UAE củng cố vị thế trung tâm thương mại của khu vực

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cho biết sẽ đẩy nhanh đàm phán các thỏa thuận kinh tế với 8 quốc gia mà Abu Dhabi muốn làm sâu sắc thêm trong các mối quan hệ song phương. Quốc gia vùng Vịnh đang thực thi kế hoạch củng cố quy chế của nước này là trung tâm thương mại vùng Trung Ðông nhằm khắc phục những thiệt hại kinh tế nặng nề do đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Anh đón Thái tử Abu Dhabi (UAE) thăm Luân Ðôn. Ảnh REUTERS
Thủ tướng Anh đón Thái tử Abu Dhabi (UAE) thăm Luân Ðôn. Ảnh REUTERS

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)  - quốc gia vốn được coi là một trung tâm thương mại toàn cầu, đã thông báo kế hoạch củng cố các quan hệ kinh tế và thương mại với Ấn Ðộ, Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và nhiều nước khác như Ethiopia, Indonesia, Israel và Kenya. UAE muốn theo đuổi các thỏa thuận kinh tế toàn diện song phương về thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các lĩnh vực như du lịch. Tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, UAE sẽ đầu tư 10 tỷ bảng Anh vào Vương quốc Anh trong giai đoạn 5 năm tới. Hai bên hy vọng khoản đầu tư sẽ thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm cho cả hai quốc gia cũng như gia tăng đầu tư vào công nghệ, hạ tầng và năng lượng tái tạo. Kể từ tháng 3, UAE đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào nền kinh tế Anh, trong đó có 1,1 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực khoa học sự sống.

Thỏa thuận đầu tư với Anh sẽ góp phần thúc đẩy kế hoạch phát triển 10 năm của UAE, vốn được công bố hồi đầu tháng 9, nhằm tăng gấp đôi quy mô kinh tế quốc gia này và thu hút 150 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm 2030. Quốc gia sản xuất dầu và khí đốt lớn của thế giới này muốn gia tăng xuất khẩu vào thị trường Anh, Nga, Trung Quốc và thu hút nhân tài bằng chính sách visa linh hoạt. UAE cũng đặt mục tiêu nâng cao giá trị giao lưu kinh tế với Israel lên hơn 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới, với hy vọng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe đến biến đổi khí hậu và năng lượng.

UAE cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt rạn nứt kéo dài nhiều năm và đưa mối quan hệ song phương có thể trở lại đúng hướng. Hai nước đã tổ chức một loạt cuộc tiếp xúc để xoa dịu căng thẳng vốn làm bùng phát các cuộc xung đột, trong đó có cuộc chiến tranh ở Libya hay mâu thuẫn nảy sinh từ việc UAE ký thỏa thuận bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Israel. Mặc dù còn tồn tại những bất đồng về chính trị, song hai nước dự kiến sẽ tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ kinh tế và giảm bớt rạn nứt.

Mối quan hệ giữa Ấn Ðộ và UAE cũng chứng kiến những bước phát triển tích cực. Tháng 12/2020, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Ðộ - Tướng MM Naravane đã sang thăm UAE và đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao quân đội Ấn Ðộ tới quốc gia vùng Vịnh. Ðầu tháng 8/2021, hải quân hai nước đã tiến hành cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Abu Dhabi. Không quân UAE đã tiếp nhiên liệu trên không cho một số máy bay chiến đấu Rafale trên hành trình từ Pháp đến Ấn Ðộ. Hai bên mới đây đã trao đổi về những mối quan tâm chung của khu vực, trong đó có cuộc khủng hoảng Afghanistan, tình hình vùng Vịnh.

Việc đặt trọng tâm mới cho nền kinh tế được đưa ra sau khi UAE đánh giá lại chính sách đối ngoại cứng rắn của mình. Nước này cũng muốn thúc đẩy các quan hệ kinh tế và thương mại với Qatar và cả Iran. Các nỗ lực duy trì vị thế trung tâm thương mại vùng Trung Ðông được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế UAE suy giảm trong năm 2020 do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và nước này cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt từ các quốc gia vùng Vịnh khác trong khu vực.