Tìm cách “hồi sinh” tiến trình hòa bình Trung Đông

Chuyến công du Ai Cập của Thủ tướng Israel Naftali Bennett vừa qua là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Israel đến Ai Cập trong một thập niên qua. Cùng việc tăng cường hợp tác hai nước, trọng tâm chuyến thăm là thảo luận về cách thức “hồi sinh” tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, cũng như các vấn đề khu vực.

Tuần hành bày tỏ đoàn kết với các tù nhân Palestine bị giam giữ trong nhà tù của Israel, Ramallah, Bờ Tây, ngày 8/9/2021. (Ảnh: Reuters)
Tuần hành bày tỏ đoàn kết với các tù nhân Palestine bị giam giữ trong nhà tù của Israel, Ramallah, Bờ Tây, ngày 8/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Tại cuộc thảo luận với Thủ tướng Israel Bennett ở thành phố Sharm El-Sheikh bên bờ biển Ðỏ, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi khẳng định sự ủng hộ của Cairo đối với mọi nỗ lực nhằm đạt được hòa bình toàn diện ở Trung Ðông dựa trên giải pháp hai nhà nước và các nghị quyết quốc tế.

Tổng thống Sisi nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các nỗ lực của Ai Cập liên quan công cuộc tái thiết tại các vùng lãnh thổ của người Palestine. Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng nêu bật sự cần thiết duy trì thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Palestine.

Ai Cập đóng vai trò trung gian giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa Israel và các tay súng Palestine ở dải Gaza hồi tháng 5 và tiếp tục xúc tiến các nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa hai bên, thúc đẩy thiết lập hòa bình, ổn định ở khu vực.

Năm 1979, Ai Cập là quốc gia Arab đầu tiên ký hiệp ước hòa bình với Israel. Với sự hỗ trợ của Ai Cập, Israel duy trì phong tỏa dải Gaza kể từ khi Phong trào Hamas bắt đầu quản lý vùng lãnh thổ này vào năm 2007.

Bộ trưởng Ngoại giao Israel gần đây công bố một kế hoạch phát triển kinh tế ở Gaza, gồm hai giai đoạn và được cho là tầm nhìn mới cho quan hệ giữa hai bên. Chiến lược phát triển kinh tế lấy nền tảng là thu hút đầu tư quốc tế và quan hệ hợp tác giữa Israel với Palestine nhằm kiến tạo môi trường ổn định cho cả hai bên. Mục tiêu giai đoạn 1 của kế hoạch là khôi phục cơ sở hạ tầng của Gaza, với điều kiện có sự giám sát chặt chẽ của quốc tế và Hamas phải kiềm chế. Giai đoạn 2 gồm nhiều dự án lớn, bao gồm xây dựng một hòn đảo nhân tạo ngoài bờ biển Gaza để xây dựng cảng biển và các dự án cơ sở hạ tầng kết nối Bờ Tây với Gaza.

Theo đề nghị của Israel, Ai Cập và Chính quyền Palestine (PA) giữ vai trò quan trọng trong kế hoạch nêu trên. Trong đó, PA sẽ tiếp quản lĩnh vực kinh tế và dân sự ở Gaza, hiện do Phong trào Hamas quản lý. Nếu Hamas có bất cứ vi phạm nào thì Israel sẽ ngừng kế hoạch và có biện pháp đáp trả phù hợp.

Ðể thúc đẩy kế hoạch này, Bộ Ngoại giao Israel đã thảo luận với các nhà lãnh đạo và đại diện Liên hiệp châu Âu (EU), Ai Cập, các quốc gia vùng Vịnh, Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, kế hoạch này không đề cập giải pháp hai nhà nước và không giải quyết được gốc rễ vấn đề về “quy chế cuối cùng” giữa Israel và Palestine. Bởi thế, cho dù đề xuất các biện pháp nhằm giảm căng thẳng với Phong trào Hamas, song kế hoạch này được cho là khó khả thi khi người Palestine thường không tỏ ra tin tưởng trước những đề xuất kinh tế từ Israel, chưa kể những điều kiện đưa ra khó được Hamas chấp nhận.

Ðối với Palestine, chỉ có đối thoại giữa hai bên để đạt một giải pháp hai nhà nước, trong đó giải quyết được các vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột, mới có thể đem lại một nền hòa bình toàn diện và lâu dài cho Trung Ðông.