thành phố "nới lỏng" giãn cách đã có khoảng 34.000 lượt người rời TP Hồ Chí Minh. Thạc sĩ Vũ Văn Hiệu, Giảng viên Bộ môn Công tác xã hội, Trường đại học Tôn Ðức Thắng nhận định: Các đợt di cư diễn ra là phản ứng mang tính xã hội - kinh tế của lao động nhập cư. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do tài sản tích lũy của người dân gần như cạn kiệt sau nhiều tháng giãn cách. Lựa chọn này giúp người dân cảm thấy an toàn hơn đối với bản thân và gia đình khi thành phố là tâm dịch lớn nhất của cả nước. Thực tế này để lại nhiều hệ quả đối với đời sống kinh tế - xã hội, nhất là thị trường lao động.

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, trong quý III các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng từ 43.600 đến 56.800 lao động. Dòng người rời thành phố vừa qua khiến thành phố đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Là đầu tàu kinh tế cả nước (chiếm gần ¼ GDP của cả nước), việc thiếu hụt lực lượng lao động ảnh hưởng trực tiếp chuỗi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu ngân sách. Ðối với kế hoạch trung và dài hạn, sự di cư của lực lượng lao động này cũng ảnh hưởng nhất định đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với đặc thù TP Hồ Chí Minh, trong đó có chiến lược xây dựng nhân lực trong các lĩnh vực mũi nhọn như khoa học, công nghệ phục vụ cho các mục tiêu đô thị thông minh, đô thị vệ tinh, đô thị bền vững, khu công nghệ cao, liên kết vùng…

TP Hồ Chí Minh hiện nay ước tính có khoảng 9,35 triệu dân, chiếm khoảng 9,5% dân số quốc gia và cũng là địa phương có dân số đông nhất cả nước. Với số dân lớn như vậy, việc bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đồng thời thực hiện "mục tiêu kép" gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Không thể phủ nhận, trong làn sóng dịch thứ tư này, chính quyền thành phố giữ vai trò chủ đạo, hỗ trợ kịp thời và đa dạng đối tượng người dân, nhất là đối với các nhóm dân cư bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo thông tin từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, từ ngày 10/7 đến ngày 21/10, các đường dây nóng vẫn nhận tới 21.866 phản ánh về việc chính quyền các địa phương chậm hỗ trợ, cứu trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch. Ðiều đó cho thấy những bất cập trong việc rà soát, thống kê đối với các đối tượng cần sự hỗ trợ trong đại dịch. PGS, TS Nguyễn Ðức Lộc, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội - Social Life (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Lượng lao động phi chính thức, lao động di cư chiếm tỷ lệ rất lớn trong các đô thị cần có hình thức hỗ trợ riêng vì đây là nhóm dễ tổn thương nhất, hầu như không có "lưới an sinh" bao phủ từ trước đại dịch. Tại TP Hồ Chí Minh, lượng lao động này chiếm khoảng 40-50% đã phải ngừng việc từ lúc bắt đầu giãn cách xã hội. Thời gian giãn cách dài đến 4 tháng đã chạm đến "ngưỡng giới hạn" chịu đựng của họ. PGS, TS Nguyễn Ðức Lộc nêu kinh nghiệm, thực tế cho thấy, lưới an sinh trong đại dịch dù đã được phủ khắp nhưng việc triển khai còn khá chậm và chưa đồng bộ. Chính quyền thành phố cần dựa trên mô hình tổ Covid cộng đồng sẵn có để bổ sung thêm một số chức năng, nhằm tăng khả năng hỗ trợ lẫn nhau, phát hiện kịp thời các trường hợp cần hỗ trợ y tế, hỗ trợ lương thực, giảm tải cho chính quyền địa phương. Triển khai mô hình Trạm cứu tế cộng đồng thông qua việc sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để tổ chức các Trạm cứu tế để cứu trợ lương thực và thuốc men cơ bản cho người dân.

Thạc sĩ Vũ Văn Hiệu cho rằng, để bảo đảm an sinh, an cư bền vững cho người lao động, chính quyền thành phố cùng với doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ người lao động nhập cư ổn định cuộc sống và có thể tham gia ngay vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa đồng thời bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tại nơi ở cũng như nơi làm việc. Thành phố cần có chính sách bảo đảm quỹ nhà ở phù hợp khả năng chi trả của người lao động nhập cư; xây dựng chính sách về vay tín dụng ưu đãi theo các đối tượng cụ thể để "kích hoạt" lại các hoạt động đời sống kinh tế - xã hội. Về lâu dài, phải xây dựng hệ thống nhà ở xã hội để người lao động nhập cư ổn định đời sống, an tâm trước các biến động kinh tế - xã hội. Ðại dịch tạo nên một cuộc khủng hoảng tâm lý đối với không ít người cho nên thành phố cần triển khai ngay các chương trình trợ giúp tâm lý - xã hội nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho người lao động nhập cư, trong đó những người lao động có người thân bị thương tổn, mất mát do dịch Covid-19 và người lao động trở lại thành phố làm việc. Ðồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức công tác xã hội chuyên nghiệp tham gia vào tiến trình cải thiện, phục hồi đời sống người lao động, nhất là đồng hành trợ giúp các nhóm lao động không có hợp đồng lao động tại các khu vực kinh tế phi chính thức.

Trong tương lai, với câu chuyện của mình, anh Nguyễn Ðình Chiến, quê Kiên Giang vẫn quyết định quay lại thành phố tiếp tục gắn bó với công việc. Lần trở lại này, anh mang theo một mơ ước: thành phố sẽ có những chính sách để những lao động nhập cư như anh có thể mua được nhà để an cư. Bọn trẻ nhà anh đã quen với cuộc sống ở đô thị và anh cũng muốn các con có nhiều điều kiện để có một tương lai tốt đẹp hơn- điều mà bậc cha mẹ trẻ nhiều năm qua chưa có được ■ 

QUANG QUÝ