Tiểu thương Thái Lan chật vật tồn tại trong đại dịch Covid-19

NDO -

Trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Thái Lan đã gây nhiều khó khăn và khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này phải đóng cửa. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tiểu thương đang cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh của mình với hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện.

Lối vào trung tâm thương mại Platinum.
Lối vào trung tâm thương mại Platinum.

Theo số liệu của Chính phủ Thái Lan, năm 2020 nước này có khoảng 3,1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ với hơn 12,7 triệu lao động. Thậm chí, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan, số doanh nghiệp hoạt động trong thực tế còn có thể nhiều hơn vì nhiều cửa hàng nhỏ vẫn hoạt động mà không đăng ký với nhà chức trách. Là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Thái Lan, trong quý I năm nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đóng góp tới 35% vào GDP của Thái Lan.

Với nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành công nghiệp du lịch, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề khi đại dịch Covid-19 bùng phát, buộc Thái Lan phải đóng cửa biên giới. Tình hình càng trở nên tệ hại hơn khi số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tăng vọt trong đợt bùng phát dịch thứ ba, khiến Chính phủ phải áp đặt nhiều biện pháp hạn chế từ cuối tháng 6. 

Ông Sangchai Theerakulwanich, Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan nói: “Đợt bùng phát này còn tệ hơn năm trước và hàng triệu doanh nghiệp đang chịu thiệt hại. Nếu tình hình kéo dài tới cuối năm, có tới 80% doanh nghiệp nhỏ có thể bị phá sản”.

Tiểu thương Thái Lan chật vật tồn tại trong đại dịch Covid-19 -0
Những cửa hàng trên đường Ratchaprarop vắng bóng du khách. 

Trong thời gian qua, Chính phủ Thái Lan đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như giảm thuế hay cung cấp các khoản vay ưu đãi. Mới đây nhất, Chính phủ Thái Lan vừa thông qua biện pháp hỗ trợ một khoản trợ cấp trong vòng 3 tháng cho người làm công trong các doanh nghiệp có từ 200 lao động trở xuống, giúp các doanh nghiệp này giữ nhân viên của mình. Tuy nhiên, dường như đến nay tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Nằm ở góc giao lộ Ratchadamri và Phetchaburi sầm uất, khu trung tâm thương mại Platinum từng là một trong những khu thương mại nổi tiếng và đông đúc nhất ở Thái Lan. Khách du lịch tới thủ đô Bangkok của Thái Lan, ít nhiều đều một lần ghé qua đây để trải nghiệm cảm giác chen chúc giữa những kiosk đầy ắp hàng hóa, lựa chọn những mẫu quần áo, giày dép mà mình ưa thích trong một không gian náo nhiệt.

Khi Thái Lan đóng cửa biên giới năm 2020 do đại dịch Covid-19, lượng du khách nước ngoài tới đất nước “Chùa vàng” giảm tới 90%. Đây là một đòn giáng mạnh mẽ vào những tiểu thương buôn bán ở chợ Pratunam, những người phụ thuộc nặng nề vào nguồn du khách nước ngoài. Sau gần 2 năm đại dịch, rất nhiều người đã phải đóng cửa hàng, tìm người cho thuê lại. Những người cố bám trụ thì cũng chỉ vì cố gắng giải quyết nốt số hàng tồn cùng những hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện. 

Do có quá nhiều người đóng cửa hàng, ban quản lý trung tâm thương mại đã thuyết phục các chủ hàng vẫn đang kinh doanh chuyển hết về một tòa nhà và đóng cửa một tòa nhà còn lại để tiết kiệm chi phí vận hành. Tuy nhiên, dù đã tập trung về một phía, nhưng gần như chỉ có tầng 1 của tòa nhà là có vẻ đông đúc. Còn ở những tầng phía trên, dọc các hành lang vắng lặng, hàng loạt gian hàng đóng cửa, dừng hoạt động, chỉ còn một vài cửa hàng còn mở cửa. Tại những gian hàng này thì hầu như mặt hàng nào cũng có tấm biển “giảm giá”. 

Tiểu thương Thái Lan chật vật tồn tại trong đại dịch Covid-19 -0
Một cửa hàng còn mở cửa hoạt động tại trung tâm thương mại Platinum. 

Tại một cửa hàng quần áo, chị Chathida, chủ cửa hàng đang lúi húi dọn dẹp, chỉnh trang sắp xếp lại các mẫu quần áo treo trên giá. Khi chúng tôi hỏi thăm, chị cười bảo làm theo thói quen thôi chứ giờ cũng chẳng có mấy khách và hàng mới thì cũng chẳng có nhiều. 

Chị tâm sự, trong suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát ở Thái Lan vừa qua, chị gần như không có thu nhập bởi không bán được hàng trong khi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên. Dù ban quản lý chợ đã hỗ trợ giảm 80% tiền thuê mặt bằng, nhưng khách du lịch nước ngoài không có, cũng không có khách mua buôn, giờ đây hằng ngày chị chỉ trông mong kiếm thu nhập từ những khách hàng người Thái. Thế nhưng, những lo ngại về lây lan dịch Covid-19 cũng khiến lượng khách người Thái tới mua hàng tại trung tâm giảm mạnh.

Mặc dù vậy, chị khẳng định sẽ vẫn cố gắng duy trì việc kinh doanh để chờ cho tình hình tốt lên. Chị nói: “Trước kia khách hàng chính của tôi đến từ nhiều nước lắm: Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Việt Nam... Nhưng bây giờ chỉ bán được cho mỗi người Thái thôi. Thế nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì cửa hàng vì tôi nghĩ tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng chứ không chỉ riêng mình. Ngày nào tôi cũng hy vọng, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Vì có hợp đồng ràng buộc nên chúng tôi phải tiếp tục duy trì, bởi nếu dừng kinh doanh thì cũng không được trả lại tiền đặt cọc thuê. Hơn thế nữa, vì hàng hóa tồn đọng còn nhiều nên chúng tôi phải bán để xử lý hàng tồn và thu hồi vốn”. 

Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, là các tiểu thương buôn bán dọc con đường Ratchaprarop gần đó. Tình hình kinh doanh ở nơi đây gần như bị đình trệ hoàn toàn. Trên những vỉa hè vắng bóng khách du lịch, hàng loạt các cửa hàng đóng cửa, phủ bạt im lìm. Bên cạnh đó, trong những cửa hàng còn mở cửa, người bán hàng hoặc chăm chú xem điện thoại giết thời gian, hoặc ngồi thờ ơ nhìn xe cộ qua lại trên phố. 

Tiểu thương Thái Lan chật vật tồn tại trong đại dịch Covid-19 -0
Chị Chamrong Rutthakhun, chủ cửa hàng trên phố Ratchaprarop. 

Trò chuyện với chúng tôi, chị Chamrong Rutthakhun, chủ một cửa hàng bán dép cho biết: “Dịch bệnh đã tác động lớn đến thu nhập cũng như hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Hiện người bán còn nhiều hơn người mua. Thế nhưng chúng tôi vẫn cố duy trì việc buôn bán mặc dù thu nhập bị giảm sút rất nhiều. Năm ngoái, cuộc sống của chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn do phong tỏa, nhưng vẫn còn đỡ hơn năm nay. Bởi sau gần 2 năm, những người làm kinh doanh đã dần bị cạn kiệt vốn đầu tư rồi. Đến thời điểm này chúng tôi không chỉ còn bán một mặt hàng chính nữa mà phải làm nhiều công việc khác nhau để có thu nhập nuôi sống gia đình. Chúng tôi bán thêm các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang y tế, cồn rửa tay hay đồ ăn, rau quả”.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, nhưng nhiều tiểu thương vẫn quyết tâm duy trì công việc kinh doanh với hy vọng tình hình sẽ sớm trở lại bình thường. Chia tay chúng tôi, chị Chamrong vẫn tỏ ra lạc quan và cho rằng đại dịch lần này là một bài học dạy cho mọi người cách tự thích ứng với hoàn cảnh, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn có thể xảy ra. 

Bên cạnh đó, do dịch bệnh kéo dài nên mọi người bắt đầu thay đổi về tư duy, tiêm vaccine đầy đủ và có nhận thức về việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe... Chị cũng bày tỏ hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi trên toàn thế giới để cuộc sống trở lại bình thường.