An Giang thực hiện tốt an sinh xã hội trong thời gian phòng, chống dịch

NDO -

Thời gian qua, tỉnh An Giang đã thực hiện hỗ trợ cho 98.943 người, 1.633 doanh nghiệp, 176 hộ kinh doanh với tổng số tiền hơn 82 tỷ đồng; tiếp nhận và phân bổ gạo hơn 3.300 tấn gạo cho 224.152 người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19...

Gian hàng 0 đồng trong mùa dịch hỗ trợ người nghèo.
Gian hàng 0 đồng trong mùa dịch hỗ trợ người nghèo.

Ngày 22/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Phước đã thay mặt Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh báo cáo tại hội nghị, theo đó, An Giang đã xảy ra dịch tại 11 huyện, thị xã, thành phố, từ ngày 15/4 - 20/10, lũy kế có 8.534 ca nhiễm, số điều trị khỏi là 6.468 ca, số ca tử vong 114 ca; tỉnh đã kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, không để dịch xâm nhập từ bên ngoài vào nên số trường hợp nhập cảnh bị nhiễm Covid-19 chỉ có 90 ca. Từ ngày 1 - 20/10 đã tiếp nhận hơn 62 nghìn người từ các tỉnh trở về, qua sàng lọc có 929 bị nhiễm.

Về công tác an sinh xã hội tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 98.943 người, 1.633 doanh nghiệp, 176 hộ kinh doanh với tổng số tiền hơn 82 tỷ đồng; tiếp nhận và phân bổ gạo hơn 3.300 tấn gạo cho 224.152 người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng mua sữa, bánh, nhu yếu phẩm cho 519 thai phụ và 5.203 trẻ em; 190 xã, phường, thị trấn đều có “chuyến xe 0 đồng”, “cửa hàng 0 đồng”… hỗ trợ gạo, rau củ quả, thuốc men cho 192.630 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và các hộ trong vùng phong tỏa; tỉnh cũng bảo đảm an sinh xã hội cho người dân từ các tỉnh về với mức hỗ trợ 40 nghìn đồng/người/ngày trong vòng 7 ngày; hỗ trợ 5,5 tỷ đồng và hỗ trợ 200 tấn gạo từ nguồn Quỹ Phòng, chống Covid-19 và hạn hán tỉnh để hỗ trợ 11 huyện, thị xã, thành phố trong công tác đón dân về.

Trong giải pháp phòng, chống dịch thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt chỉ đạo thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, Bộ Y tế; tỉnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa ngõ, không để dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào; hạn chế phát sinh thêm các ổ dịch mới, thu hẹp vùng đỏ, vùng cam và mở rộng vùng xanh; tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, ưu tiên phân bổ vaccine cho các địa phương có nhiều ca trong cộng đồng…

Phát biểu kết thúc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang đã biểu dương sự nỗ lực, đồng lòng trong phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, các tổ chức tôn giáo, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, người dân nên An Giang mới có được kết quả như ngày hôm nay. Và trong đợt dịch thứ tư này, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại An Giang nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sớm dự báo, nhận định đúng tình hình dịch bệnh sẽ xâm nhập từ tuyến biên giới và ngoài tỉnh để từ đó chủ động đề ra nhiều chủ trương và biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang yêu cầu các hạn chế cần khắc phục, như việc chỉ huy điều hành phòng, chống dịch ở một số địa phương còn chậm, các biện pháp phong tỏa, cách ly có lúc chưa hợp lý dẫn đến lây nhiễm chéo; công tác tiêm vaccine ở một số nơi tổ chức chưa thật sự khoa học dẫn đến tình trạng còn tập trung đông người, tiềm ẩm nguy cơ phát sinh dịch bệnh, một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế thích nghi an toàn với đại dịch trong trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ phải dựa trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại từng thời điểm, từng địa phương.