Tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ ngày càng nguy cấp

NDO -

Theo Worldometers, với 349.313 ca mắc mới, Ấn Độ tiếp tục là nước ghi nhận nhiều ca bệnh nhất trong ngày 24-4. Quốc gia Nam Á này cũng phá vỡ kỷ lục số ca mắc mới tính theo ngày mà nước này vừa xác lập một ngày trước đó. 

Người dân chờ nạp đầy bình oxy tại ngoại ô TP Prayagraj, Ấn Độ, ngày 23-4. (Ảnh: AP)
Người dân chờ nạp đầy bình oxy tại ngoại ô TP Prayagraj, Ấn Độ, ngày 23-4. (Ảnh: AP)

Cùng ngày, Ấn Độ ghi nhận 2.761 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ ngày càng trở nên nguy hiểm hơn trong bối cảnh Chính phủ tìm cách cung cấp oxy y tế cho các bệnh viện đang phải xử lý hàng trăm nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày.

Người bệnh Covid-19 và người thân của họ đang tập trung bên ngoài các bệnh viện tại những thành phố lớn trên khắp cả nước. Trước tình hình này, Chính phủ Ấn Độ đã tổ chức chuyến tàu đặc biệt để đưa oxy y tế đến những thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, đồng thời hối thúc các cơ sở sản xuất tăng cường sản lượng oxy và những loại thuốc đang bị thiếu nguồn cung. Không quân Ấn Độ cũng tham gia vận chuyển bình oxy và nhiều thiết bị y tế khác trên khắp cả nước. 

Một "chuyến tàu tốc hành" mang theo 30 nghìn lít oxy đã tới TP Lucknow, bang Uttar Pradesh lúc rạng sáng 24-4. Sau đó, lực lượng vũ trang đã hộ tống đoàn xe chở oxy tới các bệnh viện. Lucknow hiện là một trong những thành phố chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh tại Ấn Độ. Các bệnh viện và nhà hỏa táng tại Lucknow đang hoạt động hết công suất, trong khi các nhà chức trách dự đoán lượng oxy sẵn có chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nửa ngày. 

Tại Delhi, chính quyền cho biết sẽ bắt đầu thiết lập nguồn dữ trự oxy để tăng tốc độ cung cấp cho các bệnh viện. Theo ghi nhận của truyền thông, nhiều người đã tử vong bên ngoài bệnh viện tại thủ đô của Ấn Độ cho thiếu giường bệnh và oxy y tế. 

Tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ ngày càng nguy cấp -0
Trung tâm tiêm chủng tại Mumbai. (Ảnh: AP) 

* Trong số 10 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, có tới bảy quốc gia châu Âu, gồm Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Italy, Tây Ban Nha và Đức, tất cả đều đã ghi nhận hơn 3,2 triệu ca nhiễm, riêng Pháp là hơn 5,4 triệu ca.

Tại châu Âu, theo thông báo của Văn phòng Y tế Công cộng liên bang Thụy Sĩ (FOPH), trường hợp đầu tiên mắc biến thể của SARS-CoV-2 ghi nhận ở Ấn Độ đã được phát hiện ở Thụy Sĩ, liên quan đến một hành khách quá cảnh tại sân bay.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 25-4 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 147.044.389 ca mắc, 3.112.402 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 32.789.653 ca mắc, 585.880 ca tử vong
2. Ấn Độ: 16.951.769 ca mắc, 192.310 ca tử vong
3. Brazil: 14.308.215 ca mắc, 389.609 ca tử vong
4. Pháp: 5.473.579 ca mắc, 102.713 ca tử vong
5. Nga: 4.753.789 ca mắc, 107.900 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.636.792 ca mắc, 44.500 ca tử vong 
2. Philippines: 989.380 ca mắc, 16.674 ca tử vong
3. Malaysia: 390.252 ca mắc, 1.426 ca tử vong 
4. Myanmar: 142.704 ca mắc, 3.206 ca tử vong  
5. Singapore: 60.966 ca mắc, 30 ca tử vong
6. Thái Lan: 53.022 ca mắc, 129 ca tử vong
7. Campuchia: 9.359 ca mắc, 71 ca tử vong
8. Việt Nam: 2.833 ca mắc, 35 ca tử vong
9. Brunei: 223 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 247 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 43.790.306 ca mắc, 996.385 ca tử vong  
2. Bắc Mỹ: 37.913.600 ca mắc, 854.852 ca tử vong 
3. Châu Á: 36.565.457 ca mắc, 491.034 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 24.176.598 ca mắc, 648.777 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.535.431 ca mắc, 120.152 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 62.276 ca mắc, 1.184 ca tử vong

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư