Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào dạy và học tại Lào

NDO -

Ngày 1/7, tại Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào tổ chức Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn nghiên cứu và áp dụng tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập” vào công tác giảng dạy và học tập.

Hàng trăm học viên, giảng viên của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào tham dự hội nghị ngày 1/7. (Ảnh: XUÂN SƠN)
Hàng trăm học viên, giảng viên của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào tham dự hội nghị ngày 1/7. (Ảnh: XUÂN SƠN)

Hội nghị có sự tham gia của hàng trăm học viên, giảng viên của Học viện. Phó Giám đốc Học viện, Tiến sĩ Khamla Keoounkham chủ trì và trực tiếp thuyết trình.

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Khamla Keoounkham khẳng định, tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trong tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập”. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là một nhà cách mạng, một nhà hoạt động chính trị, một nhà văn… và tư tưởng của Người đã được nghiên cứu, vận dụng vào nhiều vấn đề tại Việt Nam cũng như tại Lào. Tiến sĩ Khamla Keoounkham cho biết, “Hồ Chí Minh toàn tập” gồm 15 tập, bao gồm khoảng 3.300 tác phẩm, bài nói, bài viết, điện, thư... của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1912 đến 1969.

Tiến sĩ Khamla Keoounkham nhấn mạnh, trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, Người đã tiếp cận được chủ nghĩa Mác-Lênin và nhận ra rằng đây chính là nền tảng lý luận chính trí sâu sắc cho con đường giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại. Người đã vận động quần chúng nhân dân tham gia vào các phong trào đấu tranh, tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các vị lão thành cách mạng chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đất nước đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, đưa đất nước Việt Nam thoát khỏi thế “ngàn cân treo sợi tóc” và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người định hướng đất nước Việt Nam đi theo con đường chủ nghĩa xã hội và lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm lý luận cách mạng.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào dạy và học tại Lào -0 Tiến sĩ Khamla Keoounkham khẳng định, tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trong tác phẩm "Hồ Chí Minh toàn tập". (Ảnh: XUÂN SƠN)

Để tổ chức và thực hiện một cách hiệu quả mục tiêu xây dựng đất nước đi theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Người coi trọng công tác xây dựng Đảng, phát triển Đảng, xây dựng sự mẫu mực trong công tác cán bộ, đảng viên, tất cả vì nhân dân, hy sinh, cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng Việt Nam cũng như phong trào cộng sản quốc tế. Trong các bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói nhiều về công tác ngoại giao, với một tinh thần vô tư trong sáng, nổi tiếng với câu nói “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”.

Tiến sĩ Khamla Keoounkham phân tích, mỗi một tác phẩm trong “Hồ Chí Minh toàn tập” có một giá trị lý luận mang tính kinh điển và thực tiễn sâu sắc, phản ánh quá trình hoạt động của Người, về những giai đoạn của lịch sử cách mạng Việt Nam và thế giới, là những bài học giá trị không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn dành cho cả nhân loại, những người yêu chuộng hòa bình nghiên cứu, tham khảo. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sự hy sinh vì nhân dân, vì lợi ích chung, vì đất nước, vì con người. Người khi nào cũng quan tâm đến đời sống của nhân dân bởi Người nhận thức sâu sắc rằng có quần chúng nhân dân thì sự nghiệp cách mạng mới đi đến thành công.

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Khamla Keoounkham cũng giới thiệu tóm tắt nội dung của toàn bộ 15 tập trong “Hồ Chí Minh toàn tập” và một số vấn đề quan trọng được các đại biểu quan tâm.