Tổng thống Pháp E. Macron cam kết xây dựng nước Pháp mạnh mẽ hơn

NDO -

Sáng 7/5 (giờ địa phương), lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được tổ thức tại Điện Élysée ở Paris. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Emmanuel Macron cam kết xây dựng một nước Pháp mạnh mẽ hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lễ nhậm chức của Tổng thống Emmanuel Macron được tổ chức tại Điện Élysée ở Paris. (Ảnh: ELysse.fr)
Lễ nhậm chức của Tổng thống Emmanuel Macron được tổ chức tại Điện Élysée ở Paris. (Ảnh: ELysse.fr)

Theo nghi thức truyền thống, lễ nhậm chức bắt đầu với phần công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống Pháp trong tháng 4 vừa qua do Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Pháp Laurent Fabius thực hiện, xác nhận ông Emmanuel Macron tái đắc cử. Tổng thống Emmanuel Macron sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 2 từ ngày 14/7, cũng là Quốc khánh của nước Pháp.

Tiếp đó, Tổng thống Emmanuel Macron có bài phát biểu nhậm chức, đề cập đến những thách thức rất lớn như đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraina hay tình trạng khẩn cấp về sinh thái vào thời điểm ông được người dân Pháp trao trọng trách lãnh đạo đất nước thêm 5 năm nữa.

Trong bối cảnh như vậy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết làm hết khả năng và kêu gọi người dân Pháp đoàn kết để thực hiện mục tiêu xây dựng nước Pháp độc lập và mạnh mẽ hơn, người dân có cuộc sống tốt hơn. Ông cũng khẳng định quyết tâm hành động để nước Pháp và châu Âu có thể ứng phó tốt hơn trước những thách thức của thế kỷ này, trong đó có thách thức về biến đổi khí hậu.

Ông Emmanuel Macron khẳng định sẽ áp dụng những phương pháp điều hành đất nước mới để tiến hành các cải cách trong nhiệm kỳ mới, thực hiện các dự án lớn về sinh thái và xã hội hướng tới mục tiêu gây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ trẻ.

Khác với những người tiền nhiệm, ông Emmanuel Macron chỉ tổ chức nhậm chức nhiệm kỳ 2 tại Điện Élysées mà không có thêm các hoạt động tuần hành mang tính biểu tượng trên đại lộ nổi tiếng Champs-Élysées hay ghé thăm tòa thị chính thành phố Paris.

Lượng khách mời tham dự cũng hạn chế với khoảng 450 người, ngoài người thân và gia đình. Tham dự lễ nhậm chức có hai cựu Tổng thống Pháp gồm ông Nicolas Sarkozy và François Hollande.

Ngày 7/5 cũng là tròn 5 năm ông Emmanuel Macron bắt đầu lãnh đạo nước Pháp từ năm 2017. Sau bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Pháp dự lễ chào cờ và duyệt đội danh dự trong tiếng nổ của 21 phát súng đại bác.

Trong tuần làm việc đầu tiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ tham dự lễ kỷ niệm chiến thắng phát-xít tại Khải Hoàn Môn (L’Arc de Triomple) vào ngày 8/5. Một ngày sau, ông Macron sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội châu Âu ở thành phố Strasbourg và thực hiện chuyến công du đầu tiên đến Berlin gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thể hiện các cam kết đối với Liên minh châu Âu (EU).

Tiếp tục giành chiến thắng trước ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen trong lần thứ 2 tranh cử tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron bước vào nhiệm kỳ 2 với nhiều thách thức lớn cả về đối nội và đối ngoại. Đó là vấn đề an ninh châu Âu trước cuộc xung đột Nga-Ukraina, cải thiện sức mua, sự leo thang giá năng lượng hay mức lạm phát tăng cao đe dọa đà phục hồi kinh tế của cả Pháp và châu Âu. Tiếp đó là các yêu cầu về cải cách chế độ phúc lợi xã hội, cải cách tiền lương, hưu trí, thất nghiệp hay chuyển đổi năng lượng phục vụ các mục tiêu khí hậu.

Năm 2017, ông Emmanuel Macron trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất lịch sử Pháp, chấm dứt truyền thống cầm quyền luân phiên của hai phe tả-hữu. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Emmanuel Macron đã tiến hành hàng loạt cải cách về kinh tế, an ninh, giáo dục và môi trường. Bên cạnh những thành tựu kinh tế đáng chú ý như tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua, còn 7,4% vào cuối năm 2021 so 9,5% vào lúc ông nhập chức, cải cách hưu trí

Sau 5 năm, ông Emmanuel Macron đã đạt được một số thành tựu, trong đó có tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 15 năm, còn 7,4% vào cuối năm 2021 so mức 9,5% lúc ông mới nhậm chức và chỉ ở mức 5,3% vào tháng 4/2022. Bên cạnh đó, còn có một số dự án dang dở như dự án luật cải cách hưu trí bị phản đối gay gắt ngay từ khi đưa ra vào cuối năm 2019.

Sau lễ nhậm chức, thách thức lớn nhất ở trong nước đối với ông Emmanuel Macron là cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 6. Nếu đảng cầm quyền và liên minh không giành được đa số ghế, sẽ xảy ra tình trạng "chung sống chính trị", khi đó thủ tướng sẽ là đại diện của phe đa số đối lập.

Đảng cực tả Nước Pháp bất khuất của ông Jean-Luc Mélenchon, người về thứ 3 trong vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp vừa qua, đã thành lập được liên minh với các đảng Xanh (Châu Âu sinh thái Xanh - EELV), đảng Cộng sản (PCF) và đảng Xã hội (PS) với tham vọng giành được đa số ghế tại Quốc hội Pháp trong kỳ bầu cử tới.

Trước sức ép ngày càng lớn từ tỷ lệ ủng hộ ngày càng lớn của cử tri đối với phe cực hữu, thể hiện rõ trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua và liên minh của các đảng cánh tả, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện thay đổi nội bộ đầu tiên trước lễ nhậm chức. 

Ngày 5/5, đảng Cộng hòa tiến bước (LREM), tiền thân là phong trào Tiến bước, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành lập, đã đổi tên thành đảng Renaissance (Phục hưng) với hàm ý đây là đảng của nhân dân, mở cho tất cả mọi công dân và dân biểu bất kể nguồn gốc, xuất xứ, cũng như cho các đối tác. Mục tiêu là để giành đa số ghế tại cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6 tới nhằm tạo đà thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết tranh cử của ông Emmanuel Macron.

Trước khi chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới từ ngày 14/7, Tổng thống Pháp sẽ tiến hành thành lập chính phủ mới.

Tổng Bí thư và Chủ tịch nước gửi Điện mừng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử

[Infographic] Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử nhiệm kỳ hai

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử