Tỷ giá đồng ruble của Nga so với đồng USD cao nhất trong 7 năm qua

NDO -

Ngày 29/6, giá đồng ruble của Nga so với đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2015, nhờ các biện pháp kiểm soát vốn và nhu cầu ngoại tệ tăng cao tại nước này.

Đồng ruble của Nga. (Ảnh: Reuters)
Đồng ruble của Nga. (Ảnh: Reuters)

Tại sàn giao dịch Moskva, vào lúc 8 giờ 19 phút GMT (15 giờ 19 phút - giờ Việt Nam), giá đồng ruble đã tăng hơn 2,7% lên 50,32 ruble/1 USD, sau khi ở mức 50,01 ruble/1 USD.

Theo Ngân hàng Promsvyazbank, tỷ giá hối đoái giữa đồng ruble và đồng USD dự kiến đứng ở mức gần phạm vi mục tiêu 50 đến 52 ruble/1 USD, dù đã hết hạn doanh nghiệp nộp thuế. 

So với đồng euro, giá đồng ruble đã tăng 3% lên 52,91 ruble/1 euro, lần đầu tiên tiến tới chạm mốc 53 ruble/1 euro kể từ tháng 4/2015.

Đồng nội tệ của Nga trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay, nhờ các biện pháp kiểm soát vốn nhằm bảo vệ lĩnh vực tài chính trước tác động của các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2 vừa qua.

Ngoài ra, các khoản thu từ xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu giảm mạnh và các công ty xuất khẩu của Nga trả thuế bằng đồng ruble cũng là những yếu tố góp phần giúp đồng nội tệ tăng giá.

Tuy nhiên, giá đồng ruble mạnh lên so với đồng USD và euro lại khiến nguồn thu xuất khẩu hàng hóa của Nga giảm.

Đầu tháng 6 này, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Andrei Belousov nhận định, đồng ruble đang được định giá quá cao và ngành công nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi hơn nếu tỷ giá giảm xuống mức từ 70 đến 80 ruble/1 USD.

Chuyên gia kinh tế Evgeny Suvorov thuộc CentroCreditBank cho biết nhiều doanh nghiệp Nga đang gặp khó khăn về tài chính.

Bình luận về giá đồng ruble, cùng ngày 29/6, Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov cho rằng, nếu giá đồng nội tệ trong những tháng tới duy trì như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ buộc phải giảm sản lượng.

Ông Reshetnikov dự báo, Nga sẽ ghi nhận giảm phát trong tháng này khi người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu cũng như nhu cầu hàng hóa giảm.