Xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn

Năm 2021 khép lại năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trải qua một năm với nhiều biến động, chính sách “xây dựng lại tốt hơn” của Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đã đem tới những thành công bước đầu, song muôn vàn thách thức vẫn còn ở phía trước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden truyền đi thông điệp “Xây dựng lại tốt hơn”. Ảnh REUTERS
Tổng thống Mỹ Joe Biden truyền đi thông điệp “Xây dựng lại tốt hơn”. Ảnh REUTERS

Vực dậy kinh tế “xứ cờ hoa”

Ngay từ những ngày đầu bước vào Nhà trắng, Tổng thống Joe Biden đã phải bắt tay ngay vào tìm cách giải quyết một loạt vấn đề bao trùm lên đời sống nước Mỹ là cuộc khủng hoảng dịch bệnh, kinh tế suy giảm và sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc. 100 ngày đầu nhậm chức thường được xem là một tiêu chuẩn mang tính biểu tượng để đánh giá sự hiệu quả điều hành của các đời tổng thống Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã có sự khởi đầu khá suôn sẻ khi hơn một nửa trong số những người được truyền thông Mỹ khảo sát cho biết họ ủng hộ các quyết sách của Nhà trắng trong 100 ngày đầu sau khi ông Biden nhậm chức.

Trong 100 ngày đầu cầm quyền của ông Biden, Mỹ đạt mốc tiêm chủng gần 200 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, gấp đôi mục tiêu mà chính quyền đề ra. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược mở rộng độ bao phủ vắc-xin, tính đến tháng cuối tháng 12 này, hơn 70% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin, gần 62% dân số đã tiêm đủ 2 mũi, trong khi hơn 16% dân số Mỹ đã tiêm mũi tăng cường. Dần kiểm soát được dịch bệnh, đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường là một trong những dấu ấn được ghi nhận của chính quyền Tổng thống Biden.

Trong khi đó, nhằm vực dậy nền kinh tế đầu tàu thế giới vốn điêu đứng bởi dịch bệnh, Tổng thống thứ 46 của Mỹ thúc đẩy các kế hoạch chi ngân sách đầy tham vọng. Ngày 11/3/2021, ông Biden ký ban hành gói cứu trợ kinh tế với tên gọi “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ”, trị giá 1.900 tỷ USD, đúng vào dịp kỷ niệm tròn một năm kể từ ngày Mỹ áp dụng các biện pháp phong tỏa chống dịch. Tổng thống Biden kỳ vọng gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ sẽ “tái thiết sinh lực quốc gia”, nhờ tạo ra hàng triệu việc làm, đẩy nhanh phục hồi sản xuất.

Thêm một thành tựu trong đẩy mạnh chi ngân sách của Tổng thống Biden là Quốc hội Mỹ đã thông qua gói đầu tư kỷ lục cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD, nhằm nâng cấp đường sá, cầu, cảng, hệ thống internet băng thông rộng... Chính quyền Tổng thống Biden cũng thúc đẩy một dự thảo ngân sách trị giá khoảng 2.000 tỷ USD cho chống biến đổi khí hậu và các chương trình trợ cấp, mà các nghị sĩ đảng Dân chủ ca ngợi là kế hoạch chi tiêu xã hội mang lại hiệu quả nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước.

Tìm lại vị thế quốc tế

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Tổng thống Biden về cơ bản đã đi theo hướng khác với chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump và từ bỏ nguyên tắc “nước Mỹ trước tiên”. Cố vấn Nhà trắng nêu rõ, nguyên tắc của Tổng thống Biden trong đối ngoại là ngoại giao đa phương và tính đến lợi ích của các đồng minh.

Năm qua, Mỹ tích cực củng cố quan hệ đồng minh với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Dự Hội nghị cấp cao Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) tại Anh, trước khi tới Bỉ dự Hội nghị cấp cao NATO và gặp các nhà lãnh đạo EU trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức cho thấy mục tiêu khôi phục quan hệ lâu đời xuyên Ðại Tây Dương được đặt lên vị trí hàng đầu. Mỹ cũng cải thiện quan hệ với các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel..., tham gia liên minh an ninh ba bên với Anh và Australia (AUKUS).

Mỹ cũng khởi động lại các cơ chế hợp tác trong khu vực. Hội nghị cấp cao Bắc Mỹ, gồm Mỹ, Canada và Mexico được tổ chức trở lại sau thời gian dài gián đoạn từ năm 2016. Cả ba nước đều nhất trí đẩy mạnh mối quan hệ đối tác nhằm giải quyết các thách thức chung trong khu vực và trên thế giới, trong đó tập trung tăng cường liên kết kinh tế, thúc đẩy lục địa Bắc Mỹ an toàn, thịnh vượng và tự cường.

Mỹ tham gia trở lại và tiếp tục tài trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồng thời tích cực hỗ trợ vắc-xin phòng Covid-19 cho các nước trên thế giới. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), diễn ra tại Anh, Tổng thống Biden lên tiếng thừa nhận sai lầm của Mỹ khi rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tổng thống Biden tuyên bố, Mỹ không tụt hậu trong cuộc chiến này và sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt, những cam kết về khí hậu của Washington sẽ không chỉ dừng ở lời nói.

Chính quyền Tổng thống Biden đưa Mỹ tham gia đàm phán trở lại với Iran, tuy mới chỉ theo một cách gián tiếp, về thỏa thuận hạt nhân từng ký năm 2015. Tuy vậy, Washington vẫn cảnh báo sẽ tính đến “các biện pháp khác” nếu ngoại giao thất bại. Với Triều Tiên, Mỹ phát đi thông điệp sẵn sàng đàm phán, song chưa có dấu hiệu khả quan nào về các cuộc đối thoại.

Trong năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc cũng chưa có nhiều tiến triển so với thời chính quyền tiền nhiệm. Tại các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Biden với lãnh đạo cấp cao Nga, Trung Quốc, Washington vẫn cho thấy lập trường cứng rắn, song gợi mở sẵn sàng hợp tác trong một số lĩnh vực cùng có lợi.

Thách thức phía trước

Tổng thống Joe Biden thừa nhận, cuộc chiến chống dịch bệnh còn chặng đường dài phía trước. Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về tổng số ca nhiễm và số ca tử vong do Covid-19. Trước sự xuất hiện của một loạt biến thể mới ngày càng nguy hiểm và khó lường như Delta, Omicron..., các chuyên gia y tế cảnh báo Mỹ có nguy cơ đối mặt làn sóng dịch thứ tư trong mùa đông này.

Đi kèm với tốc độ tăng trưởng bứt phá nhờ tác động tích cực của các gói kích thích kinh tế do chính quyền Tổng thống Biden thúc đẩy, lạm phát tại Mỹ quay trở lại mức cao nhất trong gần 40 năm. Đảng Cộng hòa liên tiếp chỉ trích Tổng thống Biden và đảng Dân chủ đã chi “quá tay” cho các gói kích thích kinh tế. Nhiều chuyên gia dự đoán lạm phát có thể còn kéo dài tới năm sau.

Dư luận vẫn trông chờ những câu trả lời còn bỏ ngỏ của Tổng thống Biden về chính sách đối ngoại. Mỹ chưa tìm được đáp án rõ ràng cho các cuộc đàm phán với Iran, Triều Tiên... Trong khi đó, sự ra đời của AUKUS cũng khiến các đồng minh của Mỹ không khỏi lục đục. Năm 2021, Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan, khép lại cuộc can thiệp quân sự lâu nhất của Mỹ ở nước ngoài. 20 năm sau sự kiện khủng bố 11/9, nước Mỹ vẫn phải cảnh giác trước các nguy cơ bị tấn công khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và khủng bố cực đoan nhen nhóm trỗi dậy.

Không thể phủ nhận những dấu ấn tích cực trong năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, song, trong bối cảnh một loạt thách thức cũ và mới đan xen, chính quyền Tổng thống thứ 46 còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn.