90 nghìn lao động Việt Nam có thể đi làm việc ở nước ngoài năm nay

NDO -

Đến nay, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mục tiêu đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của năm 2022 có thể đạt được. 

Lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: Colab).
Lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: Colab).

Lao động đi làm việc ở nước ngoài: Chịu tác động lớn vì Covid-19

Trong 2 năm 2020-2021, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tuyển và chờ xuất cảnh hơn 80 nghìn lao động. Trong đó, thị trường Nhật Bản khoảng 60 nghìn người, Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 13 nghìn người, Hàn Quốc khoảng 7.000 người và một số thị trường khác.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều người lao động đã được tuyển chọn, đào tạo và làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài nhưng không xuất cảnh được. Điều này đã làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của bản thân và gia đình người lao động, nên đã có một bộ phận người lao động phải tìm kiếm việc làm khác để ổn định cuộc sống.

Trước đó, từ năm 2015 đến 2019, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài luôn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan mỗi năm. Con số này đã lên tới 152 nghìn người vào năm 2019.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, con số này ghi nhận mức sụt giảm đáng kể. Số lao động trong nước đi làm việc ở nước ngoài chỉ đạt 78 nghìn vào năm 2020 và giảm tới mức đỉnh là 45 nghìn vào năm 2021.

Đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp trong hơn 2 năm qua, cùng với sự bùng phát của các biến chủng mới, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Do dịch bệnh, phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách ứng phó với đại dịch, nên đã hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc.

Đến nay, với việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 rộng rãi ở Việt Nam và các nước, chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã có sự thay đổi thích ứng để phục hồi phát triển kinh tế. Nhiều thị trường đã mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Thị trường các nước châu Âu mở cửa lại từ năm 2021. Thị trường Hàn Quốc mở cửa lại từ tháng 5/2021 sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS. Đài Loan (Trung Quốc) mở lại từ ngày 15/2/2022 sau thời gian đóng cửa từ 19/5/2021. Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 1/2021. Một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua. 

Có thể đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chia sẻ, chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022 là đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việt Nam, cũng như hầu hết các nước, đều có sự thay đổi chính sách thích ứng với dịch bệnh Covid-19 nhằm phục hồi nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Do đó, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng. Đây là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở các thị trường này.

90 nghìn lao động Việt Nam có thể đi làm việc ở nước ngoài năm nay -0

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm.

Số lao động xuất cảnh của một số thị trường đầu năm 2022:
Nhật Bản: 32.053 lao động; Đài Loan (Trung Quốc): 15.633 lao động; Hàn Quốc: 1.209 lao động; Singapore: 853 lao động; Trung Quốc: 424 lao động; Hungary: 273 lao động; Ba Lan: 196 lao động; Nga: 158 lao động…

Số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 51.677 người. Trong số này, có 19.849 lao động nữ. 

Bên cạnh đó, cùng với các thị trường truyền thống, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước. Đó là Đức, Nga, Israel và một số thị trường châu Âu khác.

Với tình hình như trên, việc thực hiện kế hoạch 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Một số hoạt động nổi bật từ đầu năm 2022

- Ngày 20/6/2022: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) ký Thỏa thuận về việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Theo đó, bổ sung thêm một số nội dung để mở rộng đối tượng tuyển chọn và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh tham gia chương trình.

- Ngày 28/3/2022, Việt Nam và Australia ký Bản Ghi nhớ về chương trình lao động nông nghiệp. Trong khuôn khổ chương trình, dự kiến, Australia sẽ tiếp nhận khoảng 1.000  lao động Việt Nam mỗi năm trong lĩnh vực nông nghiệp. Mức lương cơ bản (chưa trừ phí sinh hoạt) từ 3.200- 4.000 AUD/tháng, tương đương khoảng 52,8 triệu đồng - 66 triệu đồng/tháng.

- Ngày 21/3/2022, ký Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Việt Nam và Malaysia.

- Đàm phán Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam với một số quốc gia tiếp nhận lao động.

- Tiếp tục thí điểm thực hiện đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.

- Tuyển chọn điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại Đức theo Chương trình 3 Bên cùng có lợi (DOLAB-GIZ-ZAV) và tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA).