Quận Long Biên, đô thị hiện đại  đông bắc Thủ đô

NDO - Chỉ sau mười năm xây dựng và phát triển, quận Long Biên đã có nhiều đổi thay đáng kể trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trở thành điểm sáng, đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua của Thủ đô. Trong những thành tích của quận đạt được thời gian qua, nổi bật nhất là công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích văn hóa.

Tầm vóc một đô thị mới

Không khó để nhận ra sự khác biệt khi đặt chân đến địa bàn quận Long Biên. Cũng là quận nội thành, mật độ dân số đông, lại chịu áp lực giao thông rất lớn từ các tuyến đường cửa ngõ, nhưng trên địa bàn quận  hiếm khi xảy ra tắc đường, bởi hệ thống giao thông trên địa bàn được quy hoạch và xây dựng khang trang, khoa học. Trong những khu đô thị mới trên địa bàn quận như  Việt Hưng, Sài Ðồng, Vincom..., đất dành cho xây dựng chiếm một tỷ lệ nhất định, phần diện tích dành cho giao thông, cây xanh chiếm tỷ lệ lớn, hệ thống giao thông liên kết giữa các khu đô thị này với các tuyến đường chính được xây dựng đồng bộ, hiện đại theo đúng tiêu chuẩn đường đô thị. Trên những tuyến giao thông chính của quận như Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Ngọc Lâm... gần như không có hiện tượng các cửa hàng, cửa hiệu đua nhau làm mái che, mái vẩy hay đặt những biển quảng cáo sai phép..., bởi quận có chủ trương quản lý chặt chẽ các công trình này ngay từ khi mới được xây dựng tuyến đường. Diện mạo một đô thị văn minh, hiện đại hôm nay có được nhờ những quyết sách đúng của Ðảng ủy, chính quyền quận Long Biên ngay từ những ngày đầu mới thành lập quận.

Năm 2003, quận Long Biên được thành lập theo Nghị định số 132/2003/NÐ-CP ngày 6-11-2003 của Chính phủ, trên cơ sở tách ra từ mười xã, ba thị trấn của huyện Gia Lâm. Trên cơ sở quy hoạch tỷ lệ 1/5000 của huyện Gia Lâm trước đó, quận Long Biên nhanh chóng xây dựng những quy hoạch cụ thể, quy hoạch mới phù hợp tình hình thực tế. Nhờ thế, quận Long Biên là đơn vị đầu tiên của Hà Nội được phân cấp quy hoạch, quận đã thông qua các quy hoạch 1/2000 về sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đô thị và các ô đất chức năng... Thực hiện chủ trương xây dựng đô thị hiện đại, chỉ trong một thời gian ngắn, quận đã thực hiện bốn dự án chỉnh trang các tuyến phố Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Sơn, Ngô Gia Khảm, Ngọc Lâm thành tuyến phố văn minh đô thị; mở rộng, xây mới một số tuyến đường như: Ngô Gia Tự, đường 40 m từ Thạch Bàn đi Ngọc Thụy và nhiều tuyến đường khác với tổng kinh phí là 2.250 tỷ đồng. Ðúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập quận, ngày 26-10 vừa qua, tuyến đường từ đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Sơn đến đường Ngọc Thụy - Thạch Bàn, dài 2.919 m và tuyến đường từ quốc lộ 1B đến khu đô thị Việt Hưng, dài 2.800 m chính thức được khánh thành. Từ năm 2006 đến 2009, quận  đầu tư  2.350 tỷ đồng xây dựng hệ thống thoát nước, cải thiện vệ sinh môi trường trong các khu dân cư. Hệ thống chiếu sáng đô thị cũng được đầu tư đồng bộ. Năm 2006, tỷ lệ tuyến đường được lắp đặt hệ thống chiếu sáng đô thị là 42% thì đến năm 2010, 100% tuyến đường rộng từ 2 m trở lên được lắp đặt chiếu sáng. Ðối với các khu đô thị mới, quận Long Biên tổ chức giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng nội bộ đô thị, dành diện tích đáng kể để xây dựng trường học, vườn hoa, cây xanh, đường giao thông..., cho nên các khu đô thị mới tại quận Long Biên là điển hình về đô thị xanh - sạch - đẹp, có chất lượng sống cao.

Cùng với việc phát triển đô thị, quận Long Biên chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang đẩy mạnh phát triển dịch vụ - thương mại, phát triển công nghiệp có chọn lọc, chú trọng công nghiệp công nghệ cao. Nếu năm 2003, cơ cấu kinh tế của quận là: công nghiệp (70%) - dịch vụ (26,7%) - nông nghiệp (3,3%), thì đến năm 2013, cơ cấu kinh tế đã chuyển theo hướng dịch vụ - thương mại (55,34%) - công nghiệp (43,65%) - nông nghiệp (1,01%). Trên địa bàn quận hình thành nhiều trung tâm thương mại - dịch vụ lớn của cả khu vực như  trung tâm thương mại Savico, Vincom... Năm 2013, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận ước đạt gần 6.000 tỷ đồng.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Long Biên tuy là quận mới của Thủ đô, nhưng mảnh đất Long Biên có lịch sử lâu đời. Trước đây, địa bàn này thuộc về vùng văn hóa Kinh Bắc. Ðến năm 1961, mới được sáp nhập về Hà Nội. Bởi vậy, vùng đất Long Biên có nhiều nét văn hóa độc đáo, khi hội tụ bản sắc của hai tiểu vùng văn hóa: văn hóa Thăng Long và văn hóa Kinh Bắc. Ðây là quê hương của danh tướng Lý Thường Kiệt - người có công lớn trong công cuộc đánh Tống, bình Chiêm dưới thời Lý. Trên địa bàn hiện có gần 100 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng. Trong đó, nhiều di tích tiêu biểu như: đình Lệ Mật, đền Ghềnh, chùa Bồ Ðề... Long Biên có nhiều lễ hội hấp dẫn như lễ hội làng Lệ Mật, lễ hội Tùng Choặc ở Hội Xá... Với lịch sử lâu đời, di sản văn hóa phong phú, cho nên công tác bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là nhiệm vụ quan trọng của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Long Biên. Trong những năm qua, quận Long Biên đã đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quận đã tu bổ mười di tích quan trọng. Trong số này, có năm di tích sẽ được gắn biển công trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 2012 vừa qua, quận Long Biên dành 112 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích. Ðối với di sản văn hóa phi vật thể, hiện nay, quận Long Biên đang triển khai các thủ tục để đề nghị đưa lễ hội Lệ Mật vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ðể các di sản văn hóa có thể đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội, quận Long Biên đang nỗ lực phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn. Trên cơ sở nghề bắt rắn, nuôi rắn và chế biến đặc sản từ rắn có từ lâu đời ở Lệ Mật (phường Việt Hưng), quận Long Biên đã triển khai đề án "Làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật". Ðề án đã xây dựng những mô hình nuôi rắn, chế biến đặc sản từ rắn. Cùng với những di tích nổi tiếng trong khu vực, làng Lệ Mật (cũ) trở thành một làng ẩm thực - một địa chỉ du lịch nổi tiếng của thành phố. Mới đây, UBND quận Long Biên đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị "Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tại quận Long Biên". Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quận Long Biên đang đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2015, 20% số lao động trên địa bàn tham gia vào hoạt động du lịch.

Sau mười năm xây dựng và phát triển, từ một địa bàn ven đô, Long Biên đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn, một đô thị hiện đại ở phía đông bắc Thủ đô.