Trung Quốc phát triển điện mặt trời trên sa mạc

NDO -

Với mục tiêu đạt mức phát thải đỉnh điểm vào năm 2030 và trung hòa khí thải carbon trước năm 2060, Trung Quốc đang nỗ lực phát triển các loại năng lượng tái tạo, trong đó có điện năng lượng mặt trời ở các vùng sa mạc rộng lớn miền tây bắc nước này.

Công trình điện mặt trời trên sa mạc Tengger, tây bắc Trung Quốc. (Ảnh: VI SA)
Công trình điện mặt trời trên sa mạc Tengger, tây bắc Trung Quốc. (Ảnh: VI SA)

Theo báo cáo về phát triển năng lượng tái tạo năm 2021, mức tiêu thụ năng lượng tái tạo của Trung Quốc trong năm 2021 tương đương 750 triệu tấn than tiêu chuẩn, chiếm 14,2% tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp, góp phần giảm phát thải khoảng 1,95 tỷ tấn khí CO2. 

Tính đến hết năm 2021, công suất lắp đặt điện từ năng lượng tái tạo vượt ngưỡng 1 tỷ kW, chiếm 44,8% tổng công suất phát điện; sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt 2.480 tỷ kWh, chiếm 29,7% tổng sản lượng điện của cả nước. Trong đó, riêng công suất phát điện từ năng lượng mặt trời đạt 306 triệu kW, sản lượng điện mặt trời đạt 327 tỷ kWh.

Với lợi thế là một trong những quốc gia có nhiều sa mạc nhất trên thế giới, với tổng diện tích khoảng 1,2 triệu km2, phân bố chủ yếu ở khu vực miền tây và tây bắc có khí hậu khô, lượng mưa ít, hơn 80% số ngày trong năm có thời tiết nắng, cường độ bức xạ mặt trời cao, Trung Quốc đang đầu tư phát triển các công trình phát điện từ năng lượng mặt trời trên sa mạc.

Đáng chú ý, ngoài việc tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, việc lắp đặt hệ thống phát điện từ năng lượng mặt trời còn gắn liền với công tác phòng, chống sa mạc hóa và phát triển ngành du lịch trải nghiệm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại thành phố Trung Vệ thuộc khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, nơi có sa mạc Tengger lớn thứ tư ở Trung Quốc, một hệ thống điện mặt trời với công suất 8,22 triệu kW đã được lắp đặt, kết nối với điện lưới quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhiều khu công nghiệp chung quanh và người dân của thành phố hơn 1,2 triệu dân này.

Theo ông Hoàng Chiến Vinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách thành phố Trung Vệ, sa mạc Tengger có lượng ánh nắng dồi dào trong hơn 300 ngày/năm, nên việc sử dụng vào mục đích phát điện rất hiệu quả. Các tấm pin năng lượng mặt trời chủ yếu được sản xuất trong nước, chi phí lắp đặt hiện nay đã giảm xuống mức rất thấp do đã hình thành chuỗi công nghiệp năng lượng mặt trời trong cả nước. Ngoài ra, công trình điện năng lượng mặt trời trên sa mạc mênh mông còn tạo ra một cảnh quan đặc biệt, thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Theo đánh giá, việc phát triển điện mặt trời trên sa mạc ở Trung Quốc còn nhiều tiềm năng, nếu khắc phục được những hạn chế bởi chi phí xây dựng, vận hành, bảo trì và truyền tải điện năng, có thể tạo ra một sản lượng điện khá lớn, góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng điện mặt trời và điện gió mà nước này đề ra trong Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2025.