WB dự báo kinh tế Nga tăng trưởng

NDO -

Theo báo cáo mới nhất mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong hai năm 2021 và 2022 đều có thể đạt mức 3,2% và vào năm 2024 có thể đạt mức 2,3%. 

Một người dân Moscow kéo hàng ra chợ đồ cũ bày bán dịp cuối tuần. (Ảnh: Quế Anh).
Một người dân Moscow kéo hàng ra chợ đồ cũ bày bán dịp cuối tuần. (Ảnh: Quế Anh).

WB đưa ra dự báo lạc quan hơn về nền kinh tế Nga, dựa trên kịch bản về tình hình đại dịch Covid-19 tại Nga và trên thế giới sẽ ngày càng được cải thiện, dẫn đến “sự tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình và tăng trưởng đầu tư, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, giá dầu cao hơn và điều kiện tín dụng linh hoạt trong năm 2021”.

Trước đó, báo cáo hồi tháng 3 của WB cho rằng, tăng trưởng GDP của Nga trong năm nay và năm tới chỉ có thể đạt 2,9%. Trong khi đó Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng có chung dự báo hồi tháng 3 của WB, cho rằng ​​ nền kinh tế Nga phục hồi nhờ mức tiêu dùng tăng, cho phép GDP của nước này sẽ tăng 2,9% vào cuối năm 2021, từ mức giảm 3% của năm 2020.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB về Nga, ông Apurva Sanghi, cho rằng trong những năm gần đây, Nga đã làm rất nhiều việc nhằm bảo đảm ổn định tài khóa vĩ mô, điều này đã dẫn đến sự cải thiện về tình hình tài khóa, giúp cho nền kinh tế Nga chỉ sụt giảm 3% GDP trong năm 2020, thấp hơn so với mức sụt giảm 3,8% của nền kinh tế thế giới và sụt giảm 5,4% GDP của các nền kinh tế phát triển.

Theo một kịch bản lạc quan hơn của WB, nếu việc tiêm chủng được tiến hành nhanh hơn dự kiến, các biện pháp hạn chế trong nền kinh tế toàn cầu có thể được dỡ bỏ sớm hơn kế hoạch. Cùng với các gói kích thích kinh tế lớn, điều này có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu về nguồn dầu mỏ có thể tăng cao hơn nhiều so với dự kiến. Và nếu kịch bản này trở thành hiện thực, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga trong các năm 2021, 2022 và 2023 lần lượt có thể đạt tới 3,8%, 4,8% và 3,3%.

Bên cạnh đó, báo cáo của WB cũng chỉ ra một kịch bản bi quan, với các đợt bùng phát đại dịch mới và sự lây lan của các chủng corona virus mới, đòi hỏi phải duy trì các biện pháp hạn chế lâu hơn tại nhiều quốc gia, dẫn đến giảm nhu cầu dầu mỏ, chắc chắn sẽ tác động tới quyết sách của các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+), trong đó có Nga.

Nếu kịch bản bi quan này trở thành hiện thực, GDP của Nga có thể chỉ tăng trưởng 2,6% vào năm 2021, giảm 0,7% vào năm 2022 và quay trở lại mức tăng 0,6% vào năm 2023.

Báo cáo cũng cho rằng, tỷ lệ nghèo đói ở Nga vào cuối năm 2021 sẽ giảm xuống 11,4% từ mức 12,1% trong năm 2020 vừa qua. Trong năm 2020, mặc dù tăng trưởng kinh tế giảm mạnh do đại dịch, nhưng mức độ nghèo đói hầu như không thay đổi tại Nga, nhờ các biện pháp hỗ trợ xã hội. WB cho rằng Nga đã cố gắng kiềm chế sự gia tăng đột biến tỷ lệ nghèo đói trong năm 2020 vừa qua, nhưng thu nhập thực tế vẫn giảm và mức sống của người dân ngày càng đi xuống.

Một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay của Tổng thống Nga Vladimir Putin là giải quyết vấn đề mức sống của người dân đang bị sụt giảm, trong khi giá các mặt hàng tiêu dùng tăng nhanh. Tổng thống Putin cho rằng, vào năm 2030, tỷ lệ nghèo đói ở Nga sẽ giảm xuống 6,5%. Thống kê cho thấy thu nhập sau thuế tại Nga đã giảm liên tục kể từ năm 2013, trừ một số năm có mức tăng không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng ruble giảm giá và lạm phát gia tăng bởi tác động từ “cuộc chiến” trừng phạt - cấm vận giữa Nga và phương Tây kéo dài suốt từ tháng 4-2014 đến nay.