An cư nơi vùng đất mới

Hơn 3.100 hộ dân sinh sống hàng chục năm trên Thượng Thành thuộc khu vực I di tích hệ thống Kinh thành Huế đã được di dời đến khu tái định cư mới. Cuộc di dân lịch sử ở đất Cố đô Huế được thực hiện trong những năm qua đang dần được hiện thực hóa. Đây là kết quả từ một chủ trương lớn hợp "ý Đảng, lòng dân".

Người dân Kinh thành Huế vui mừng khi được lãnh đạo tỉnh dẫn đến xem, bốc thăm nhận đất tại khu tái định cư mới.
Người dân Kinh thành Huế vui mừng khi được lãnh đạo tỉnh dẫn đến xem, bốc thăm nhận đất tại khu tái định cư mới.

Giải phóng mặt bằng, tái định cư cho hơn 5.500 hộ dân thuộc dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" không chỉ riêng của Huế mà còn của cả nước. Với nỗ lực và quyết tâm cao của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế, đến nay giai đoạn 1 của dự án đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng.

Cuộc di dân lịch sử

Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Tự hào, nhưng đó cũng là lời cảnh báo đối với những hộ dân đang có nhà cửa trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, nhất là khu vực I - khu vực bất khả xâm phạm theo Luật Di sản văn hóa. Hầu hết các hộ dân sinh sống ở khu vực I Kinh thành Huế không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp pháp.

Nhiều hộ phải làm nhà trên mặt nước tại các hồ, hào và phần lớn đều khó khăn, chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp với điều kiện vệ sinh môi trường không bảo đảm, nhưng họ không có điều kiện để chuyển đến nơi ở khác tốt hơn. Điều quan trọng nhất là cuộc sống của họ ảnh hưởng cảnh quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng đến Quần thể di tích Cố đô Huế. Bà Hà Thị Nở, đã hơn 40 năm sống ở khu vực Thượng Thành, kể lại: "Cả gia đình tui ở trong túp lều vài chục mét. Muốn vô nhà, phải trèo lên một chiếc thang. Gia đình tui không thể cơi nới, sửa chữa nhà, trong khi số nhân khẩu ngày càng tăng, nhà cửa ngày càng xuống cấp, dột nát".

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế (giai đoạn 1) thuộc khu Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào và Tuyến Phòng lộ có gần 3.400 hộ dân bị ảnh hưởng. Thành phố Huế đã triển khai xây dựng các khu dân cư mới với quy mô gần 78 ha. Có ba mục tiêu lớn cho đề án di dời này: trả lại Kinh thành để bảo tồn, phát huy giá trị di sản; trả lại cảnh quan, thiên nhiên và môi trường của đô thị Huế; tạo điểm du lịch lớn, ấn tượng. Đây là thời cơ vàng để di dời dân cư ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu cũng như một số di tích bên trong Thành nội.

Với quan điểm ưu tiên hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho người dân, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nút mở ý nghĩa nhất của khung chính sách là Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chuyển đối tượng từ không được đền bù, qua được hỗ trợ theo các mức quy định của Luật Đất đai. Đây là bước đột phá giúp Thừa Thiên Huế giải quyết những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách kéo dài hàng chục năm qua.

Tại khu vực Thượng Thành, cuộc di dời đầu tiên với 575 hộ được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng giá trị 118 tỷ đồng. Song song với đó, thành phố đã miễn thu phí và cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt cho người dân yên tâm xây dựng nhà khi đến nơi ở mới. Riêng 25 hộ nghèo được chính quyền địa phương xây dựng theo hình thức "chìa khóa trao tay". Gia đình ông Nguyễn Nhàn, trú tại phường Thuận Lộc, chia sẻ: "Sau khi được cấp lại lô đất
100 m2 tại khu vực 2 khu dân cư Bắc Hương Sơ và nhận bồi thường 270 triệu đồng, gia đình tôi còn nhận được 17 triệu đồng chi phí hỗ trợ thuê nhà, vận chuyển đồ đạc và 10,5 triệu đồng tiền thưởng do tháo dỡ nhà trước thời hạn. Chúng tôi rất phấn khởi khi được an cư lạc nghiệp".

Khang trang khu tái định cư

Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được UBND tỉnh phê duyệt tháng 2/2019, với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai từ năm 2019-2021, gồm 3.335 hộ khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào và Tuyến Phòng lộ, với kinh phí 1.880 tỷ đồng, xây dựng các khu tái định cư 946 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2022-2025 với hơn 2.200 hộ, kinh phí 855 tỷ đồng tại các khu vực hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, di tích Đàn Xã Tắc, di tích Khâm Thiên Giám, di tích Xiển Võ Từ, khu di tích Lục Bộ, hệ thống hồ, di tích Trấn Bình Đài và khu vực Mang Cá.

Cuối năm 2020, có 25 ngôi nhà đầu tiên tại Khu tái định cư Bắc Hương Sơ dành cho các hộ nghèo sinh sống tại khu vực I di tích Kinh thành Huế được hoàn thành. Những ngôi nhà này được chính quyền địa phương xây dựng theo hình thức "chìa khóa trao tay" và đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đến trao cho người dân. Cùng với đó, hàng trăm hộ dân khác sinh sống tạm bợ tại di tích Kinh thành Huế đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng ở Khu tái định cư Bắc Hương Sơ. Sau khi hoàn thành ngôi nhà hằng mơ ước bao năm qua, họ đã chuyển đến nơi ở mới với tâm thế hào hứng và phấn khởi.

Đến không gian mới, nơi ở mới, có ngôi nhà mới như là động lực để người dân cố gắng. Những nghèo khó chật vật ngày cũ dẫu chưa thật tan biến nhưng những đêm dài trằn trọc trong căn nhà chật hẹp đã không còn. Từ ngôi nhà mới, âm thanh trong trẻo ngày mới vang lên với nhịp sống hoàn toàn khác, nhịp sống theo đúng bản chất của người dân đô thị. "Mấy chục năm rồi, nhiều thế hệ gia đình tôi sống nhờ trên đất di sản, nói là nhà nhưng chỉ tạm bợ với bờ tường của Kinh thành Huế, những mái tôn xiêu vẹo, che nắng che mưa. Từ chủ trương di dời, tái định cư của tỉnh đã làm thay đổi cuộc đời không chỉ gia đình tôi mà còn của nhiều hộ khác", bà Trương Thị Huyền bộc bạch.

Khu tái định cư mới Bắc Hương Sơ (phường Hương Sơ, thành phố Huế) với hệ thống đường sá được xây dựng thông thoáng, khu phố kiểu mẫu và hướng đến một đô thị xanh, sạch, sáng với hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, cây xanh theo chuẩn một khu đô thị hiện đại. Thành phố Huế cũng đã đầu tư xây dựng trường mầm non, công viên, khu vui chơi giải trí nhằm tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các hộ khi đặt chân đến nơi ở mới. Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật cho rằng: "Khu dân cư Hương Sơ được UBND thành phố triển khai quyết liệt thời gian qua theo hướng là khu dân cư kiểu mẫu, rất nhiều hộ dân đã vào sống nơi đây và cho rằng đó là "giấc mơ có thật". Thành phố xác định đây là khu đô thị tái định cư kiểu mẫu nên trong quá trình lập dự án quy hoạch cũng như thiết kế hạ tầng kỹ thuật đều bảo đảm theo tiêu chuẩn.

Chủ tịch UBND phường Hương Sơ Lê Kim Nam cho biết, hiện có 629 hộ dân xây dựng nhà ở mới, nhiều hộ khác cũng đã bốc thăm nhận lô, chuẩn bị xây nhà. Khi thành phố bàn giao tiếp số khẩu, chúng tôi sẽ rà soát lại và có kế hoạch thành lập tổ dân phố mới, hỗ trợ việc làm cho người dân. Thời gian tới sẽ có con số thống kê chính xác số lao động tại khu vực tái định cư. Chúng tôi sẽ tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, tạo mọi điều kiện để người dân có việc làm. Trước mắt sẽ giới thiệu lao động làm việc tại Khu công nghiệp Hương Sơ-An Hòa, đồng thời tìm hiểu những cơ sở, doanh nghiệp khác đang cần nhân công.

Nỗ lực của chính quyền địa phương đang dần trở thành hiện thực. Những con đường bê-tông rộng rãi, ngôi nhà mới khang trang, ấm lòng những phận người hàng chục năm "sống bám" trên đất di sản. Dẫu trước mắt sẽ còn không ít gian truân, nhưng họ đã có những "bước đi" đầu tiên vững chắc trên hành trình mới.