Cứu gia súc bằng chuồng trình tường: Hiệu quả!

NDO - NDĐT - Một số gia súc của các hộ dân huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Sa Pa, tỉnh Lào Cai đang được bảo vệ bằng một loại chuồng trại vừa quen vừa lạ. Đó là chuồng trình tường, hay còn gọi là chuồng đất nện.

 Chuồng trình tường được phát triển từ kiến trúc nhà ở trình tường khá độc đáo của đồng bào vùng cao. Nhà “xây” không có bê tông cốt thép, tường được đúc bằng đất dày khoảng 40 cm, mái được che kín bằng tấm lợp xi măng.

Bà Phạm Thị Hoa, Trưởng phòng chăn nuôi, sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, nhà trình tường kín thêm vào đó là nhờ lớp tường đất đủ dày nên đã giúp đồng bào một số dân tộc vùng cao tránh rét rất hiệu quả.

Từ kinh nghiệm tránh rét của người vùng cao, sau đợt rét đậm kéo dài 38 ngày làm hơn 19.000 con đại gia súc ở Lào Cai bị chết, năm 2010, Trung tâm khuyến nông tỉnh Lào Cai và Ban dân tộc tỉnh đã triển khai dự án thí điểm ứng dụng nhà trình tường để làm chuồng trình tường cho gia súc tại các huyện Simacai, Bắc Hà và Sa Pa.

Ông Châu A Thảo, người dân Tả Phìn, huyện Sa Pa được hưởng lợi từ dự án cho biết, từ đầu đợt rét năm nay đến bây giờ, gia đình ông không còn lo nghĩ việc mua bạt che kín chuồng trại cho gia súc vì chuồng trình tường đã đủ kín, không bị gió lùa. Thêm vào đó là trâu bò được ở trong lớp đất dày nên nhiệt độ trong chuồng luôn lớn, ấm hơn bên ngoài khi trời rét.

Hỏi, làm chuồng trình tường kiểu này có khó không?- ông Thảo cười: “Không khó, cũng giống như làm nhà thôi. Đầu tiên là chọn chỗ đất trống, sau phải có một cái khuôn gỗ hình chữ nhật, bề ngang dày khoảng 40cm, còn chiều dài bao nhiêu thì tùy thuộc vào số lượng trâu. Khi có khuôn rồi thì lấy đất nện vào đó để làm tường... đến khi tường cứng thì nhấc khung gỗ ra, lợp mái là xong thôi”.

Trong 40 mô hình chuồng trình tường được triển khai tại xã Tả Pìn, Trung Chải, theo thống kê của UBND huyện Sa Pa thì qua 13 ngày rét đậm, đến nay chuồng trình tường vẫn đang phát huy được hiệu quả rất tốt, chưa có con gia súc nào ở trong các chuồng này bị chết, trong khi đó, số gia súc chết rét ở hai xã này đã lên đến 43 con, chủ yếu là trâu, nghé.

Ông Đỗ Văn Tân, Chánh văn phòng UBND huyện Sa Pa nhận xét, mặc dù mới triển khai nhưng chuồng trình tường bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Lúc này còn quá sớm để khẳng định, song so với các loại chuồng trại làm bằng tre, gỗ trong dân thì chuồng chình tường đã bảo vệ được đàn trâu đến ngày thứ 13 vẫn chưa bị chết rét.

Về khả năng nhân rộng loại chuồng này trong cộng đồng, ông Tân nói: Hiệu quả của nó thì đã thấy rồi. Nhưng hơn thế, chuồng chình tường có thể tận dụng được sức dân, làm bằng vật liệu sẵn có nên chi phí đầu tư không lớn.

Cụ thể hơn, bà Phạm Thị Hoa, trưởng phòng chăn nuôi, sở NN-PTNT Lào Cai cho hay, chi phí để làm mỗi chuồng trình tường rộng 12m2 khoảng 2-3 triệu đồng. Với diện tích đó có thể bảo đảm được chỗ ở tránh rét cho 4-5 con gia súc lớn.