Xây dựng lòng tin giữa Iran và Saudi Arabia

Iran và Saudi Arabia đang ngày càng tiến gần đến mục tiêu khôi phục quan hệ song phương giữa hai quốc gia vốn được coi là “đối thủ đáng gờm” của nhau. Liên hợp quốc đánh giá, tiến trình đàm phán khôi phục quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia có vai trò quan trọng và thật sự cần thiết đối với ổn định khu vực.

Các nhà ngoại giao Iran đã tới Saudi Arabia để nhận nhiệm vụ tại OIC.Ảnh THE NEW ARAB
Các nhà ngoại giao Iran đã tới Saudi Arabia để nhận nhiệm vụ tại OIC.Ảnh THE NEW ARAB

Thành viên Ủy ban An ninh và Chính sách đối ngoại thuộc Quốc hội Iran, ông Jalil Rahimi Jahan-Abadi (G.A-ba-đi) xác nhận, Tehran và Riyadh đang trên đà khôi phục quan hệ song phương và chuẩn bị cơ sở cho kế hoạch mở lại đại sứ quán của hai nước. Theo ông Jahan-Abadi, động thái này sẽ tạo ra những tác động quan trọng và tích cực đối với nỗ lực giảm căng thẳng trong khu vực, đồng thời củng cố khối đoàn kết giữa các quốc gia Hồi giáo.

Iran và Saudi Arabia giữ lập trường thù địch với nhau trong nhiều năm và ủng hộ các bên đối địch trong các cuộc xung đột tại Yemen và Syria. Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vào năm 2016, sau khi người biểu tình Iran tấn công các phái bộ ngoại giao của Saudi Arabia tại Iran nhằm phản ứng việc Riyadh hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite. Mâu thuẫn bị đẩy lên cao vào năm 2018 khi Mỹ, đồng minh truyền thống của Saudi Arabia, đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt Iran. Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Riyadh cáo buộc Tehran đứng sau vụ tấn công nhà máy lọc dầu lớn nhất Saudi Arabia, khiến sản lượng dầu giảm 50% trong một thời gian ngắn.

Iran và Saudi Arabia bắt đầu can dự đối thoại ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2021. Tại thủ đô Baghdad của Iraq, các quan chức Saudi Arabia và Iran đã có cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên nhằm hàn gắn quan hệ sau 5 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao. Dù chưa đạt kết quả đột phá, song đây là tín hiệu tích cực trong việc tìm kiếm những khả năng xoa dịu căng thẳng tại một trong những “điểm nóng” nhất của Trung Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh thông báo, Tehran và Riyadh đã đạt các thỏa thuận sơ bộ về một số vấn đề trong tiến trình đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước và “đang chờ hoàn thiện” những thỏa thuận này.

Phát biểu tại buổi họp báo hằng tuần mới đây, ông Khatibzadeh cho biết, quyết định vẫn còn phụ thuộc vào phía Saudi Arabia. Bên cạnh đó, Iran cũng đang tập trung nối lại hoạt động của phái đoàn nước này tại Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Jeddah (Saudi Arabia). Ông Khatibzadeh khẳng định, chính phủ hai nước thường xuyên liên lạc và trao đổi thông tin. Iran đến nay đã tiến hành bốn vòng đàm phán mang tính tích cực và xây dựng với các quan chức Saudi Arabia tại Iraq.

Iran đã hoan nghênh những nỗ lực trung gian của Iraq nhằm hóa giải những hiểu lầm và thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Tehran và Riyadh. Trong các vòng đàm phán, Tehran đưa ra một gói đề xuất thiết thực và mang tính xây dựng với phía Saudi Arabia. Cuối năm 2021, hai bên đã tổ chức phiên đối thoại an ninh cấp chuyên gia tại thủ đô Amman của Jordan, với nội dung thảo luận tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin và liên quan chương trình hạt nhân của Iran.

Iran khẳng định sẽ làm những gì có thể để giải quyết các vấn đề tồn đọng giữa hai quốc gia và các cuộc đàm phán với Saudi Arabia đã đạt được tiến triển đáng kể về vấn đề an ninh Vùng Vịnh. Trong khi đó, Saudi Arabia phát tín hiệu hòa giải tới quốc gia láng giềng với tuyên bố mong muốn tìm kiếm mối quan hệ “hữu nghị” với Tehran. Saudi Arabia bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán với Iran sẽ dẫn đến những kết quả hữu hình để xây dựng lòng tin và khởi động lại mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Việc Iran và Saudi Arabia, một đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông, thúc đẩy đối thoại được coi là bước đi tích cực nhằm hạ nhiệt căng thẳng, tạo bầu không khí thuận lợi để giải quyết các bất đồng giữa hai quốc gia vốn đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông, góp phần vào sự ổn định của khu vực.