Trung Quốc khuyến khích sinh con thứ ba

NDO -

Tỷ lệ sinh giảm, già hóa dân số là những bài toán nan giải mà đất nước 1,4 tỷ dân đang đối mặt trong quá trình phát triển và đô thị hóa. Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có khuyến khích người dân sinh con thứ ba, để giải quyết thách thức về dân số và nguồn nhân lực cho tương lai.

Trẻ em vui chơi ở Công viên Nhật Đàn, Bắc Kinh. (Ảnh: Phương Thảo)
Trẻ em vui chơi ở Công viên Nhật Đàn, Bắc Kinh. (Ảnh: Phương Thảo)

Mức tăng dân số thấp kỷ lục

Số liệu do Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc công bố mới đây cho thấy, tổng dân số Trung Quốc tính đến cuối năm 2021 là 1,4126 tỷ người, chỉ tăng 480 nghìn người so năm 2020. Đây là mức tăng trưởng dân số ròng thấp nhất trong vòng 60 năm qua.

Cả năm 2021, chỉ có 10,62 triệu em bé được sinh ra, tỷ lệ sinh đạt 0,718%, liên tiếp 2 năm dưới mức 1%, là tỷ lệ sinh thấp nhất trong vòng 72 năm qua; giảm tới 43,6% so năm 2016, thời điểm Trung Quốc bắt đầu cho phép sinh con thứ hai sau nhiều năm kiên trì chính sách dân số khắt khe chỉ cho phép sinh duy nhất một con.

Theo ông Dương Kim Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Dân số và Gia đình thuộc Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, những năm quan, sự phát triển dân số ở nước này đứng trước những biến đổi có tính bước ngoặt, xu thế tăng trưởng dân số giảm sút mạnh, số trẻ em sinh ra duy trì ở mức thấp, tình trạng già hóa dân số ngày càng nghiêm trọng, gánh nặng sinh đẻ, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em trở thành nhân tố chính cản trở việc sinh con của người dân.

Còn theo ông Ninh Cát Triết, Cục trưởng Cục thống kê Nhà nước Trung Quốc, tỷ lệ sinh năm 2021 thấp, có nguyên nhân chủ yếu là số phụ nữ trong độ tuổi sinh nở liên tục giảm, độ tuổi từ 15 đến 49 giảm tới 5 triệu người so năm 2020, trong đó, số phụ nữ trong độ tuổi 21 đến 35 giảm tới 3 triệu người. Ngoài ra, quan niệm về sinh nở có nhiều thay đổi, độ tuổi kết hôn và sinh con muộn hơn, mong muốn sinh con của người trẻ giảm, cũng là nguyên nhân của hiện tượng này. Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng lớn về kinh tế, thu nhập, tâm lý xã hội, những hạn chế về đi lại, tiếp xúc cũng tác động đến việc sinh con đẻ cái của người dân Trung Quốc.

Năm 2016, khi Trung Quốc tuyên bố kết thúc chính sách một con kéo dài hơn 36 năm, để thực hiện chính sách hai con, dân số tăng trưởng ròng trong năm lên tới 9,06 triệu người, đã đem lại một tín hiệu tích cực. Tuy vậy, những năm sau đó, dân số tăng trưởng ròng liên tục giảm, chỉ còn 5,3 triệu người năm 2018 và 480 nghìn người trong năm 2021. Theo nhiều chuyên gia, chi phí sinh nở và nuôi dạy con cái ở khu vực thành phố rất đắt đỏ; cùng với quá trình đô thị hóa, một lượng lớn lao động nhập cư không có hộ khẩu vào thành phố làm thuê và sinh sống, chi phí cao, lại không được bảo hiểm thanh toán dịch vụ y tế khiến hàng triệu người dân nhập cư chưa có ý định sinh con.

Mức tăng dân số thấp kỷ lục dấy lên những lo ngại trong xã hội Trung Quốc về già hóa dân số, thiếu hụt nguồn lực lao động trong trung và dài hạn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Từ cho phép đến khuyến khích sinh con thứ ba

Ngày 31/5, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua chính sách dân số mới, chính thức cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh ba con cùng nhiều giải pháp thực hiện. Song chính sách mới chưa thể đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao tỷ lệ sinh, duy trì tăng trưởng dân số.

Lý giải về điều này, ông Dương Kim Thụy cho rằng, chính sách cho phép sinh ba con có mục tiêu là thúc đẩy mức sinh hợp lý và sự phát triển dân số cân bằng trong dài hạn. Song thời gian thực hiện chưa đủ dài, các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ và khuyến khích sinh đẻ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, ban hành nên chưa thể đem lại hiệu quả rõ rệt trong ngắn hạn.

Để khuyến khích người dân sinh con thứ ba, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hàng loạt giải pháp đồng bộ như hủy bỏ thu phí đối với công dân sinh vượt quá số con theo quy định; giảm gánh nặng học tập cho trẻ em trong độ tuổi phổ cập giáo dục, đưa các dịch vụ chăm sóc trẻ em dưới 3 tuổi vào diện giảm trừ thuế thu nhập, miễn phí bảo hiểm sinh con thứ ba, trợ cấp các chi phí chăm sóc, nhà trẻ...

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng ra các quy định để thúc đẩy thực hiện chính sách dân số mới. Theo đó, phần lớn các địa phương điều chỉnh tăng từ 30 đến 90 ngày nghỉ thai sản cho phụ nữ sinh con, tăng mức hỗ trợ về chăm sóc, giáo dục trẻ em và bảo đảm quyền lợi cho các gia đình tích cực thực hiện chính sách dân số mới.

Đơn cử như tỉnh Chiết Giang đưa việc xây dựng xã hội thân thiện với sinh đẻ vào các nội dung cải cách cốt lõi để trở thành khu vực thịnh vượng trong tương lai. Thành phố Tô Châu dự kiến đầu tư 400 triệu nhân dân tệ cho phát triển dịch vụ nhà trẻ và mầm non. Thành phố Phàn Chi Hoa nỗ lực cải thiện dịch vụ hỗ trợ sinh đẻ, dự kiến sẽ trợ cấp thai sản cho người dân. Tỉnh Quảng Đông xây dựng giải pháp tổng thể cho người già và trẻ em, xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em để bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em...

Nhìn chung, chính sách dân số mới cùng các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sinh con thứ ba nhận được sự quan tâm rất lớn trong xã hội Trung Quốc. Thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp xây dựng môi trường xã hội thân thiện với sinh đẻ, sẽ quyết định đến việc hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy phát triển dân số cân bằng lâu dài của nước này.