“Ùn ứ” người về quê tại khu vực giáp ranh giữa Long An và Đồng Tháp

NDO -

Trong ngày 22/9 và 23/9, tại các chốt kiểm soát giáp ranh giữa tỉnh Long An - Đồng Tháp và giữa huyện Tân Thạnh - Thạnh Hóa (Long An) đã ghi nhận 137 người dân dùng phương tiện cá nhân di chuyển về quê An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp đang gây rất nhiều khó khăn cho Long An và Đồng Tháp trong việc phòng, chống dịch Covid-19 và bảo vệ “vùng xanh”.

Người dân An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp di chuyển về quê đến trạm kiểm soát giáp ranh giữa tỉnh Long An và Đồng Tháp không qua chốt được.
Người dân An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp di chuyển về quê đến trạm kiểm soát giáp ranh giữa tỉnh Long An và Đồng Tháp không qua chốt được.

Sau khi Long An áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai việc sử dụng thẻ Covid trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn từ ngày 21/9. Người dân tiêm hai mũi vaccine đủ 14 ngày sau khi tiêm được lưu thông trong toàn tỉnh, người tiêm 1 mũi vaccine đủ 14 ngày sau khi tiêm được lưu thông trên địa bàn huyện, thị xã và thành phố, tỉnh Long An.

Theo đó, nhiều người dân từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh Long An hiểu chưa rõ đã dùng phương tiện cá nhân về quê. Khi bà con di chuyển đến chốt kiểm soát giáp ranh giữa huyện Tân Thạnh và Thạnh Hóa (Long An), lực lượng kiểm tra giấy tờ, không đúng theo quy định phòng, chống dịch; những người tiêm đủ 2 mũi vaccine đi đến địa phận giáp ranh tỉnh Đồng Tháp cũng phải dừng lại vì địa phương chưa có phương án tiếp nhận người từ tỉnh, thành khác về và cũng chưa có phương án cho người dân di chuyển qua địa bàn tỉnh bằng phương tiện xe hai bánh.

“Ùn ứ” người về quê tại khu vực giáp ranh giữa Long An và Đồng Tháp -0
Người dân An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp di chuyển về quê đến chốt kiểm soát giữa huyện Tân Thạnh và Thạnh Hóa bị kẹt tại chốt do các giấy tờ không đúng theo quy định về phòng, chống dịch. 

Anh Nguyễn Chí Hải, xã Hòa Bình (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Ba anh em làm công nhân tại một công ty ở Khu công nghiệp Đức Hòa (Long An). Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty đã tạm ngưng hoạt động và cho nghỉ việc không hưởng lương từ 15/8 đến nay. Hiện tại, ba anh em nợ tiền thuê trọ 2 tháng nên chủ trọ không cho ở tiếp. Tiền lương nhận trước khi công ty cho nghỉ việc đã chuyển về giúp gia đình, giữ lại một ít chi tiêu đến nay đã hết.

Khi tỉnh Long An thực hiện Chỉ thị 15, ba anh em đã tiêm 2 mũi vaccine đã quyết định dọn đồ về quê, hết dịch quay trở lại làm việc. Khi đi đến chốt kiểm soát vào huyện Tân Thạnh trình giấy tiêm phòng thì chưa đủ 14 ngày sau khi tiêm nên không được giải quyết qua chốt. Bây quay lại thì không có chỗ ở, giờ chỉ hy vọng được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cứu giúp. 

Chị Trần Thị Hằng, ấp Cả Cái, xã Tân Thành A, (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) làm công nhân ở Khu công nghiệp Đức Hòa, đã tiêm 1 mũi vaccine. Dịch bệnh bùng phát, công ty đã cho nghỉ việc 3 tháng, không thu nhập, gia đình nợ tiền trọ hai tháng, bây giờ quay trở lại chủ nhà trọ sẽ không cho ở.

Anh_3-1632403442540.jpeg
 Chị Trần Thị Hằng, ấp Cả Cái, xã Tân Thành A, (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cùng đưa hai con nhỏ về quê. 

Chị Hằng chia sẻ: Do không đủ giấy tờ theo quy định phòng, chống dịch, không đi tiếp được, giờ chưa biết tính sao vì có hai con nhỏ. Bây giờ chỉ mong lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cứu giúp về quê để dần ổn định lại cuộc sống.

Chị Kiều Thị Thúy Hằng, quê ở Kiên Giang, đi làm tại TP Hồ Chí Minh, đã nghỉ việc 2 tháng. Thời gian qua ở nhờ nhà bà con, chồng và con về quê trước khi dịch xảy ra. Biết Long An thực hiện Chỉ thị 15, chị Hằng đã đánh liều đi về quê, đến trạm kiểm soát vào huyện Tân Thạnh, lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ chỉ có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, không giải quyết cho qua chốt. Bây giờ kẹt lại đây, chị Hằng chỉ mong địa phương Kiên Giang tiếp nhận về cách ly theo quy định. 

Chủ tịch huyện Tân Thạnh (Long An) Lê Thanh Đông cho biết: Tại chốt quốc lộ 62, N2, mỗi ngày có khoảng 2.000 phương tiện cá nhân đi về. Đa số nhiều người đã tiêm vaccine 1 mũi, mũi 2 và một số người chưa tiêm vaccine. Trong hai ngày qua, tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn huyện Tân Thạnh, lượng người di chuyển bằng xe gắn máy về quê rất đông.

Nhiều người dân đi được đến địa bàn giáp ranh tỉnh Đồng Tháp đang kẹt lại ngay chốt kiểm soát. Phía Đồng Tháp chưa có phương án tiếp nhận người dân từ tỉnh, thành phố khác về cũng như việc cho người dân đi ngang địa bàn tỉnh.

Hiện tại, lượng người ùn ứ trên địa bàn huyện rất nhiều, bà con cũng không quay trở lại được nơi tạm trú. Huyện đang tiếp tục đàm phán để đưa người dân về quê Đồng Tháp.

Việc đầu tiên, huyện tập trung là lo ăn, uống cho người dân trong thời gian chờ phương án đàm phán với Đồng Tháp. Đối với người dân huyện Tân Thạnh trở về từ địa phương khác, địa phương đưa đi cách ly tập trung, tổ chức xét nghệm PCR có kết quả âm tính cho về nhà, chưa tiêm vaccine thì tổ chức tiêm cho bà con.

Người lao động từ các tỉnh khác thì huyện sẽ tiếp tục đàm phán để thông chốt cho người dân về địa phương. Trường hợp các tỉnh chưa có phương án tiếp nhận cho về thì huyện sẽ xin ý kiến của tỉnh đưa đi cách ly rồi tiếp tục đàm phán bàn phương án khác.

Anh_4-1632403442244.jpeg
Địa phương chăm lo thức ăn, nước uống cho người dân đang kẹt tại chốt kiểm soát giữa huyện Tân Thạnh và Thạnh Hóa (Long An).  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết: Qua ba ngày thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng, tình hình di chuyển của người dân cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, từ chiều ngày 22/9 đến 23/9, Long An ghi nhận 137 người dân thuộc các tỉnh (An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp) đã tự di chuyển từ các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ qua địa bàn tỉnh Long An để về quê nhưng các tỉnh lân cận chưa cho phép di chuyển vào địa phương.

Những người này đã được tiêm vaccine, các lực lượng chức năng của Long An đang quản lý, chăm sóc sức khỏe và thực hiện xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế; bà con rất mong muốn được trở về địa phương trong thời gian sớm nhất.

UBND tỉnh Long An đã giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải và UBND huyện Tân Thạnh phối hợp các ngành chức năng của các tỉnh, thành phố có người dân mong muốn trở về quê để thống nhất việc đưa, đón người dân trở về địa phương; thời gian dự kiến từ ngày 24/9 đến ngày 26/9.

UBND tỉnh Long An đề nghị UBND các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp quan tâm và phân công đơn vị đầu mối để phối hợp các ngành chức năng của tỉnh Long An thực hiện đón người dân trở về địa phương.