Tổng thống Pháp muốn có đa số lớn hơn và rõ ràng hơn tại Quốc hội

NDO -

Sau 2 ngày liên tiếp có các cuộc tham vấn chính trị với lãnh đạo các chính đảng nhằm tìm kiếm một thỏa hiệp, trong bài phát biểu trên truyền hình tối 22/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị các đảng đối lập có quyết định rõ ràng trên tinh thần hợp tác và trách nhiệm để mở rộng đa số tại Quốc hội cho Chính phủ hành động.

Tổng thống Emmanuel Macron có bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ khi liên minh cầm quyền mất đa số tuyệt đối tại Quốc hội. (Ảnh: L'Express)
Tổng thống Emmanuel Macron có bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ khi liên minh cầm quyền mất đa số tuyệt đối tại Quốc hội. (Ảnh: L'Express)

Trong 2 ngày 21 và 22/6, Tổng thống Emmanuel Macron lần lượt tiếp đại diện các chính đảng trong Hạ viện mới ngay sau khi liên minh của ông mất đa số tuyệt đối (289/577 ghế) sau kỳ bầu cử Quốc hội. Với 246 ghế tại Quốc hội và là đa số tương đối, Tổng thống Emmanuel Macron rơi vào thế "khó cầm quyền", tức là sẽ phải thương lượng với các nhóm đối lập tại Quốc hội để thông qua các cải cách.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh trong bài phát biểu chỉ kéo dài khoảng 8 phút rằng không có đảng phải hay liên minh nào giành được đa số tuyệt đối tại Quốc hội mới. Nói về sự bế tắc chính trị hiện nay, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, tỷ lệ vắng mặt cao ở cả 2 vòng bầu cử lập pháp vừa qua đã dẫn tới tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Qua đó cho thấy, người dân Pháp không quan tâm tới đời sống chính trị quan trọng của đất nước.

Tổng thống Emmanuel Macron bày tỏ lo ngại về sự chia rẽ sâu sắc của nước Pháp, thể hiện rõ qua thành phần chính trị tại Quốc hội mới. Ông thừa nhận hiện không có một lực lượng chính trị nào có thể làm luật một mình. Liên minh của đảng cầm quyền chỉ có đa số tương đối, do vậy cần phải xây dựng một thỏa thuận liên minh hoặc thành lập đa số để thông qua từng dự luật. 

Tổng thống Pháp cũng loại trừ việc thành lập "một chính phủ đoàn kết dân tộc" với tất cả các đảng phái, cho rằng tình hình hiện nay là chưa phù hợp. Thay vào đó, ông Emmanuel Macron muốn có sự hợp tác "mở rộng đa số" tại Quốc hội để hành động. 

Theo Tổng thống Emmanuel Macron, hơn bao giờ hết, nước Pháp cần những cải cách đầy tham vọng để có sự thịnh vượng và đổi mới hơn nữa. Ông khẳng định mong muốn có một số dự luật cấp bách về cải thiện sức mua, việc làm hay năng lượng và khí hậu được thông qua trong hè này. 

Ông Emmanuel Macron cho rằng, sự bế tắc tại Quốc hội không nên dẫn đến sự trì trệ mà thay vào đó là "đối thoại và sẵn sàng lắng nghe lẫn nhau". Để các biện pháp khẩn cấp sớm được thông qua, Tổng thống Pháp đề nghị các đảng phái có quan điểm rõ ràng về việc chia sẻ trách nhiệm và hợp tác tại Quốc hội trong 2 ngày tới.  

Nhận định về tình hình sắp tới, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, tất cả phải thích ứng với cách quản lý và lập pháp mới, xây dựng những thỏa thuận mới trên tinh thần đối thoại, lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. 

Trước đó, trong các cuộc tham vấn với lãnh đạo các đảng phái, Tổng thống Emmanuel Macron đã đưa ra đề xuất thành lập một "chính phủ đoàn kết dân tộc", tức là mở rộng thành phần cho các chính đảng khác. Hiện chưa có đảng phái nào chấp nhận liên minh hay liên kết với liên minh cầm quyền để có đa số tuyệt đối tại Quốc hội. 

Ngày 21/6, cuộc họp chính phủ đã bị hủy trong khi chờ cải tổ nội các vì có 3 bộ trưởng phải từ chức do thất cử trong kỳ bầu cử quốc hội vừa qua. Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống, Thủ tướng Élisabeth Borne đã đệ đơn từ chức, nhưng bị bác bỏ để Chính phủ có thể tiếp tục thi hành nhiệm vụ và hành động trong những ngày tới. 

Kết quả bầu cử lập pháp ngày 19/6 đã đặt nước Pháp vào tình thế "chưa từng có" trong nền Cộng hòa thứ V khi một tổng thống vừa đắc cử mất đa số tại Quốc hội.

Chính trường Pháp còn diễn biến phức tạp. Quyền lực vốn tập trung tại Điện Elysée giờ đây đã chuyển sang Quốc hội. Tổng thống vẫn nắm quyền điều hành nhà nước, nhưng không còn được quyền quyết định một mình về các vấn đề liên quan người dân, như: sức mua, hưu trí, bệnh viện, trường học, thuế, lương tối thiểu... 

Do vậy, liên minh cầm quyền buộc phải tìm kiếm thỏa hiệp với các đảng đối lập để thông qua các luật. Dù vậy, Quốc hội mới được dự báo sẽ chứng kiến các cuộc tranh luận dữ dội hơn, đàm phán gay gắt hơn nhiệm kỳ trước.

Trong 2 ngày tới, Tổng thống Emmanuel Macron tạm dừng nỗ lực khai thông bế tắc chính trị nội bộ để tham dự các cuộc họp quốc tế quan trọng gồm: họp Hội đồng châu Âu tại Bruxelles, Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức, Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) và một hội nghị của Liên hiệp quốc tại Lisbon (Bồ Đào Nha).