20 nghìn tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo bền vững 2021-2025

NDO -

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ mức dự kiến bố trí 20.000 tỷ đồng để đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Duy Linh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Duy Linh

Chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững (Chương trình) giai đoạn 2021-2025 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc xây dựng Chủ trương đầu tư Chương trình giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất là yêu cầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: “Đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm”.

Thứ hai là yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với những mục tiêu cụ thể đã đề ra cũng như yêu cầu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu là “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; bảo đảm giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội”. Chương trình xác định các mục tiêu cụ thể và các giải pháp đột phá để góp phần hoàn thành các mục tiêu vì sự phát triển bền vững.

Đầu tư 20 nghìn tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 -0
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình cũng tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia như: Tiếp tục thực hiện các nội dung mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chưa hoàn thành; Giải quyết một số vấn đề lớn lĩnh vực giảm nghèo; Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững; Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội chuyên nghiệp.

“Việc xây dựng Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo và an sinh xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình và đề nghị tên của Chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” để bảo đảm thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, giảm nghèo đa chiều, bền vững cũng là thực hiện mục tiêu, giải pháp của an sinh xã hội bền vững, là vấn đề quan trọng, cấp bách, phù hợp với khả năng đáp ứng về nguồn lực để giải quyết bằng Chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn tới.

Tuy nhiên, để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh, ngoài việc giảm nghèo về thu nhập cần tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Do đó, Chương trình cần điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu, các dự án, giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19…; dự báo kết quả duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu khi Chương trình kết thúc để có thể đánh giá tính bền vững.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động có thể trùng lặp hoặc bỏ sót để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Đầu tư 20 nghìn tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 -0
Quang cảnh phiên họp. 

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư mới đây nêu rõ, công tác xóa nghèo bền vững là một chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững mà Việt Nam đã thực hiện rất tốt góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 2,7% năm 2020.

Dẫn chứng việc cho đến nay nhiều huyện, xã đã không còn mang danh nghèo và không ít người dân đã tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách, đồng thời xem xét tôn vinh những người chủ động xin ra khỏi hộ nghèo.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá lại việc một số địa phương còn đang quy định mức chuẩn nghèo cao hơn chuẩn chung của cả nước, cũng như việc giảm nghèo một số nơi còn chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chương trình không được phân biệt đối tượng theo địa bàn, tiếp tục hoàn thiện tiêu chí nghèo đa chiều, bố trí chuyển một phần kinh phí sang các trung tâm bảo trợ xã hội khi chuyển những người không còn khả năng thoát nghèo sang các trung tâm này.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với mức dự kiến bố trí 20.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình.

Theo đề xuất của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được phân chia thành các dự án thành phần, gồm 4 dự án và 11 tiểu dự án.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình: 90.260 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: 50.000 tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu: 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 30.000 tỷ đồng); Ngân sách địa phương: 21.760 tỷ đồng (vốn đầu tư: 10.350 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 11.410 tỷ đồng); Huy động hợp pháp khác: 18.500 tỷ đồng (vốn đầu tư: 11.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 7.500 tỷ đồng).